Trà, cà phê chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới nghe, trừ Bộ Tài chính, thì ai nấy đều kinh ngạc trước “đề xuất” lạ đời này. Lâu nay, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận bia rượu là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Nhưng bia rượu và cà phê, trà đóng gói là 2 kênh hoàn toàn khác nhau. Không thể gọi trà, cà phê là mặt hàng xa xí phẩm, giống như bia rượu. Không thể gọi trà, cà phê là đồ uống gây hại cho sức khỏe, như bia rượu. Đứng về khía cạnh “gây nghiện”, thì trà, cà phê cũng không hề “đồng hạng gây nghiện” kiểu như bia rượu. Chưa kể, trà và cà phê đóng gói là thức uống giúp tinh thần tỉnh táo, mà tỉnh táo lại là cảm xúc tích cực, chứ không hề tiêu cực, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Theo nhiều công dân hay dùng trà và cà phê thì trà, cà phê đóng gói là thức uống phổ thông và rẻ tiền, chỉ vài ngàn đồng/gói được nhiều người bình dân dùng buổi sáng. Nó còn rẻ tiền hơn ly cà phê vỉa hè, không hiểu sao Bộ Tài chính cũng đề xuất đánh thuế TTĐB?

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xem ra, “đề xuất” này của Bộ Tài chính là hoàn toàn không ổn, nhất là khi Việt Nam đang khuyến khích trồng trà và cà phê, khuyến khích chế biến trà và cà phê như là những sản phẩm có khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế và mang lại đời sống khấm khá hơn cho người sản xuất. Chúng ta đều biết, từ hạt cà phê tới sản phẩm tiêu dùng, từ cây chè tới gói trà chúng ta quen uống là cả một con đường dài. Trên con đường dài ấy, người trực tiếp trồng trà và cà phê chỉ được hưởng một phần lợi nhuận. Phần còn lại chia cho nhiều lực lượng kinh tế để có cà phê và trà thành phẩm tới tay người tiêu dùng. Nếu áp dụng thuế TTĐB cho 2 mặt hàng này, đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên là người sản xuất, sau đó mới tới người chế biến, người phân phối. Trong khi trà và cà phê là những loại đồ uống mang lại cảm xúc và lối sống tích cực cho người tiêu dùng, thì hà cớ gì nó lại mang tới thiệt hại cho người sản xuất?

Ai cũng biết, ngân sách nhà nước đang rất khó khăn vì nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là từ tham nhũng, lãng phí, thất thoát, làm kinh tế không hiệu quả do những người làm kinh tế nhà nước trong quá trình làm việc đã tiêu thụ quá nhiều bia và rượu. Nhất là rượu đắt tiền. Một người quen của tôi kể lại, chỉ một nhóm mấy cán bộ ở một tập đoàn trọng điểm quốc gia, để giết thời gian trong lúc quá cảnh ở sân bay Charles-de-Gaulle của Pháp đã uống mấy chai rượu vang đặc biệt bán ở sân bay này, mỗi chai chỉ có giá chừng… 75.000 euro! Nếu  những vị quan chức này chỉ uống trà và cà phê trong khi chờ máy bay, thì bảo đảm họ không tiêu hết… 100 euro. Thử hỏi, ngân sách nào chịu nổi cách tiêu tiền mà các tỷ phú trên thế giới phải “lạy bằng cụ” như thế này?

Không thể đánh thuế theo kiểu “vơ bèo gạt tép” như thế, điều này không chỉ bòn mót túi tiền vốn quá ít ỏi của người lao động nghèo, mà còn bào mòn niềm tin của họ. Đó là một đề xuất rất phi chính trị, nhất là trong thời buổi hiện nay.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.