(GLO)- Thông qua các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cùng những trải nghiệm thú vị, Ngày hội Toán học mở (MOD) năm 2022 không chỉ khơi dậy niềm đam mê dạy và học toán mà còn góp phần khẳng định tầm quan trọng của bộ môn này trong cuộc sống.
Gợi mở về Toán học kết nối
Ngày hội Toán học mở là một chuỗi các hoạt động mở về toán học do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) tổ chức thường niên từ năm 2015 nhằm tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên, giáo viên, các nhà toán học và nhà giáo dục cùng nhau thảo luận về những chủ đề thời sự trong toán học và giáo dục toán học. Năm nay, với sự đồng phối hợp tổ chức của VIASM, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai, MOD lần đầu tiên diễn ra tại Gia Lai với chủ đề “Toán học kết nối-Mathematics Unites”. Đây cũng là chủ đề của Ngày Toán học Quốc tế (14-3) do UNESCO công bố.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Minh Hà-Giám đốc điều hành VIASM-cho biết: “Tinh thần cốt lõi của MOD chính là cùng nhau trao đổi, đem đến quan điểm mới, cách nhìn mới về việc học toán và dạy toán để giới thiệu với phụ huynh và các em học sinh về vai trò của toán học, về sự gần gũi của toán học đối với cuộc sống thông qua các hoạt động trải nghiệm, bài giảng đại chúng”.
|
Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (bìa phải) hướng dẫn các em nhỏ tham gia trò chơi trải nghiệm Toán học tại MOD 2022. Ảnh: Mộc Trà |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT:“Tôi mong rằng sự kiện này không chỉ diễn ra 1 lần tại Gia Lai mà sẽ là khởi đầu cho chuỗi hoạt động liên quan đến toán học trở về sau, góp phần lan tỏa niềm đam mê dạy-học, nghiên cứu và ứng dụng toán học đến đông đảo giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh”. |
Tương tự như những năm trước, cấu trúc của MOD 2022 gồm 2 phần chính: hoạt động chuyên môn và hoạt động trải nghiệm. Trong đó, khóa bồi dưỡng chuyên môn “Một số vấn đề cần lưu ý khi giảng dạy Toán THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018” nhận được sự quan tâm của gần 200 cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy môn Toán bậc THPT trên địa bàn tỉnh. Các diễn giả đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về giảng dạy, phương pháp tiếp cận toán học và ứng dụng của toán học vào thực tiễn theo chương trình mới. Đơn cử như bài giảng của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Hoàng Long-Phó Trưởng khoa Toán-Tin (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) về mạch kiến thức xác suất và thống kê. Đây là một điểm rất mới ở môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và có tính ứng dụng thực tiễn rất cao trong cuộc sống. Hay như bài giảng của Tiến sĩ Đặng Văn Sơn-giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) liên quan đến hoạt động trải nghiệm toán học trong giáo dục STEM, sẽ gợi ý cho thầy cô về cách thức để tiến hành một hoạt động trải nghiệm toán học trong lớp học, tức là làm bài tập thực tiễn chứ không đơn thuần là giải bài tập trên giấy.
Là một trong những giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng, cô Nguyễn Thị Phương Thùy-giáo viên Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê) chia sẻ: “Tôi đã giảng dạy môn Toán được 8 năm. Tham gia hoạt động bồi dưỡng chuyên môn tại MOD 2022, tôi được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích cũng như có thêm phương pháp truyền đạt phù hợp để tạo nên những giờ học đầy hứng thú, vui vẻ cho học sinh, giúp các em ứng dụng kiến thức toán học để giải quyết các vấn đề xảy ra trong thực tiễn cuộc sống”.
“Trong xứ sở Toán học diệu kỳ”
Sôi nổi và náo nhiệt nhất của MOD 2022 có lẽ là phần hoạt động trải nghiệm “Trong xứ sở toán học diệu kỳ” với sự tham gia của 5 đơn vị phối hợp nội dung gồm: Trường Song ngữ Quốc tế Horizon, Học viện sáng tạo S3, Học viện IEG/Kurio, Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai và Trường THPT chuyên Hùng Vương. Từ sáng sớm, các gian hàng hoạt động trong khuôn viên Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương đã đông kín người đến vui chơi, trải nghiệm. Chăm chú dõi theo con trai đang giải Sudoku, ông Phan Anh Dũng (tổ 3, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) bày tỏ: “Con trai tôi đang học lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Du. Đến đây, con thích thú tham gia nhiều trò chơi thú vị như: xếp hình, rubik, giải caro, Sudoku… Tôi thấy đây là sân chơi khá bổ ích và thú vị, giúp khơi gợi niềm yêu thích và đam mê học Toán trong học sinh”.
|
Ông Phan Anh Dũng (tổ 3, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) chăm chú dõi theo con trai (áo đen) đang thử sức với trò Sudoku. Ảnh: Mộc Trà |
Theo thầy Đàm Văn Ngọc-Hiệu trưởng Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai, công tác chuẩn bị đã được nhà trường triển khai cách đây 1 tháng sau khi được VIASM chấp thuận việc đăng cai tổ chức MOD 2022 tại trường. Bên cạnh chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ, nhà trường còn nghiên cứu thêm các nội dung cho hoạt động trải nghiệm. Theo đó, 4 trò chơi được đưa ra nhằm kích thích khả năng tư duy và kỹ năng toán học cho học sinh từ độ tuổi mẫu giáo đến lớp 12 như: trò chơi toán tuổi thơ, con đường tốc độ, thử thách mê cung và chặng đường thử thách toán học.
Tương tự, ngay khi nhận thông báo từ Ban tổ chức, Trường THPT chuyên Hùng Vương đã huy động học sinh thiết kế các hoạt động trải nghiệm toán học để tham gia tại MOD 2022. “Các trò chơi mà trường đưa ra gồm: gấp và cắt, sắc màu, thử tài nhanh trí và xếp hình, trong đó có 2 nội dung liên quan đến phép toán đại số và 2 trò về tư duy hình học. Đây cũng là cơ hội để học sinh của trường có thêm nhiều trải nghiệm sáng tạo với môn học này”-cô Phạm Thị Thu Hằng-Tổ phó Tổ Toán-cho hay.
|
Các hoạt động trải nghiệm "Trong xứ sở Toán học diệu kỳ" thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ảnh: Mộc Trà |
Được trực tiếp tương tác với toán học và khoa học thông qua các trò chơi, thí nghiệm thực tế, nhiều em học sinh rất phấn khởi. Em Lê Nguyễn Phương Thư (lớp 11A3, Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai) vui vẻ nói: “Trước đây, em thấy các định lý và khái niệm trong toán học khá khô khan nhưng sau khi trải nghiệm những trò chơi tại MOD 2022, em lại thấy chúng rất dễ hiểu và hấp dẫn”. Còn em Phạm Tuấn Khanh (lớp 9/9, Trường THCS Trần Phú, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) thì bộc bạch: “Khi trải nghiệm các trò chơi tại ngày hội, em nhận ra toán và những ứng dụng của nó cũng khá thú vị. Có lẽ em sẽ điều chỉnh lại phương pháp học toán của mình cho thích hợp hơn”.
Trao đổi với P.V, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: Chủ đề “Toán học kết nối” rất ý nghĩa, bởi không chỉ thuần túy là trao đổi nghiên cứu, giảng dạy, học tập về toán mà còn lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những hoạt động ứng dụng về toán; giúp học sinh có niềm đam mê, hứng thú và yêu thích môn học này, từ đó sẽ giúp việc học hiệu quả hơn. Ngoài ra, hoạt động trao đổi chuyên môn liên quan đến dạy học môn Toán bậc THPT cũng là cơ hội để giáo viên có nghiên cứu sâu hơn nhằm thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
MỘC TRÀ