Tốc độ mạng 5G trung bình của Việt Nam cao nhất từ trước tới nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tốc độ truy cập mạng 5G tại Việt Nam trong tháng 3/2025 đã đạt mức cao nhất kể từ khi được thương mại hoá. Đây là cột mốc đáng chú ý trong hành trình triển khai và thương mại hóa 5G tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo dữ liệu mới nhất từ nền tảng Internet i-Speed thuộc Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC (Bộ Khoa học và Công nghệ), tốc độ truy cập mạng 5G tại Việt Nam trong tháng 3 năm 2025 đã đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thương mại hoá. Đây được xem là một cột mốc đáng chú ý trong hành trình triển khai và thương mại hóa 5G tại Việt Nam.

Mạng 5G ghi nhận kỷ lục mới

Cụ thể theo số liệu, tốc độ download 5G trung bình của cả nước lên tới 247,78 Mbps, tốc độ upload là 58,15 Mbps. Xét riêng 5 tỉnh thành phố lớn của cả nước thì Đà Nẵng là thành phố có tốc độ truy cập 5G nhanh nhất khi tốc độ download lên tới 408,58 Mbps, kế đến là Hà Nội, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía doanh nghiệp, Viettel hiện là đơn vị có mạng 5G nhanh nhất với tốc độ lần lượt download 278,01 Mbps, upload 66,39 Mbps. VNPT xếp thứ hai với tốc độ lần lượt download 152,3 Mbps, upload 45,52 Mbps. MobiFone mặc dù mới đây đã chính thức thương mại hoá dịch vụ 5G nhưng hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức. Mặc dù thế hệ mạng 5G đã cải thiện rất nhiều về tốc độ so với các thế hệ trước tuy nhiên sự chênh lệch giữa tốc độ tải lên và tải xuống vẫn rất lớn.

Kể từ cuối tháng 10 năm 2024, mạng 5G mới chính thức được thương mại hoá tại Việt Nam, sau khi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai dịch vụ 5G thương mại đầu tiên trên cả nước. Tiếp đó là các nhà mạng như Vinaphone (VNPT) và MobiFone. Trước đó, 5G chủ yếu được triển khai thử nghiệm tại một số khu vực trung tâm, phục vụ mục đích nghiên cứu và đo kiểm hạ tầng mạng.

Chính việc chính thức bước vào giai đoạn thương mại hóa đã tạo điều kiện cho các nhà mạng mở rộng vùng phủ sóng, tối ưu hóa hạ tầng và cải thiện trải nghiệm người dùng. Nhờ đó, tốc độ truy cập trung bình mạng 5G trong tháng 3/2025 đã ghi nhận mức tăng đáng kể, vượt qua các mốc trước đó và thiết lập một kỷ lục mới.

Việc tốc độ 5G tăng trưởng mạnh cũng cho thấy hạ tầng viễn thông tại Việt Nam đang bắt nhịp tốt với xu hướng công nghệ toàn cầu. Đây là tín hiệu tích cực cho các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2030.

Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng tốc độ cao chỉ là một phần của bài toán. Việt Nam vẫn cần tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng 5G, đảm bảo ổn định kết nối ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, đồng thời hỗ trợ người dùng tiếp cận thiết bị tương thích với mức giá hợp lý.

Đà Nẵng giữ vững tốc độ truy cập Internet di động cao nhất

Trong tháng 3/2025, hệ thống i-Speed cũng ghi nhận tốc độ truy cập mạng băng rộng di động cải thiện đáng kể với tốc độ download 65,92 Mbps, upload 23,58 Mbps. Nhờ có mạng 5G tốc độ cao đã giúp Đà Nẵng giữ vững vị trí là địa phương có tốc độ truy cập mạng băng rộng di động cao nhất trong 5 tỉnh, thành phố trên cả nước trong nhiều tháng liền với tốc độ tải về lên tới 117,31 Mbps.

Viettel cũng tiếp tục giữ vững đơn vị có tốc độ truy cập mạng băng rộng di động cao nhất, kế đến là VNPT, MobiFone và Vietnammobile.

Tốc độ mạng băng rộng cố định cũng ghi nhận mức khả quan trong tháng 3/2025 khi tốc độ download trung bình cả nước là 109,8 Mbps, tốc độ upload 100,98 Mbps. Xét riêng 5 tỉnh thành phố lớn thì Hải Phòng là địa phương có tốc độ mạng nhanh nhất lên tới 251,96 Mbps, đây cũng là thành phố có tốc độ mạng băng rộng cố định tăng nhanh nhất kể từ đầu năm 2025. Kế đến là Hà Nội, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Cũng theo thống kê tốc độ của các doanh nghiệp cùng mạng băng rộng cố định, CMC là nhà mạng đứng đầu với tốc độ download lên tới 135,81 Mbps và upload 140,72 Mbps. Tiếp theo là các nhà mạng như FPT Telecom, Viettel, VNPT.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia dự báo, tốc độ mạng băng rộng cố định trong thời gian tới sẽ được cải thiện đáng kể khi Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng nâng cấp hạ tầng Internet mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng cá nhân và doanh nghiệp.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đang 'chạy đua' việc nâng cấp băng thông với tốc độ tối thiểu lên 300Mbps. Điều này không chỉ giúp người dùng cải thiện tốc độ truy cập mạng mà còn tối ưu hóa trải nghiệm trên các nền tảng số tại Việt Nam.

Tốc độ tối thiểu 300Mbps là rất cao so với mức trung bình hiện nay, so với toàn cầu và tương đương mức bình quân của 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có hạ tầng mạng lưới tốt nhất thế giới (Singapore - 345Mbps, UEA - 313Mbps, Hồng Kông - 312Mbps, Ai len - 295Mbps, Pháp - 290Mbps). Việc cung cấp 300Mbps ở mức tối thiểu cho thấy hạ tầng Internet Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và vượt trội so với xu hướng thế giới.

Đây là bước đột phá trong chiến lược nâng cấp hạ tầng, tối ưu hệ thống và chủ động gia tăng tốc độ Internet nhằm mang đến trải nghiệm vượt trội cho người dùng. Đồng thời, thực hiện theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, việc nâng tốc độ của các gói cước Internet cung cấp cho khách hàng đại chúng sẽ tạo nền tảng mạng lưới quan trọng, sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Vì sao Zalo và Telegram dễ bị hack?

Vì sao Zalo và Telegram dễ bị hack?

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu vừa liên tiếp có những cảnh báo về bảo mật đối với các ứng dụng mạng xã hội phổ biến hiện nay là Zalo và Telegram. Vì sao các ứng dụng này lại dễ bị chiếm quyền quản lý như vậy?

Các nhà sản xuất được hướng dẫn cách thức kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Ảnh: V.T

Hỗ trợ nhà sản xuất sáng tạo nội dung bán hàng trên nền tảng số

(GLO)- Nền tảng thương mại điện tử giúp người sản xuất tiếp cận gần hơn với khách hàng. Vì vậy, sáng tạo nội dung hấp dẫn từ thử nghiệm các ý tưởng mới là chiến lược giúp các nhà sản xuất tận dụng sức mạnh của công nghệ số vào phát triển kinh doanh, nâng cao hiệu quả bán hàng.