Tổng thống Putin đến Trung Quốc thắt chặt quan hệ chiến lược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc trong nỗ lực thắt chặt quan hệ song phương giữa một thế giới đang bất ổn.

Đây là chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Putin sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, tương tự như Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng thăm Nga vào tháng 3.2023 ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ 3. Chuyến thăm của ông Putin diễn ra trong 2 ngày 16 - 17.5 tại Bắc Kinh và TP.Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang giáp giới Nga.

Ca ngợi quan hệ song phương

Sau lễ đón chính thức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo hôm qua có các cuộc hội đàm hẹp và mở rộng, thảo luận chi tiết nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng như việc hợp tác trong chính sách đối ngoại. Theo Tân Hoa xã, ông Tập và ông Putin đã công bố tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp cho thời đại mới, nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Bên cạnh đó, hai bên cũng ký kết nhiều văn kiện hợp tác khác.

Tổng thống Putin được Trung Quốc tiếp đón trọng thể

Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã, Tổng thống Putin nói chính mối quan hệ "đang ở mức cao chưa từng thấy" giữa hai nước là yếu tố quyết định để ông chọn thăm Trung Quốc đầu tiên sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới. Theo Reuters, thông qua việc này, Tổng thống Nga muốn gửi thông điệp đến thế giới về ưu tiên của ông cũng như chiều sâu mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Putin cho biết phiên làm việc đầu tiên diễn ra "nồng ấm với tình đồng chí". Ông Putin nói với ông Tập rằng sự hợp tác hai bên là yếu tố ổn định trên trường thế giới. "Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không mang tính cơ hội và không nhằm vào bất cứ ai", theo ông Putin. Chủ tịch Tập đáp lời người bạn Putin rằng quan hệ hai nước "có lợi cho hòa bình" và Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để giữ vững công bằng và công lý trên thế giới. "Rất khó để có được quan hệ Trung - Nga như ngày nay và hai phía cần trân trọng và nuôi dưỡng nó", ông Tập nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin duyệt đội danh dự tại Bắc Kinh ngày 16.5

Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin duyệt đội danh dự tại Bắc Kinh ngày 16.5

Giải pháp cho khủng hoảng Ukraine

Theo truyền thông Nga, xung đột Ukraine là một trong những chủ đề được thảo luận kỹ lưỡng trong chuyến thăm của Tổng thống Putin. Trong tuyên bố sau hội đàm, ông Tập nói hai bên nhất trí về tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn 2 năm. Năm ngoái, Bắc Kinh công bố sáng kiến 12 điểm cho hòa bình Ukraine, bao gồm việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, tôn trọng lo ngại an ninh chính đáng của các bên. Thời điểm đó, sáng kiến được cả Nga và Ukraine hoan nghênh trong khi một số nước phương Tây tỏ ra hoài nghi.

Theo CNN, các quan chức Mỹ những tuần gần đây đã nêu vấn đề với Trung Quốc về sự hỗ trợ đáng kể của nước này cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Bắc Kinh phản ứng lại rằng Washington đang đưa ra "những cáo buộc vô căn cứ" đối với sự trao đổi kinh tế thương mại bình thường Trung - Nga.

Cũng trong hôm qua, ông Putin thông báo quân đội Nga đang tiến lên trên toàn bộ mặt trận và bày tỏ sự cảm kích vì Trung Quốc đã cố gắng góp phần giải quyết cuộc xung đột. Trước đó một ngày, ông ca ngợi Bắc Kinh "thật sự hiểu nguyên nhân gốc rễ" của khủng hoảng Ukraine và ý nghĩa địa chính trị toàn cầu của nó.

Trong cuộc họp báo chung cùng Chủ tịch Tập ngày 16.5, Tổng thống Putin nhắc lại những phàn nàn của Trung Quốc về sự hợp tác an ninh ngày càng tăng giữa Mỹ và đồng minh tại châu Á, theo AFP. "Cần hướng đến việc xây dựng một cấu trúc an ninh đáng tin cậy và phù hợp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi không có chỗ cho các liên minh chính trị - quân sự khép kín. Chúng tôi tin rằng những liên minh đó rất có hại và việc tạo ra chúng là phản tác dụng", ông Putin nói.

Có thể bạn quan tâm

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

(GLO)- Sau nhiều lần phát hiện thiết bị bay không người lái bay trên các cơ sở quân sự mà không được cấp phép, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật sửa đổi Đạo luật An ninh Hàng không, cho phép lực lượng vũ trang nước này bắn hạ các máy bay không người lái xâm nhập trái phép.