Trâu chọi Đồ Sơn nuôi trên đất Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quả không ngoa khi gọi ông Đặng Ngọc Ngô (tổ 4, phường An Phú, thị xã An Khê, Gia Lai) là “vua chiến ngưu” của đất Gia Lai. Hơn 20 năm theo nghề lái trâu, hiện ông Ngô là người duy nhất ở địa phương mua bán và chăn nuôi trâu chọi để cung cấp cho thị trường trong nước lẫn Trung Quốc.
Nghề nuôi trâu chọi và những “ông chiến ngưu” thường xuất hiện ở khu vực phía Bắc, nhất là vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng)-nơi hàng năm vẫn diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống. Vì vậy, khi nghe tin ở ngay trung tâm thị xã An Khê-vùng đất nơi cửa ngõ Bắc Tây Nguyên-có người chuyên “săn lùng” và nuôi trâu chọi, chúng tôi rất đỗi bất ngờ.
Tiếp nối nghiệp cha
Ông Đặng Ngọc Ngô sinh năm 1972 trong một gia đình trung lưu trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. Cha ông là thương lái trâu, bò nổi tiếng trong vùng. Từ nhỏ, ông Ngô đã được theo cha ra Bắc vào Nam trong những lần tìm kiếm, mua bán trâu, bò. Và cũng chính những chuyến đi như thế đã dần hình thành nơi cậu bé Ngô sự thích thú với nghề nghiệp của cha mình. Nhớ lại quãng thời gian vất vả nhưng cũng rất thú vị, ông Ngô tâm sự: “Nhờ đi cùng cha, tôi mới có cơ hội biết thêm các giống trâu, bò thuần chủng to đẹp ở khắp các vùng miền trên cả nước và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lựa chọn, mua bán những loài vật này. Tuy nhiên, không giống cha, tôi chỉ đặc biệt mê trâu thôi và dành hết thời gian của bản thân cho chúng”.
 Ông Đặng Ngọc Ngô bên 1 con trâu chọi. Ảnh: H.T
Ông Đặng Ngọc Ngô bên 1 con trâu chọi. Ảnh: H.T
Rồi dường như không thể ngăn được dòng xúc cảm đang dào dạt ùa về, ông Ngô hào sảng kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm khó quên về “người bạn” trâu xưa cũ. Ấy là vào những năm 80 của thế kỷ trước, cha ông có mua một con nghé về nuôi. Ngày qua ngày, ông Ngô đều gần gũi, chăm sóc nghé cho đến khi nó trở thành một chú trâu vạm vỡ. Một ngày nọ, cha ông quyết định bán con trâu này cho một hộ Bahnar trong vùng. Ông Ngô ngoài mặt không nói năng gì nhưng trong lòng thì buồn rười rượi, lặng lẽ tạm biệt “người bạn” đã gắn bó với mình mấy năm trời. Hôm sau, ông bất ngờ khi nhìn thấy con trâu đã bán đang đứng trước sân, càng ngạc nhiên hơn khi biết nó tự phá chuồng tìm đường về nhà. Cả 2 lần giao bán sau đó vẫn không thành công vì người chủ mới chẳng thể giữ nổi chân trâu. Cuối cùng, gia đình ông đành phải hoàn lại tiền cho họ và tiếp tục nuôi dưỡng con trâu này cho đến khi nó bệnh và chết đi. Ngoài ra, một con trâu khác của gia đình cũng khiến ông Ngô không ngừng tấm tắc về sự khôn ngoan khi nó biết giải cứu cho con trâu nhỏ đang bị con trâu đực lớn “bắt nạt”. Sau những lần như vậy, ông lại càng thêm ấn tượng và yêu thích loài trâu.
Năm 1995, ông Ngô quyết định bán 15 con bò và chiếc xe máy Dream Thái để gom tiền tuyển trâu đẹp về nuôi. Ban đầu, ông chỉ mua bán nhỏ lẻ ở An Khê cùng các huyện lân cận, về sau mới mở rộng thị trường buôn bán ra toàn tỉnh và một số địa phương khác trên cả nước. Trâu mua về, con to khỏe được ông bán ngay cho người mua để làm sức kéo, làm giống hoặc lấy thịt; riêng những con gầy, yếu sức, gia đình ông giữ lại để nuôi vỗ béo rồi xuất bán sau. Đến nay, gia đình ông Ngô có gần 60 con trâu; ngoài trực tiếp nuôi tại nhà, ông còn cho người dân tại An Khê và các huyện Kông Chro, Kbang nuôi rẽ hoặc thuê chăm sóc với tiền công 1 triệu đồng/tháng.
Bén duyên với trâu chọi
Dù yêu thích trâu chọi cũng như các giải chọi trâu hàng năm, song ông Ngô chưa từng nghĩ mình sẽ “lấn sân” sang lĩnh vực này. Cho đến năm 2008, sau nhiều lần xuất bán trâu cho một thương lái tên Bảy ở Hải Phòng, ông Ngô vô tình biết được thông tin: lần nào mua trâu của ông về, người lái trâu này đều bán lại cho nhân dân vùng Đồ Sơn với giá cao gấp đôi để huấn luyện làm trâu chọi thi đấu tại lễ hội chọi trâu hàng năm. Được ông Bảy chỉ cho một vài bí quyết trong nghề, trong những lần đi “săn lùng” trâu tiếp theo, ông Ngô chú tâm hơn đến việc lựa chọn những con trâu có tố chất trâu chọi về nuôi hoặc bán. “Năm 2010, con trâu chọi đầu tiên được tôi mua ở huyện Đức Cơ với giá 60 triệu đồng. Vì cần số tiền lớn để mổ tim cho con nên gia chủ mới đành bán đi con trâu đã gắn bó với họ suốt quá trình lập nghiệp nơi vùng đất mới. Tôi còn nhớ như in hình ảnh người vợ òa khóc khi tôi chở trâu về An Khê. Trâu được chủ chăm chút kỹ nên to khỏe, tướng mạo đẹp, sừng lớn và rất khôn ngoan. 7 ngày sau, tôi bán trâu cho lái trâu Nguyễn Văn Thiệu (quê Hải Dương) đang vào Tây Nguyên tìm mua trâu chọi về cung ứng cho thị trường chơi trâu chọi ở Hải Phòng. Năm 2012, con trâu này tham gia thi đấu và đạt giải ba ở Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, ẵm luôn giải phụ “ông trâu gan dạ nhất”. Đây cũng là con trâu gốc Gia Lai đầu tiên tham gia giải chọi trâu Đồ Sơn và có giải”-ông Ngô khoe với giọng tự hào.
Kết quả đầu tiên này giúp ông Ngô tự tin dành nhiều thời gian hơn cho việc kinh doanh và nuôi trâu chọi. Lái trâu Nguyễn Văn Thiệu cũng trở thành người bạn hàng, anh em thân thiết của ông. Tính đến nay, sau gần 10 năm trong nghề, ông đã đi “săn” trâu chọi khắp các tỉnh, thành trong cả nước và cung cấp gần 400 chiến ngưu cho các tỉnh phía Bắc, Bình Phước cũng như xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Tùy trọng lượng, tướng mạo mà trâu chọi có giá 100-250 triệu đồng/con, gấp 2-3 lần so với trâu thịt. “Trâu chọi ở Gia Lai và Đak Lak được nhiều người chơi ưa chuộng bởi chúng có phần hoang dã, khỏe khoắn, bền sức, thích ứng với mọi điều kiện thời tiết, phàm ăn và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là sừng ngắn, khung sừng không đẹp và rộng để có thể ra những đòn hiểm quyết định chiến thắng trước đối phương như trâu được nuôi ở miền Tây sông nước”-ông Ngô chia sẻ kinh nghiệm.
Trong chuyến ghé thăm ông Ngô, chúng tôi may mắn gặp được ông Thiệu đang đi thu mua trâu chọi ở An Khê. Khi được hỏi về người đồng nghiệp của mình, ông Thiệu vui vẻ nhận xét ngay: “Tôi và anh Ngô biết nhau từ lần mua trâu chọi cách đây 9 năm, từ đó kết thân và thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về trâu chọi. Anh Ngô có mắt định lượng, nhận dạng trâu chọi khá chuẩn”. Ông Thiệu cũng đánh giá thêm, trâu vùng Gia Lai bản tính gan lì, có thế đánh lao thẳng, đối đầu trực diện để thể hiện sức mạnh. Với lối đánh này, dân chơi trâu chọi rất thích. Nhiều con trâu ở vùng Gia Lai từng đoạt nhất, nhì, ba ở các sới chọi trâu tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Trung Quốc.
Giữ lửa đam mê
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, “đam mê” là từ mà ông Ngô nhắc tới không dưới chục lần. Ông bảo, trên đời có nhiều thứ để người ta yêu thích, riêng ông mấy chục năm rồi chỉ mê mỗi trâu, nhất là trâu chọi; dẫu rằng cũng có những lúc sự cố ập đến khiến ông cảm thấy vô cùng chán nản. “Năm 2014, cha tôi vừa qua đời được mấy tháng thì đàn trâu 3 con của tôi lại bị lũ cuốn chết, thiệt hại tầm 250 triệu đồng. Đáng nói là trong số đó có 1 con trâu chọi tôi rất yêu thích, tướng mạo và trọng lượng hiếm thấy; khó khăn lắm tôi mới mua được nó với giá 160 triệu đồng từ Cà Mau đưa về. Đau lòng vì mất cả công lẫn của, lại thêm tiếc nuối một con trâu đẹp, tôi vô cùng hụt hẫng”-ông Ngô nhớ lại.
Ông Ngô và ông Thiệu trao đổi kinh nghiệm nhận dạng trâu chọi. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Ngô và ông Thiệu trao đổi kinh nghiệm nhận dạng trâu chọi. Ảnh: Ngọc Minh


Theo ông Ngô, một con trâu chọi phải hội tụ nhiều yếu tố như: tướng mạo đẹp, khoang khoáy rõ ràng gần mắt bên phải, đầu to, mắt bé, lông mi dày, cổ bự, da đen, chân ngắn mập mạp, khung ngực rộng, u vai, móng sò, bản sừng to dài với vòng khung mở rộng… Tuổi đời trâu phải 9-10 năm mới đủ sự già dặn, sung mãn và sức bền khi thi đấu.


Tâm trạng từng tụt dốc là thế, song chưa bao giờ ông Ngô có ý định sẽ thôi hành nghề lái trâu và gắn bó với trâu. Và cũng bởi trót mê đắm nên ông chẳng chút ngần ngại bỏ ra số tiền lớn để tậu trâu hoặc đầu tư chăm sóc cho chúng. Trước thực trạng trâu chọi ở An Khê nói riêng và Gia Lai nói chung ngày càng trở nên khan hiếm, ông Ngô đã cất công tìm mua những giống trâu thuần chủng to đẹp ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang hay ở cả Thái Lan về nuôi, phối giống, giúp đàn trâu của gia đình và quanh vùng hạn chế thoái hóa do cận huyết; qua đó, tuyển chọn những con nghé to đẹp để tập trung nuôi theo chế độ trâu chọi.
Dẫn chúng tôi ra thăm chuồng trâu và mục sở thị các trâu chọi của mình, ông Ngô ví von rằng, việc chăm sóc một con trâu chọi cũng lắm công phu và chẳng khác so với chăm con mọn là mấy. Thức ăn, nước uống cho trâu đều phải đảm bảo tươi xanh, sạch sẽ; chuồng trại thoáng mát, nền chuồng phải trải thảm để tránh hư hỏng bộ móng trâu. Trung bình một ngày, mỗi con trâu chọi ăn hết một lượng thức ăn khó tin: 1-1,5 tấn cỏ hoặc cây xanh các loại. Thậm chí, để trâu đẹp, khỏe, ông Ngô còn bổ sung cho chúng uống thêm hỗn hợp trứng gà với bia, mật ong rừng, sâm… vào khẩu phần ăn hàng tuần. Tổng chi phí đầu tư chăm sóc cho trâu chọi khoảng 3-4 triệu đồng/con/tháng.
Ngoài chế độ ăn uống kỹ lưỡng, bản thân người nuôi luôn phải gần gũi, tiếp xúc với trâu, xem chúng như một thành viên trong gia đình để dễ dàng huấn luyện theo ý muốn. Hiện ông Ngô đang nuôi tại nhà 3 con trâu chọi, trong đó có 1 con ông chọn nuôi từ lúc mới sinh ra, nay đã được 7 năm, cao 1,44 mét, nặng trên 1 tấn và theo ông Ngô, cả tỉnh chưa có con trâu nào nặng qua nó. Nhiều người ngỏ ý mua nhưng ông không bán, phần vì trâu còn non, phần bởi nó quá gắn bó với gia đình. Nhìn ông tỉ mẩn chặt từng ngọn bắp cho trâu ăn, rồi cái cách ông vuốt ve, trò chuyện với trâu, chúng tôi mới cảm nhận được hết niềm đam mê của người thương lái này. Có lẽ đúng như ông Ngô trăn trở, rằng nếu ai trong chúng ta cũng nhìn nhận chọi trâu dưới góc độ văn hóa mà không phải là một trò tiêu khiển để cá cược thắng thua thì có lẽ lễ hội này sẽ còn hấp dẫn và thú vị bội phần…
HỒNG THI-NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.