Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-

Sáng 17-5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.Ảnh: R'Ô HOK
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.Ảnh: R'Ô HOK

Ông Nguyễn Văn Yên-Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Mai Lương Khôi-Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.

Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội XV thông qua ngày 10-6-2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021. Để bảo đảm phát huy những thành tựu, kết quả của giám định tư pháp, ngày 28-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250).

Quá trình triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp, thời gian qua, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tích cực xây dựng, ban hành 60 văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7-10-2020 của Chính phủ “Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập”, đến nay, cả nước có 55/63 tỉnh/thành phố hoạt động theo mô hình Trung tâm pháp y; 7 tỉnh hoạt động theo mô hình lồng ghép Trung tâm Pháp y-Giám định y khoa trực thuộc Sở Y tế; 1 tỉnh hoạt động theo mô hình pháp y thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Ngoài ra, toàn quốc có 66 tổ chức giám định kỹ thuật hình sự; 580 tổ chức giám định giám định tư pháp với 7.135 giám định viên (4.081 giám định viên tư pháp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm; 3.054 giám định viên do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm) theo vụ việc ở các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên-môi trường, thông tin và truyền thông, văn hoá, giao thông-vận tải, kế hoạch và đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn…

Từ năm 2020 đến 2022, Cơ quan điều tra Công an nhân dân ra 399.008 quyết định trưng cầu giám định trong và ngoài ngành Công an. Từ năm 2018 đến ngày 30-6-2023, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành 368 quyết định trưng cầu giám định; Toà án nhân dân các cấp đã quyết định trưng cầu giám định để giải quyết 8.693 vụ việc.

Cùng với đó, sau 5 năm triển khai, thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp về cơ bản đạt được các nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, có một số nhiệm vụ đã hoàn thành, góp phần làm cho công tác giám định tư pháp hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đánh giá cao các ý kiến phát biểu, tham luận của bộ, ngành, địa phương trong vấn đề giám định tư pháp. Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu, tổng kết đánh giá những vấn đề thực tiễn mới phát sinh trong công tác giám định tư pháp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Khởi tố nữ kế toán trưởng tham ô tài sản

Gia Lai: Khởi tố nữ kế toán trưởng tham ô tài sản

(GLO)-Ngày 13-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Thanh Nghĩa (SN 1984, trú tại xã Kông Yang, huyện Kông Chro) là kế toán trưởng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de để điều tra về hành vi tham ô tài sản.