Tìm lại những anh hùng: Hồn ở lại Pha Long

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Tôi để sẵn quả lựu đạn trong túi áo ngực, nếu bị bắt là cho nổ luôn. Mình chết nó cũng phải đổi mạng. Quyết không làm tù binh", anh hùng Lê Khắc Xuân kể lại với chúng tôi vậy, trong chiều cuối năm ở Thanh Hóa.

Anh hùng Lê Khắc Xuân vào gian buồng ở căn nhà cấp 4 nằm ven con đường liên xã Thiệu Vận (H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) tìm mãi mới thấy tấm bằng danh hiệu anh hùng, rồi bảo: "Hồi sửa nhà, phải cất vào đây", và ông trầm giọng: "Mấy chục anh em hy sinh, nhường sự sống, cho tôi được làm anh hùng".

"Cho tôi ở lại với anh em bảo vệ biên giới"

Năm 1970, khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên Lê Khắc Xuân vào làm công nhân tại Công ty cầu đường lâm nghiệp Thanh Hóa. Năm 1972, xung phong đi bộ đội, nhưng bị cản lại với lý do "đi thì ai làm thống kê".

Anh hùng Lê Khắc Xuân (bìa phải) trong chuyến đi thăm Liên Xô (cũ) sau khi được phong anh hùng

Anh hùng Lê Khắc Xuân (bìa phải) trong chuyến đi thăm Liên Xô (cũ) sau khi được phong anh hùng

Mãi đến tháng 2.1975, ông mới được nhập ngũ. Huấn luyện chưa xong thì đất nước thống nhất, mấy nghìn tân binh Trung đoàn 14 đóng ở Triệu Sơn, gác lại ước mơ "tăng cường cho chiến trường miền Nam". Riêng ông và 250 tân binh khác được chuyển sang Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), lên tàu hỏa ra Bắc, bổ sung cho Công an nhân dân vũ trang Lai Châu và Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai).

Lại thêm 3 tháng huấn luyện nghiệp vụ và 1 năm đi lao động ở các đồn, cuối năm 1976, Lê Khắc Xuân mới chính thức được biên chế về Đồn Công an nhân dân vũ trang 133 (nay là Đồn biên phòng Pha Long, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lào Cai), đóng tại xã Pha Long, huyện Mường Khương.

"Ngồi trên thùng xe tải chở gạo gần 2 ngày mới tới nơi. Ở Pha Long khi ấy, mùa đông lạnh giá, tuyết bám dày cả gang trên mái nhà, nhiều anh em bị thấp khớp nặng, phải ra quân", ông Xuân nhớ lại.

Anh hùng Lê Khắc Xuân (thứ 2 từ trái qua) cùng các thành viên trong đoàn Việt Nam trong chuyến thăm Liên Xô (cũ), đầu 1980

Anh hùng Lê Khắc Xuân (thứ 2 từ trái qua) cùng các thành viên trong đoàn Việt Nam trong chuyến thăm Liên Xô (cũ), đầu 1980

Do có trình độ văn hóa, hạ sĩ Lê Khắc Xuân được chỉ huy đồn giao cho mọi việc, từ viết báo cáo, lập biên bản đến thống kê số liệu. Năm 1976, cấp trên có chủ trương trả các chiến sĩ nhập ngũ từ các cơ quan, nhà trường về nơi đi, hạ sĩ Xuân cương quyết: "Cho tôi ở lại với anh em, cùng đơn vị bảo vệ biên giới".

Giữ từng sải nước sông Xanh

Từ năm 1977, tình hình biên giới phía Bắc bắt đầu căng thẳng. Tại khu vực Pha Long, phía Trung Quốc cho người lấn chiếm 2 bãi soi dưới sông Xanh để trồng ngô và xâm nhập bờ sông bên phía Việt Nam đào dòng chảy sâu để gây sạt lở. Là đội phó đội vận động quần chúng của đồn, trung sĩ Lê Khắc Xuân cùng người dân biên giới liên tục bám sông Xanh làm công tác vận động, đẩy đuổi đối tượng vi phạm.

Thiếu tá - anh hùng Lê Khắc Xuân và người vợ, năm 1993

Thiếu tá - anh hùng Lê Khắc Xuân và người vợ, năm 1993

Đỉnh điểm của xung đột là đêm cuối tháng 10.1978, tổ công tác của Đại đội 117 Mường Khương đang tuần tra ven bờ sông Xanh, thì bị lính Trung Quốc tấn công. Hai chiến sĩ Quân và Thực hy sinh tại chỗ.

Những ngày trước khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Trung Quốc tập trung cài cắm người, mua chuộc cán bộ - bộ đội làm cơ sở cho chúng để trinh sát, nắm tình hình và làm mọi chiêu trò phá hoại. Có thời điểm, Đồn Pha Long bắt hàng chục đối tượng tình nghi.

Ông Xuân nhớ lại, cuối năm 1978, hôm ấy ông đang trực ban đơn vị, tiếp nhận đối tượng thám báo Trung Quốc. Khi bộ đội mang cơm cho ăn, tên này hất xuống đất. "Mình thì thiếu thốn, dành từng vốc gạo nấu cháo. Thương nó cho ăn mà nó còn ngạo mạn", ông Xuân nói.

Những ngày trước tháng 2.1979 là thời điểm cơ cực nhất của bộ đội biên phòng phía Bắc. Ở Pha Long, bộ đội phải túc trực canh cột mốc 24/24. Khát nước thì bẻ thân cây ngô. Đói thì chỉ có món bí xanh luộc. Đêm lạnh cóng, anh em tìm chỗ khuất gió, ôm súng tựa vào nhau ngồi ngủ, cả tháng trời không biết đến chăn màn.

Anh hùng Lê Khắc Xuân và PV Báo Thanh Niên, tháng 2.2024

Anh hùng Lê Khắc Xuân và PV Báo Thanh Niên, tháng 2.2024

"Mấy chục anh em đã hy sinh để tôi được sống"

5 giờ ngày 17.2.1979, đạn pháo Trung Quốc ầm ầm dội xuống Đồn biên phòng Pha Long. Trung sĩ Lê Khắc Xuân chỉ huy 1 tổ chốt chặn địch và bẻ gãy nhiều đợt tấn công của chúng. Chiến đấu từ sáng 17.2 đến tối 20.2, ai cũng cầm chắc cái chết. Đến ngày thứ 4, bị lính Trung Quốc bao vây, Chính trị viên Trần Ngọc hô quyết tử, bổ nhiệm ông Xuân làm phó đồn trưởng thay trung úy Nguyễn Anh Đức mới hy sinh và tuyên bố kết nạp Đảng cho các chiến sĩ đang bám trận địa.

"Tôi với cậu Phương đang chiến đấu thì Phương trúng đạn, cậu ấy bảo "anh ơi em sắp chết rồi. Em giao lại súng cho anh". Đau đớn lắm mà không kịp nghe trăn trối và vuốt mắt cho nó, vừa khóc vừa bắn kẻo lính Trung Quốc tràn lên giết anh em", ông Xuân nhớ rành mạch và hồi tưởng: "Tôi để sẵn quả lựu đạn trong túi áo ngực, nếu bị bắt là cho nổ luôn. Mình chết nó cũng phải đổi mạng. Quyết không làm tù binh".

Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Thanh Hóa thăm, tặng quà anh hùng Lê Khắc Xuân và vợ ông

Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Thanh Hóa thăm, tặng quà anh hùng Lê Khắc Xuân và vợ ông

Đêm 20.2.1979, trung sĩ Lê Khắc Xuân cùng những người còn sống đưa thương binh, liệt sĩ về tuyến sau và quay lại địa bàn chiến đấu. Tháng 4.1979, trung sĩ Lê Khắc Xuân được thiếu tướng Đinh Văn Tuy, Phó chính ủy Công an nhân dân vũ trang, ký quyết định phong hàm vượt cấp từ trung sĩ lên chuẩn úy, chính thức bổ nhiệm chức danh chính trị viên phó. Ngày 19.12.1979, ông Lê Khắc Xuân được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và về Hà Nội báo công.

Sau thời gian báo công, ông lên lại biên giới vì tình hình chiến sự căng thẳng. Mấy tháng trời, gia đình ông thấp thỏm cứ nghĩ ông đã hy sinh. Mãi đến hôm ông được phong anh hùng, một tờ báo đăng bài về ông nhưng viết sai họ thành Nguyễn Khắc Xuân, một người nhà nhìn thấy hình ông và mang về quê, mọi người mới tạm tin là ông còn sống.

Năm 1981, chuẩn úy Lê Khắc Xuân được cấp trên cho đi học cấp 3 và năm 1983 được đưa về Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng làm trợ lý tuyên truyền đặc biệt của Phòng vận động quần chúng. Cuối năm 1987, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông xin chuyển công tác về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1990, cấp trên rút ông từ Hải đội 8 về Bộ đội Biên phòng tỉnh làm trợ lý vận động quần chúng trong gần 10 năm. Khoảng cuối năm 1994, hàng ngàn người Mông ở các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào xã Trung Lý (H.Mường Lát) sát với biên giới Việt Nam - Lào. Liên tục mấy tháng trời, trung tá Lê Khắc Xuân cùng đồng đội trèo đèo lội suối tìm đến từng hộ dân làm công tác vận động thuyết phục để họ quay trở về quê cũ, không để bùng phát điểm nóng trên vùng biên giới vốn rất nhạy cảm.

Nhiều cán bộ ở Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhớ: Năm 1998, trung tá Lê Khắc Xuân được bổ nhiệm chức vụ Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Hậu Lộc (nay là Đồn biên phòng Đa Lộc). Một số cựu binh đã tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc nêu ý kiến: Năm 1979 đánh nhau, anh ấy đã được đề bạt đồn phó ngay tại trận địa, sau 20 năm lại vẫn như cũ, có hợp lý không? Nghe vậy, trung tá Xuân ôn tồn: "Mấy chục anh em đã hy sinh để tôi được sống. Mỗi ngày tôi sống bây giờ, đều có mấy chục người dõi theo nên tôi phải sống có ích, không màng tới chức vụ cấp bậc".

Giữa năm 2007, anh hùng Lê Khắc Xuân nghỉ hưu với cấp hàm thượng tá. Ông tìm lại các đồng đội, cùng quay lại chiến trường xưa và dành thời gian viết cuốn sử cho Đồn biên phòng Pha Long (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lào Cai). Mấy chục năm, giờ ông mới sửa lại ngôi nhà cấp 4 nhờ sự hỗ trợ của 2 cô con gái làm giáo viên và cậu út làm kỹ sư cơ điện. Ngôi nhà của ông, phía trước vẫn giữ nguyên khung cửa gỗ bởi ông bảo đó giống như căn nhà ở đồn, 45 năm trước ông sống và giữ biên giới Pha Long…

Tuổi trẻ dũng cảm

Đầu giờ chiều ngày đầu năm 2024, chúng tôi tìm đến gia đình anh hùng - liệt sĩ Lê Đình Chinh nằm trong hẻm ở đường Trịnh Thị Ngọc Trúc (P.Đông Vệ, TP.Thanh Hóa). Bà Khương Thị Chu (năm nay 90 tuổi) là mẹ anh hùng Lê Đình Chinh, tuy đã rất yếu nhưng vẫn gắng gượng ngồi dậy, nói chuyện về con trai: Anh Chinh sinh năm 1960, là con cả trong nhà.

Di ảnh anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh

Di ảnh anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh

Trước Tết Nguyên đán 1975, khi mới tròn 15 tuổi và đang là học sinh giỏi toàn diện của Trường cấp 2 xã Nguyệt Ấn, H.Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Lê Đình Chinh nằng nặc xin mẹ cho đi bộ đội.

Ngày 18.2.1975, chiến sĩ Lê Đình Chinh nhập ngũ và sau khi huấn luyện, về Đoàn Thanh Xuyên, thuộc Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng).

Tháng 2.1977, Lê Đình Chinh và đơn vị được tăng cường vào khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam. Anh đã tham gia nhiều trận đánh, tiêu diệt và đẩy đuổi quân Pol Pot.

Ngày 4.2.1978, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang nâng tổ chức Tiểu đoàn 12 thành Trung đoàn 12, giao nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Lê Đình Chinh lại cùng đơn vị hành quân ra biên giới Lạng Sơn.

Thân nhân liệt sĩ Lê Đình Chinh kể về người anh hùng

Thân nhân liệt sĩ Lê Đình Chinh kể về người anh hùng

Sáng 25.8.1978, tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn), hàng chục tên côn đồ đã vượt biên giới sang đất ta hành hung cán bộ, phụ nữ và người dân địa phương. Thượng sĩ Lê Đình Chinh (tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12) đã dũng cảm dùng võ thuật đánh gục hàng chục tên côn đồ. Trong lúc giải cứu cán bộ, người dân, anh đã bị địch bao vây, tấn công tới tấp bằng dao, gậy và hy sinh lúc 10 giờ 30 ngày 25.8.1978, khi vừa tròn 18 tuổi.

Ngay sau đó, Trung ương Đoàn đã tuyên dương và truy tặng Huy hiệu "Vì thế hệ trẻ"; phát động phong trào "Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh". Ngày 31.10.1978, liệt sĩ Lê Đình Chinh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đầu tháng 1.2013, phần mộ anh hùng - liệt sĩ Lê Đình Chinh được di chuyển từ Nghĩa trang liệt sĩ Cao Lộc (Lạng Sơn) về Nghĩa trang liệt sĩ P.Hàm Rồng (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Đến đâu cũng xin chiến đấu

Anh hùng La Văn Tiến sinh năm 1955, dân tộc Nùng. Quê xã Chiến Thắng, H.Chi Lăng, Lạng Sơn. Nhập ngũ năm 1972. Khi được tuyên dương anh hùng, là binh nhất, tiểu đội phó thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn.

Anh hùng La Văn Tiến, năm 1996

Anh hùng La Văn Tiến, năm 1996

Ngày 17.2.1979, bộ binh địch ào ạt tấn công điểm cao 421 (Lộc Bình). Đơn vị của La Văn Tiến chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi nhiều đợt tấn công. Sau 1 giờ chiến đấu, đơn vị bị thương vong nặng, phải rút về phía sau. La Văn Tiến và 2 đồng đội khác ở lại đã mưu trí, cơ động, nghi binh lừa địch, tuỳ số lượng địch và khoảng cách xa gần mà sử dụng các loại vũ khí khác nhau, làm địch tưởng quân ta nhiều, không dám xông lên. Đêm 17.2, khi hết đạn, La Văn Tiến sang chiến đấu với đơn vị khác. Ngày 20.12.1979, La Văn Tiến được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bám trụ dưới pháo đài

Anh hùng Nông Văn Phiao sinh năm 1957, dân tộc Nùng, quê ở xã Quốc Việt, H.Tràng Định, Lạng Sơn. Khi được tuyên dương anh hùng, là binh nhất, chiến sĩ Đại đội 5, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn (nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn).

Anh hùng Nông Văn Phiao, năm 1980

Anh hùng Nông Văn Phiao, năm 1980

Sáng 17.2.1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công Đồng Đăng (Lạng Sơn). Nông Văn Phiao đã cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng. Cuộc chiến đấu ác liệt kéo dài, giữa vòng vây của địch, bị thiếu nước nghiêm trọng. Ban đêm, Nông Văn Phiao đã xung phong một mình len lỏi qua vòng vây của địch, lấy nước suối về phục vụ đồng đội. Sau một tuần, địch tăng quân, tập trung hỏa lực đánh chiếm pháo đài. Địch dùng bộc phá đánh sập tầng trên, dùng lựu đạn cay, chất độc hóa học, xăng trút xuống tầng dưới. Đói khát, nóng, ngạt thở, Nông Văn Phiao đã cùng đồng đội kiên trì bới đất tìm lối ra. Sau 3 ngày đêm, các đơn vị ta đã đưa thương binh cùng thoát ra khỏi pháo đài.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.