Trở về mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyến bay bồng bềnh lướt trên những đám mây nhởn nhơ trên đưa tôi về Hà Nội. Cầm trên tay cuốn tạp chí với hình ảnh vườn đào đang chúm chím nụ, cánh đồng hoa cải ven sông… bất giác, tôi chợt nhớ mình đang về đúng những ngày đông se sắt.  

 
 


Tôi xa Hà Nội hơn 10 năm, cũng đúng vào những ngày “gió mùa đông Bắc se lòng”. Ra đi mà lòng xao xuyến, tiếc và nhớ một mùa đông man mác buồn nhưng vẫn thật đẹp. Gần 10 năm gắn bó với Hà Nội, biết bao buổi chiều đạp xe quanh co những con phố nhỏ, dọc theo triền đê Yên Phụ xuống các làng hoa hay thả bộ ven hồ Tây “sương giăng phố vắng”. Nhớ thôi, cũng thấy nao lòng và ấm áp đến lạ.

Đông về, chẳng còn cơn gió heo may se se lạnh của ngày thu sang. Thay vào đó là những cơn gió bấc ùa về, đôi khi kèm theo mưa phùn. Trên phố ai cũng co ro trong cái lạnh. Những gánh hàng hoa rực rỡ cúc vàng, thược dược đủ màu sắc, violet tím ngắt hay vài nhành đào nở sớm báo hiệu tết sắp về. Hương hoa lưu luyến theo mỗi bước chân cô hàng rong. Tôi không sinh ra ở Hà Nội mà còn bị luyến lưu đến vậy.

Quê tôi miền trung du. Làng tôi nằm giữa cánh đồng, bốn bề xanh tốt, kề bên dòng sông Hồng phù sa luôn đỏ rực. Quê tôi đất phù sa, không trồng lúa, chỉ có hoa màu là những nương ngô, đậu sai trĩu cành mỗi mùa thu hoạch. Đông về, những cánh đồng ngô tăm tắp, xanh mướt. Hái vài trái trong thửa ruộng gần nhà, để nguyên cả râu, thêm vài khúc mía dưới đáy nồi là có nồi ngô luộc thơm phức, ngọt lịm.

Mùa đông ăn cơm cá kho trong những ngày trời rét đậm là cảm giác không dễ quên trong đời. Mẹ tôi thường chọn cá diếc hay cá rô đồng để kho bung cùng tương bần, trấu bếp. Nhiều năm về trước, năm nào mẹ cũng ủ sẵn một vại tương lớn từ ngô, đậu nành. Nhưng, vài năm gần đây khi con cái đi xa, nhà chỉ còn hai bóng người già, mẹ mua tương nhà hàng xóm. Vị tuy không quen như nhà mình, nhưng vẫn đậm đà.

Những chú cá chỉ độ đôi ba ngón tay, được làm sạch, trải dưới đáy nồi một lớp thịt ba chỉ, phần mỡ nhiều hơn cho ngấm vào thịt cá. Cá được xếp lớp đầy đặn rồi mới cho tương xăm xắp, hòa thêm chút nước. Nồi cá được phủ bằng tàu lá chuối trước khi đậy nắp kín bằng vung, để khi bung than, tro không rơi vào nồi. Cá kho trên bếp than hồng cho đến khi sôi, mẹ cời than bên dưới, xung quanh ủ đầy trấu, phủ kín cả nồi.

Cơm trắng. Vài thứ rau vườn nhà là su hào, bắp cải luộc. Những con cá bung hơn 10 giờ khi gắp ra đĩa thịt đỏ au như màu ngói. Những miếng thịt dưới đáy nồi, cũng như tan chảy. Vị thơm của cá đồng, ngọt thịt quyện với vị béo của thịt và thơm nồng mùi tương bần. Cá kho đưa cơm tự lúc nào không hay, nhất lại là cơm nấu trong nồi gang trên bếp củi, bên dưới đã bén một lớp cháy vừa đủ giòn. Bao năm xa quê, mùi và vị ấy vẫn cứ in hằn.  

Tha phương tứ xứ, mỗi lần về quê càng ngắn ngủi và vội vã hơn theo những nỗi lo chật chội nơi phố phường. Về với mùa đông giờ chỉ còn sống lại cùng những ký ức và nương bóng tâm hồn với món cá mẹ kho. Nhưng, vậy cũng đã là đủ đầy và hạnh phúc.

 

Theo MINH KHÔI (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Mây biên giới

Thơ Đào An Duyên: Mây biên giới

(GLO)- “Mây biên giới” của tác giả Đào An Duyên là bài thơ giàu cảm xúc về vẻ đẹp thanh bình nơi biên cương Tổ quốc. Tác giả khắc họa hình ảnh cột mốc trong nắng dịu, mây trời không lằn ranh, rừng khộp lặng im... như một bản hòa ca của thiên nhiên và lịch sử...

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.