Trồng khoai môn sáp thu lãi lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, người dân xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, Gia Lai) đã mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, những hộ trồng khoai môn sáp thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha mỗi vụ.
Đầu năm 2017, bà Nguyễn Thị Bắc (thôn 1) được một người bạn giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai môn sáp ruột vàng. Thấy loại cây này cho hiệu quả kinh tế cao, bà Bắc đã phá bỏ hơn 1 ha mía để trồng. Theo bà Bắc, khoai môn sáp thích hợp với những nơi đất pha cát, tơi xốp, dễ thoát nước. Loại cây này có thể xuống giống quanh năm và trồng khoảng 6 tháng là cho thu hoạch.
 Vườn khoai môn sáp của người dân xã Hà Tam (huyện Đak Pơ). Ảnh: Ngọc Minh
Vườn khoai môn sáp của người dân xã Hà Tam (huyện Đak Pơ). Ảnh: Ngọc Minh
Theo nhiều người, khoai môn sáp trồng ở huyện Đak Pơ có chất lượng không thua kém các vùng khác, thậm chí có phần nhỉnh hơn về độ dẻo thơm nên tiêu thụ khá dễ. Tuy nhiên, giá cả loại nông sản này vẫn phụ thuộc vào thương lái, tùy từng thời điểm mà có giá thu mua từ 10 ngàn đồng đến 25 ngàn đồng/kg. “Với sản lượng đạt 15-25 tấn củ/ha, người trồng khoai môn sáp lãi 100-200 triệu đồng/ha. Tính ra giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích khi trồng khoai môn sáp cao hơn nhiều so với các cây trồng khác. Thấy cây khoai môn sáp đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm nay, tôi phá thêm khoảng 2 ha mía để trồng loại cây này”-bà Bắc nói.
Cũng theo bà Bắc, hiện nay, trên địa bàn xã Hà Tam có hơn 20 hộ dân trồng khoai môn sáp với tổng diện tích trên 10 ha. Trong số này có hộ anh Hoàng Văn Hạnh ở thôn 1. Gia đình anh Hạnh có hơn 4 ha đất sản xuất, trong đó có gần 1 ha trồng mía kém hiệu quả. Cuối năm 2017, anh đã phá bỏ diện tích mía này để chuyển sang trồng khoai môn sáp. “Tôi xuống giống từ đầu tháng 12. Khi khoai môn sáp đến kỳ thu hoạch, thương lái vào mua nguyên đám. Trừ hết chi phí đầu tư, tôi còn lãi trên 100 triệu đồng”-anh Hạnh cho hay.
Cũng ở thôn 1, gia đình anh Huỳnh Văn Dũng đang thu hoạch 6 sào khoai môn sáp để bán và làm giống. Anh Dũng bộc bạch: “Tôi dự kiến thuê thêm 3 sào đất để trồng khoai môn sáp nên lựa chỗ cây tốt, nhiều củ nhất thì đào trước làm giống. Số khoai môn sáp còn lại, tôi sẽ đào sau bán cho thương lái”.    
Ông Hoàng Phi Ấn-Chủ tịch UBND xã Hà Tam-cho biết: Khoai môn sáp được người dân đưa vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Mặc dù vậy, người dân nên tránh trồng quá nhiều dẫn tới cung vượt cầu, giá giảm, ảnh hưởng đến thu nhập. Bà con nên trồng luân canh khoai môn sáp với các loại cây trồng khác để cải tạo đất.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.