Tìm lời giải cho nguồn nước Tây Nguyên kỳ 1: Khốn khó sau đại hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Nguồn nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống, sản xuất của vùng đất Tây Nguyên. Tuy nhiên, mảnh đất bazan màu mỡ nhất cả nước lại vừa trải qua cơn đại hạn lịch sử trong vòng 20 năm trở lại đây. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: diện tích rừng suy giảm không giữ được nước, các dự án thủy điện ngăn đập chuyển dòng khiến nhiều con sông cạn kiệt nước, công trình hồ đập thủy lợi khả năng trữ nước kém, nguồn nước ngầm bị khai thác tràn lan…

Cà phê hóa… củi

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đứng giữa) hỏi thăm bà con xã Chư Don (huyện Chư Pưh) về tình hình hạn hán. Ảnh: M.T
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đứng giữa) hỏi thăm bà con xã Chư Don (huyện Chư Pưh) về tình hình hạn hán. Ảnh: M.T

Vừa mới tươi cười đón khách, gương mặt bà Nguyễn Thị Hồng Phương (thôn 6, xã Ea Hleo, huyện Ea Hleo, tỉnh Đak Lak) bỗng thẫn thờ khi nghe chúng tôi nhắc đến hạn. Chỉ vì không có nước tưới mà hơn 2 ha cà phê của gia đình bà bị chết khô. Nhìn vườn cà phê đang xanh tốt của mình héo dần lá rồi chết đứng, bà Phương chỉ biết kêu trời trong sự bất lực cùng tận. Gia đình bà chẳng biết làm gì hơn với những “cây củi khô” từng cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, đành ngậm ngùi chặt bỏ trong nước mắt. Cách đó không xa, ông Đào Xuân Tân (thôn 4, xã Ea Hleo) đang áp dụng chế độ đặc biệt để dưỡng lại những trụ hồ tiêu sống sót sau cơn hạn. Hạn hán đã khiến cho vườn hồ tiêu 300 trụ của gia đình ông chết hơn một nửa vì không đủ nước tưới.

Vườn của gia đình ông Tân, bà Phương nằm trong số hơn 58.655 ha cây trồng trên địa bàn tỉnh Đak Lak chịu ảnh hưởng của đợt hạn hán vừa qua. Trong đó, diện tích cà phê bị thiệt hại là 45.610 ha (mất trắng 4.984 ha), hồ tiêu 3.492 ha…; tổng thiệt hại ước tính trên 2.146 tỷ đồng. Không những cây trồng “khát nước”, nhiều huyện của tỉnh Đak Lak còn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, thậm chí ngay trung tâm TP. Buôn Ma Thuột có nơi còn bị cúp nước luân phiên, 2 ngày liên tục không có nước sinh hoạt. Tại tỉnh Đak Nông, hạn hán cũng đã khiến cho khoảng 22.755 ha cà phê và hồ tiêu thiếu nước tưới; gần 1.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; thiệt hại ước tính khoảng 1.200 tỷ đồng.

 

Củi cà phê được người dân chất thành đống xung quanh nhà. Ảnh: Lê Thành
Củi cà phê được người dân chất thành đống xung quanh nhà. Ảnh: Lê Thành
Thiếu tướng Trần Đình Thu-Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Năm 2016, Tây Nguyên hứng chịu đợt khô hạn lịch sử. Toàn vùng có 179.589 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng do hạn hán (17.265 ha thiệt hại trên 70%); có đến 69.919 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, tổng thiệt hại ước khoảng 5.431 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống công trình thủy lợi xây dựng đã lâu, không đồng bộ; kênh mương bị bồi lấp, nhiều trạm bơm xuống cấp khiến cho khả năng trữ nước thấp. Các công trình lớn trên dòng sông chính chủ yếu là phát điện và chuyển nước sang lưu vực khác phục vụ nhu cầu thủy điện là chính.

Tương tự, ở tỉnh Kon Tum, nắng nóng kéo dài cũng khiến hàng loạt ao hồ, sông suối trên địa bàn trơ đáy; trên 2.705 ha diện tích cây trồng “gặp nạn” và hơn 10 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt; thiệt hại trên 109 tỷ đồng.

Gia đình bà Phạm Thị Hường (xã Ia Chim, TP. Kon Tum) phải tất tả thuê thợ đào ao, khoan giếng, tiêu tốn hơn 40 triệu đồng nhưng nước chỉ đủ dùng cho sinh hoạt. “Vườn cà phê chết héo phải chặt bỏ, còn ruộng lúa chết khô chỉ để cho bò ăn”-bà Hường ngậm ngùi kể. Còn ông Nguyễn Văn Minh (thôn Ngô Thạnh, xã Đak Năng) cũng không kém buồn phiền.

Để có nước tưới 250 cây cà phê, ông đã huy động máy móc, nhân lực đào giếng ở ngay giữa lòng suối nhưng mãi cũng không tìm ra nước. “Có lúc gia đình tôi, kể cả 30 con heo trong chuồng phải xài nước tằn tiện để dành nước cứu cà phê”-ông Minh nói.

Đối với tỉnh Gia Lai, huyện Chư Pưh là một trong những địa phương phải gánh chịu tổn thất nặng nề nhất sau cơn hạn dữ với tổng thiệt hại là 148 tỷ đồng. Anh Lê Văn Phương (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) chua chát nói: “Chưa năm nào khu vực này lại hạn nặng đến vậy. Nhà tôi cảo lại giếng sâu đến 35 mét, tốn gần 50 triệu đồng mà mỗi ngày tưới chưa đầy 1 giờ đã cạn. Nhiều hộ khoan 2-3 giếng, sâu hơn 100 mét mà tìm cũng không ra nước”.

Theo ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh do đợt hạn hán vừa qua là hơn 22.849 ha (mất trắng trên 4.456 ha; giảm năng suất từ 30% đến 70% khoảng 11.248 ha); ước thiệt hại khoảng 372,8 tỷ đồng. Đồng thời có đến 8.483 hộ dân ở các huyện: Chư Sê, Krông Pa, Chư Pưh, Đak Pơ, Mang Yang… thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phải huy động các lực lượng quân đội và đoàn viên thanh niên xuống hỗ trợ các địa phương chống hạn, chở nước và tổ chức tưới nước cứu cây công nghiệp dài ngày.

Hồ đập trơ đáy

 

Hồ Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) trơ đáy. Ảnh: M.T
Hồ Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) trơ đáy. Ảnh: M.T
Ông Phạm Vũ Tuấn, Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) nhận định: Bắc Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum) mưa sẽ kết thúc vào cuối tháng 10; Nam Tây Nguyên (Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng) có thể kéo dài đến ngày 20-11 sẽ chấm dứt mùa mưa 2016. Tính đến ngày 7-10, lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên chỉ mới ở dạng xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Hiện tại, mực nước các hồ chứa trong khu vực vẫn còn thấp hơn so mực nước dâng bình thường 7-9 mét, thậm chí nhiều hồ chỉ mới đạt dung lượng từ 60% đến 65%.

Nắng hạn kéo dài cũng làm cho mực nước trên các sông, suối ở khu vực Tây Nguyên xuống rất thấp; lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt, có nơi trên 90%.

Đơn cử, tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), mực nước ở phần lớn các hồ thủy lợi giảm sâu dưới 50%, nhiều hồ cạn kiệt. Hồ thủy lợi Ia Hrung (xã Ia Hrung) có dung tích hơn 1,5 triệu m3, cung cấp nước tưới cho hơn 500 ha cà phê ở địa bàn xã Ia Bă, Ia Hrung nhưng giờ hầu như không còn nước. Người dân nơi đây phải đào giếng ngay giữa lòng hồ trơ đáy để tìm nước tưới cà phê. Hay hồ thủy lợi Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) rộng hơn 98 ha, phục vụ nước tưới cho hàng trăm ha cà phê của người dân xung quanh cũng trơ đáy, đất cằn nứt nẻ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai Vũ Ngọc An cho biết: Toàn tỉnh hiện có 340 công trình thủy lợi với tổng năng lực thiết kế tưới cho 54.684 ha lúa, rau màu và cây công nghiệp. Tuy nhiên, đầu năm 2016, mực nước trên các sông suối đã rơi xuống mức thấp hơn từ 0,15 mét đến 0,6 mét so với trung bình nhiều năm, mực nước các hồ chứa thủy lợi chỉ còn khoảng 3,12% đến 50,19%, nhiều nơi cạn kiệt. “Đa số các hồ chứa thủy lợi nhỏ, các đập dâng đều không còn nước. Tình trạng khô hạn diễn ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân”-ông An nhận định.

Hiện tại, toàn vùng Tây Nguyên có 2.354 công trình thủy lợi, diện tích tưới thiết kế 288.484 ha, diện tích tưới thực tế là 214.645 ha. Tuy nhiên, so với diện tích cần tưới mới chỉ đạt 27,8%. Trong khi đó, mùa mưa 2015 kết thúc sớm, lượng mưa trên toàn vùng giảm 40% so với cùng kỳ kéo theo mực nước ở hầu hết các hồ chứa xuống thấp hơn mức trung bình nhiều năm 15-35% (một số khu vực xuống thấp hơn 40-60%); sông suối, hồ nhỏ kiệt nước. Tại Đak Lak, có gần 300 hồ đã cạn nước; Đak Nông 17 hồ chứa, 3 đập dâng cạn nước, 35 hồ ở mực nước chết; Kon Tum có 5 hồ cạn nước...

 

 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, khu vực Tây Nguyên hạn nặng xảy ra ở những vùng chưa có công trình thủy lợi hoặc vùng có công trình thủy lợi nhỏ. Vùng này chiếm đến 70% diện tích canh tác, còn lại diện tích được tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi lớn chỉ chiếm khoảng 30% diện tích. Chính vì vậy, công tác phòng-chống hạn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thời kỳ cuối vụ khi các nguồn nước cạn kiệt. Bên cạnh đó, công tác quản lý nguồn nước chưa tốt, sử dụng tài nguyên nước còn lãng phí.

 Minh Triều-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.