Chỉnh chiêng là kỹ thuật gò, chỉnh giúp phục hồi âm thanh cho những chiếc chiêng bị sai âm, lạc tiếng.

Các nghệ nhân Bahnar, Jrai đã lần lượt "chữa bệnh" cho những bộ chiêng cổ lẫn chiêng cải tiến trên tinh thần học hỏi lẫn nhau.

Các nhà nghiên cứu cho rằng người Bahnar, Jrai sử dụng những dàn cồng chiêng lớn nhất, kỳ vĩ nhất và có cấu trúc dàn nhạc phức tạp nhất so với các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên.

Việc chỉnh chiêng lập lại trật tự cho âm thanh cồng chiêng đòi hỏi các nghệ nhân dân gian có năng khiếu bẩm sinh, sự am hiểu sâu sắc về âm nhạc cồng chiêng và kinh nghiệm truyền đời.

Cuộc trình diễn kỹ thuật chỉnh chiêng không chỉ góp phần bảo tồn cồng chiêng-giá trị đặc trưng trong văn hóa Tây Nguyên, mà còn là dịp để các nghệ nhân giao lưu, trao đổi kỹ thuật, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng.

Theo kết quả kiểm kê giai đoạn 2020-2021, Gia Lai hiện còn lưu giữ 4.576 bộ cồng chiêng. Tỉnh Gia Lai cũng mở 2 lớp truyền dạy kỹ thuật chỉnh chiêng cho các nghệ nhân Jrai, Bahnar toàn tỉnh dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu.

Sự kết hợp giữa kinh nghiệm truyền đời và kỹ thuật chỉnh chiêng mới giúp các nghệ nhân tự tin trình diễn kỹ thuật và truyền dạy lại cho thế hệ kế cận.