Tọa đàm về đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường EU

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 26-10, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tọa đàm trực tuyến đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). 
Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại EU; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu sang EU cùng 70 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu rau quả và logistics của Việt Nam.
Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các hiệp hội ngành nghề, cùng một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau quả tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, xuất khẩu rau quả sang EU tiến triển tích cực, tăng trưởng bình quân hàng năm gần 20%. Đặc biệt, từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo nền tảng pháp lý và động lực thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, trong đó có thị trường EU. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào EU hiện mới chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 0,36% lượng nhập khẩu của EU. Bên cạnh những kết quả đạt được thì thời gian qua, vẫn còn một số khó khăn, thách thức như tính đồng bộ và liên kết trong sản xuất chưa cao, chưa có vùng sản xuất quy mô lớn đúng tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; hạn chế trong công tác bảo quản, công nghệ sau thu hoạch, chế biến phục vụ xuất khẩu; các chương trình xúc tiến thương mại về rau quả tại thị trường EU chưa được đầu tư đúng mức; số lượng doanh nghiệp xuất khẩu có khả năng đáp ứng các điều kiện và tiêu chí của EU còn ít… 
Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Vũ Thảo
Quang cảnh buổi tọa đàm tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo
Đối với tỉnh Gia Lai, năm 2020, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 19.370 tấn các sản phẩm chanh dây, dứa, chuối, xoài đông lạnh với kim ngạch  đạt hơn 42 triệu USD. Trong 9 tháng năm 2021, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 22.780 tấn sản phẩm chanh dây, dứa, xoài đông lạnh với kim ngạch xuất khẩu đạt 50,8 triệu USD.
Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều đề xuất, kiến nghị được đưa ra từ góc độ của các cơ quan đại diện tại EU về phương hướng đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang EU; đề xuất, trao đổi từ góc độ của các doanh nghiệp; thông tin và kiến nghị của địa phương. Từ đó, tạo cơ hội trao đổi thông tin đa chiều, đầy đủ và trực tiếp để có cơ sở nhận định, đánh giá đúng cơ hội và thách thức của xuất khẩu rau quả sang EU; cập nhật cho doanh nghiệp về nhu cầu nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng, chính sách của EU…
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới là những thách thức cho hoạt động xuất khẩu, ảnh hưởng đến quảng bá hình ảnh của Việt Nam. Vì vậy, cần tháo gỡ những điểm nghẽn trong xuất khẩu và có chiến lược tổng thể về xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, cần có chiến lược hành động của các cơ quan của Chính phủ, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời định vị thương hiệu nông sản, nền nông nghiệp minh bạch, hệ sinh thái xanh để giải mã các vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Khi đã có chiến lược, chúng ta sẽ đầu tư vào vùng nguyên liệu, chuỗi logistics, kết nối thị trường lớn. Liên quan đến vấn đề thị trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị cần hoàn thiện công tác tư vấn phát triển thị trường, rủi ro tranh chấp pháp lý… để doanh nghiệp có nhiều thông tin và tầm nhìn để mạnh mẽ bước ra thị trường.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Anh Thuế bên vườn cà phê tái canh của gia đình

Kiểm soát vật tư đầu vào phục vụ tái canh cà phê

(GLO)- Gia Lai hiện có hơn 106 ngàn ha cà phê. Theo kế hoạch, năm 2025, toàn tỉnh tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Hiện ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tăng cường kiểm soát chất lượng các vật tư đầu vào nhằm giúp nông dân thực hiện chương trình tái canh hiệu quả.

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

(GLO)- Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, cần chuyển hóa lợi thế nông sản địa phương thành năng lực cạnh tranh thực thụ để đủ sức vươn xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.