Trạm Y tế xã Ia Mơr: Vượt khó để chăm sóc sức khỏe người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ y tế tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) vẫn cần mẫn từng ngày để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân vùng biên và khám-chữa bệnh cho người dân nước bạn Campuchia.
Còn đó những khó khăn
Trạm Y tế xã Ia Mơr nằm cách trung tâm huyện Chư Prông hơn 50 km. Trạm có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong xã và khám-chữa bệnh cho nhân dân huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri,Vương quốc Campuchia) sinh sống ở vùng giáp biên với xã Ia Mơr. 
Xã Ia Mơr có khoảng 2.000 khẩu thì hơn 90% là người Jrai và các dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào như: Tày, Nùng, Thái, Dao... Ý thức tự phòng bệnh của người dân và việc đến cơ sở y tế để được khám-chữa bệnh còn chưa cao. Tại xã Ia Mơr, số người mắc sốt rét còn khá cao. Năm 2017, toàn xã ghi nhận 16 người mắc sốt rét; 3 tháng gần đây, trạm ghi nhận 9 ca mắc là người dân đi thăm thân và đi rừng, ngủ rẫy ở khu vực giáp ranh với biên giới nước bạn. 
 Cán bộ Trạm Y tế xã Ia Mơr hướng dẫn người bệnh uống thuốc. Ảnh: Hoành Sơn
Cán bộ Trạm Y tế xã Ia Mơr hướng dẫn người bệnh uống thuốc. Ảnh: Hoành Sơn
Tình trạng sản phụ sinh con ở nhà tại đây cũng còn rất cao. Từ đầu năm đến nay, toàn xã có 55 trẻ mới sinh nhưng chỉ có 10  sản phụ đến Trạm Y tế xã và Trung tâm Y tế huyện. “Sản phụ ở đây thường sinh con tại nhà vì tâm lý e ngại dù trước đó lên theo dõi thai kỳ ở cơ sở y tế. Lúc sắp sinh, họ thường nhờ người nhà gọi cô đỡ thôn làng hoặc nữ hộ sinh ở trạm đến đỡ giúp. Hiện nay cũng đã có một số người nhận thức được tầm quan trọng khi sinh nở nên lên trạm sinh nhưng con số này chưa cao”-nữ hộ sinh Phạm Thị Như Loan cho biết.
Ngoài ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, đường sá khó khăn và việc thiếu nước sạch cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khám-chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Ia Mơr. Tỉnh lộ 665 là con đường duy nhất dẫn từ xã ra trung tâm huyện nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng, chưa kể khoảng 20 km từ ngã ba Ia Ga (xã Ia Ga, huyện Chư Prông) vào trung tâm xã Ia Mơr chưa được trải nhựa. Vào mùa mưa, nền đường yếu cộng với hàng ngàn lượt phương tiện qua lại vận chuyển nhu yếu phẩm và nông sản khiến đoạn đường này lầy lội. “Trạm Y tế xã Ia Mơr được biên chế 6 người thì cả 6 đều được phân công từ nơi khác vào nhận nhiệm vụ chứ không ai ở tại chỗ. Chúng tôi rất vất vả trong việc đi lại và chuyển viện cấp cứu bệnh nhân vì đường hư hỏng. Khổ nhất là mùa mưa. Có những tuần, mưa dài ngày nên đường lầy lội, chúng tôi phải ở lại trạm ăn cơm với rau rừng. Muốn chuyển viện cấp cứu thì phải cùng với người nhà bệnh nhân dùng cáng hoặc võng thay phiên cõng ra ngã ba Ia Ga rồi thuê xe chở đi tiếp”-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Mơr Hà Phẩm Chất cho hay. Ngoài ra, giếng nước của trạm bị nhiễm vôi nặng nên chỉ sử dụng để tắm rửa. Nấu ăn, rửa rau phải dùng ở bể chứa nước mưa. Nước uống thì dùng nước bình từ bên ngoài trung tâm huyện chở vào.
Đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe
Trạm Y tế xã Ia Mơr hiện có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 cử nhân y tế cộng đồng và 1 nữ hộ sinh. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng kiên cố với 11 phòng chức năng. Trạm Y tế xã Ia Mơr được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế từ năm 2011. Dù còn nhiều khó khăn nhưng những người thầy thuốc ở xã biên giới luôn cố gắng vượt qua để chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, tạo niềm tin cho người dân Ia Mơr nói riêng và người dân nước bạn Campuchia vùng giáp biên. Trò chuyện với P.V, chị Siu Hồng (làng Klả) cho hay: “Tôi bị đau dạ dày nhiều năm rồi. Mỗi lần đau đều lên trạm khám và xin thuốc. Hôm nay đau quá nhưng không có ai ở nhà, tôi đành gọi điện nhờ trạm cử người xuống chở lên khám”.
Theo thống kê, hàng năm, Trạm thu dung, điều trị hơn 2.000 ca, trong đó có 1.400 ca khám-chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, hơn 110 trường hợp bệnh nhân người Campuchia. Tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Trạm Y tế xã Ia Mơr đã thu dung, điều trị ban đầu và cấp thuốc cho hơn 1.300 lượt bệnh nhân, trong đó có 900 lượt khám-chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, hơn 100 ca bệnh là người Campuchia. “Hàng năm, có rất nhiều người Campuchia sinh sống ở giáp đường biên đến trạm khám-chữa bệnh ban đầu. Bệnh nhân chủ yếu là ở làng Queng của huyện Oyadav. Với những bệnh nhân này, chúng tôi đều khám-chữa tận tình”-Trạm trưởng Hà Phẩm Chất nói.
Bên cạnh đó, Trạm còn thực hiện nghiêm túc các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Từ đầu năm 2018 đến nay, Trạm đã tổ chức 7 buổi truyền thông cho 571 lượt người về công tác phòng-chống dịch bệnh cúm, lao, phong và HIV/AIDS cho 5 làng tại xã; lồng ghép tổ chức 4 buổi tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm với 357 lượt nghe. Trạm còn tiêm chủng mở rộng cho 49 trẻ; tiêm vắc xin phòng uốn ván cho 43/55 phụ nữ mang thai. 9 tháng năm 2018, Trạm đã khám sức khỏe định kỳ cho 347 trẻ em; cho 278 trẻ em uống vitamin A và tẩy giun cho 203 trẻ em.
Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.