Triển khai Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã ở Gia Lai: Còn khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã có nhiều cố gắng trong việc huy động nguồn lực đầu tư nhằm đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí này ở các địa phương cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Nâng cao năng lực hoạt động

Được đầu tư xây dựng đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2020-2021, Trạm Y tế xã Ia Pếch (huyện Ia Grai) có đủ 12 phòng chức năng theo quy định cùng trang-thiết bị và các công trình phụ trợ. Phó Trưởng trạm Y tế xã Đinh Thị Cất cho biết: “Trạm có 1 bác sĩ, 1 y sĩ đa khoa, 2 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh, 1 dược sĩ đại học. 7/7 thôn, làng của xã đều có nhân viên y tế; 1 cô đỡ thôn bản. Hàng năm, Trạm đều xây dựng kế hoạch, triển khai công tác khám-chữa bệnh, tổ chức hệ thống giám sát từ xã đến các thôn, làng. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 84%”. Với kết quả đó, năm 2020, Ia Pếch được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

 Góc truyền thông của Trạm Y tế xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Ảnh: Trần Dung
Góc truyền thông của Trạm Y tế xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Ảnh: Trần Dung


Huyện Ia Grai có 13 trạm y tế xã, thị trấn với tổng số 71 cán bộ, viên chức. Theo ông Ngân Văn Thư-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, những năm qua, mạng lưới y tế tuyến xã từng bước được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Hiện nay, 100% nhà trạm được sửa chữa, xây mới đảm bảo quy định; 100% trạm có vườn thuốc Nam; các trạm đều triển khai tốt hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng-chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Công tác y tế dự phòng, vệ sinh môi trường và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai thực hiện có hiệu quả. Cán bộ y tế xã được bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn chuyên môn hàng năm theo quy định. 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Tại Gia Lai, công tác xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã được thực hiện từ năm 2005. Khi đó, chỉ có 1 đơn vị đạt chuẩn quốc gia về y tế là phường Tây Sơn, thị xã An Khê. Đến năm 2021, toàn tỉnh đã có 203/220 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các huyện, thị xã có tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế cao gồm: Đak Đoa (17/17), Chư Păh (14/14), Ia Grai (13/13), Ia Pa (9/9), Đức Cơ (10/10), An Khê (11/11). Các trạm y tế xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ phụ trách, theo dõi địa bàn, thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân nâng cao nhận thức về công tác phòng-chống dịch bệnh. Công tác y tế dự phòng được quan tâm, nhiều năm liền đã khống chế, đẩy lùi được các dịch bệnh nguy hiểm, tỷ lệ người mắc bệnh/chết do các bệnh truyền nhiễm giảm dần qua các năm.

Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam thông tin: Toàn tỉnh hiện có 220 trạm y tế xã, phường, thị trấn với 163 bác sĩ, 302 y sĩ, 6 dược sĩ đại học, 283 điều dưỡng, 232 hộ sinh và 11 kỹ thuật viên. Những năm qua, mạng lưới trạm y tế tuyến xã từng bước được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Các trạm đều triển khai tốt các biện pháp phòng-chống dịch tại địa phương; thực hiện 50-80% số kỹ thuật có trong quy định phân tuyến kỹ thuật và danh mục kỹ thuật trong khám-chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành cho tuyến xã; hơn 90% số trạm có vườn thuốc Nam mẫu; tỷ lệ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,3%; tỷ lệ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 62%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 85% trở lên; các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em đạt cao… Đến nay, 92,27% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Vẫn còn khó khăn, vướng mắc

Hiện nay, Trạm Y tế xã Bình Giáo (huyện Chư Prông) đã xuống cấp nghiêm trọng, các phòng chức năng không đạt chuẩn phục vụ khám-chữa bệnh theo quy định. Ông Lê Văn Trì-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho hay: “Chư Prông hiện còn 3 xã chưa đạt tiêu chí quốc gia gồm: xã Bình Giáo, xã Ia Vê và thị trấn Chư Prông do điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Ngoài ra, 8 trạm y tế chưa đảm bảo đủ số lượng cán bộ, nhân viên theo biên chế nhà nước quy định. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp để đầu tư xây dựng mới 3 trạm y tế chưa đạt chuẩn; đồng thời, sửa chữa, nâng cấp một số trạm nhằm đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao của người dân”.

 Trạm Y tế xã Bình Giáo (huyện Chư Prông) đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Trần Dung
Trạm Y tế xã Bình Giáo (huyện Chư Prông) đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Trần Dung


Để nắm bắt rõ hơn về việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2020-2021, vừa qua, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát trực tiếp tại một số trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát-đánh giá: Quy trình, thủ tục đánh giá, xét công nhận xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định. Từ đó, tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong công tác khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là tuyến xã; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được chăm sóc sức khỏe ngay từ cơ sở. “Tuy nhiên, hiện có 158 trạm y tế xã đạt chuẩn đã quá hạn trên 3 năm chưa được đánh giá công nhận lại. Một số trạm chưa được quan tâm công tác duy tu bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở hạ tầng; nhiều trạm đã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã nhưng diện tích xây dựng không đảm bảo theo quy định. Toàn tỉnh còn 59 trạm y tế xã xuống cấp trầm trọng, không đủ điều kiện để hoạt động”-ông Mạnh nhấn mạnh.

Nói về tiêu chí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-thông tin: “Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đầu tư xây dựng 34 trạm y tế xã và nâng cấp 7 trạm từ nguồn ngân sách địa phương với tổng vốn đầu tư trên 198 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư 59 trạm y tế xã từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đầu tư 18 trạm từ chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn. Dự kiến, thời gian triển khai trong 2 năm 2022-2023”.

Tình trạng thiếu bác sĩ trong toàn ngành Y tế dẫn đến khó khăn trong việc bố trí bác sĩ làm việc thường xuyên hoặc làm việc luân phiên tại các trạm y tế cũng đang là trở ngại cho hoạt động y tế cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 163 bác sĩ công tác tại 220 trạm y tế. Ngoài ra, nhiều nhân viên y tế thôn, cộng tác viên dân số, cô đỡ thôn bản được đào tạo, bồi dưỡng đến nay đã bỏ việc, nghỉ việc nhưng Sở Y tế chưa tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung cho đội ngũ này theo khung chương trình do Bộ Y tế quy định (hiện mới chỉ có 52% nhân viên y tế thôn bản, 67% cô đỡ thôn bản được đào tạo, bồi dưỡng). Mặc dù tỷ lệ các xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế cao (92,27%) nhưng phần lớn các trạm chưa sử dụng hết công năng do thiếu nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, công tác khám-chữa bệnh còn nhiều hạn chế bởi các trạm mới thực hiện khám bệnh, cấp thuốc đối với bệnh thông thường. Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế ở một số xã còn thấp; tình trạng sinh con thứ 3 vẫn còn cao (chiếm 19%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cao (18,8%).

Để đạt được mục tiêu 95% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế vào cuối năm 2025, Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam đề xuất: Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang-thiết bị cho trạm y tế xã. Cùng với đó, xem xét lại chế độ tiền lương và phụ cấp cho nhân viên y tế phù hợp với thời gian đào tạo; nhất là có chính sách riêng đối với cán bộ y tế công tác tại trạm, thu hút nhân lực trình độ cao về địa phương. Đồng thời, cần tiếp tục hỗ trợ và đảm bảo kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu y tế-dân số; tranh thủ huy động mọi nguồn vốn để bổ sung cho hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em, vệ sinh môi trường… “Ngành Y tế sẽ quan tâm hơn nữa trong công tác đào tạo và tuyển dụng; rà soát, xem xét các trạm y tế đã xuống cấp; bổ sung thuốc, trang-thiết bị, vật tư y tế. Bên cạnh đó, ngành sẽ thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên y tế ở thôn, làng; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia và nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh”-Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay.

 

TRẦN DUNG

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.