Tác giả của cách đánh tạt sườn
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Nho Bông sinh năm 1945, nhập ngũ tháng 9.1969, khi được tuyên dương là trung úy, Đại đội trưởng công binh thuộc Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 3, Quân khu 1.
Trong đợt chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, Nguyễn Nho Bông chỉ huy đơn vị diệt nhiều sinh lực địch với sự linh hoạt, đánh nhanh, đánh mạnh, chiếm lại nhiều điểm cao và kiên quyết chốt giữ trận địa. Ngày 20.12.1979, Nguyễn Nho Bông được phong tặng danh hiệu anh hùng.
Anh hùng Nguyễn Nho Bông, tháng 12.1994 |
Ngược dòng hồi ức, anh hùng Nguyễn Nho Bông kể: Nhập ngũ tháng 9.1968, ông vào chiến đấu ở địa bàn Quảng Nam - Quảng Ngãi, tháng 6.1976 cơ động lên Đồng Đăng (Lạng Sơn) bảo vệ biên giới. Buổi sáng 17.2.1979 khi phía Trung Quốc bắn pháo sang đất ta, ông còn thắc mắc: "Sao năm nay sấm dậy sớm thế?". Chỉ đến khi những người lính trên tuyến 1 chạy về báo, ông mới biết chiến tranh.
"Chúng tôi chậm được thông báo vì đường dây hữu tuyến đã bị thám báo địch cắt từ đêm hôm trước, vô tuyến thì không có. Lúc ấy 1/3 quân số của sư đoàn rút về Hà Bắc làm kinh tế, số ở lại cũng mỗi người chỉ có 1 khẩu AK, 3 băng đạn, 3 quả lựu đạn nên khi bị bao vây, chúng tôi toàn lấy vũ khí của địch đánh địch", ông Bông kể tiếp.
Các cựu binh Sư đoàn 3 kể lại: Rạng sáng 17.2.1979, quân Trung Quốc ào ạt tấn công sang thị trấn Đồng Đăng. Đại tá Nguyễn Duy Thương, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 lệnh cho chỉ huy Trung đoàn 12 lên ngay cao điểm 438 (tây Đồng Đăng) để trực tiếp chỉ huy chiến đấu.
Anh hùng Nguyễn Nho Bông, đầu tháng 2.2024 |
Xe chở trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Khánh kịp thời có mặt. Xe chở Chính ủy Đồng Sỹ Tài, thiếu tá Lục (cán bộ Cục Tuyên huấn tăng cường) và đại úy Huề đi đến ngã ba Khôn Làng thì pháo binh địch bắn trúng. Xe hỏng, lái xe Lê Văn Bàng (quê Thanh Hóa) bị thương, mọi người phải chạy bộ lên sở chỉ huy.
Trên đường đi, thiếu tá Lục trúng đạn hy sinh, đại úy Huề bị thương, Chính ủy Đồng Sỹ Tài cùng quân y sĩ Tấn, chiến sĩ công vụ Điệp và một chiến sĩ liên lạc, sau gần một giờ mới tiếp cận được cao điểm 438.
Do có điệp báo, địch biết Sở chỉ huy Trung đoàn 12 đóng ở điểm cao 438 nên tập trung bao vây, tấn công. Sau hơn 1 ngày chống trả, rạng sáng 18.2 Sở chỉ huy Trung đoàn 12 phải rút về hang đá xã Bình Trung.
Quyết tâm lấy lại điểm cao 438, Sư đoàn 3 đành phải đưa Đại đội 1 công binh vào trận. Rạng sáng 20.2, đại đội công binh do trung úy Nguyễn Nho Bông chỉ huy đã táo bạo thọc thẳng lên trận địa địch, mở đầu cho những đợt phản kích mới.
Địch tăng cường lực lượng dự bị, chiếm được các điểm cao 500, 607, 300, đồi Lê Đình Chinh, ngã ba Đồng Uất… Trung úy Nguyễn Nho Bông lại nhận lệnh dẫn Đại đội 1 công binh đi tái chiếm cao điểm.
PV Báo Thanh Niên và cán bộ Tỉnh đoàn Thanh Hóa tặng quà anh hùng Nguyễn Nho Bông |
Rạng sáng 1.3, phân đội gồm 20 chiến sĩ do đại đội trưởng Nguyễn Nho Bông chỉ huy, bằng trận tập kích chớp nhoáng đã đánh thiệt hại nặng một đại đội địch, khôi phục lại điểm cao 500 bị chúng chiếm từ mấy hôm trước.
Được lệnh chốt giữ điểm cao 500, trung úy Nguyễn Nho Bông đã chỉ huy đại đội đánh bật các cuộc tấn công của hàng tiểu đoàn địch. Sáng 4.3, trung úy Bông dẫn theo 2 chiến sĩ tổ chức mũi đánh tạt sườn đội hình tiến công của địch, khiến chúng phải bỏ dở đợt tấn công.
"Đánh tạt sườn" là chiến thuật mà hầu như trận nào trung úy Nguyễn Nho Bông cũng thực hiện, có khi chỉ một tổ, thậm chí chỉ một người và bao giờ cũng đạt được kết quả tốt.
"Trong những ngày quần lộn giữa đội hình địch, ý chí và hành động chiến đấu của Nguyễn Nho Bông là một biểu hiện hết sức sống động về khả năng tiến công mưu trí, quyết liệt", một cựu binh nói vậy.
Kết thúc gần 1 tháng tái chiếm và giữ chốt, đại đội trung úy Nguyễn Nho Bông có 75 người nhưng chỉ hy sinh 14. "Thương vong ít là vì lính chúng tôi toàn người Bình Định đã qua chiến đấu miền Nam nên có kinh nghiệm trận mạc và rất lì đòn. Với anh em hy sinh, tôi xếp thi hài vào hầm chữ A, gắn tên tuổi cẩn thận để sau này tiện cho công tác thương binh liệt sĩ", anh hùng Nguyễn Nho Bông nhớ lại.
"Trận đánh kinh tế"
Năm 1990, thiếu tá Nguyễn Nho Bông, Phó tham mưu trưởng trung đoàn, xin về nghỉ hưu tại xã Trường Giang (Nông Cống, Thanh Hóa) cho dù cấp trên giữ lại: "Vất vả quá thì cho lên sư đoàn phụ trách nhà truyền thống". Ông bảo: "Tôi không đành lòng nhìn vợ nuôi 3 đứa con nhỏ, bố mẹ già trong căn nhà tre dột nát, thiếu thốn mỗi bữa ăn".
Số tiền 200 đồng mang về, việc đầu tiên là ông mua mấy bao gạo chống đói cho cả gia đình, họ hàng làng xóm xung quanh.
"Trận đánh kinh tế" đầu đời của ông là nuôi lợn ngay tại vườn nhà. Hơn 1 năm cắm cúi với cám bã, ông nhất quyết: "Phải làm gì khác người, cho dân làng cùng nhanh làm giàu". Ông vay mượn hơn 10 triệu đồng, ra Hà Nội la cà các làng nghề tìm hiểu và rinh hẳn 1 chiếc máy làm miến gạo chạy dầu về làm ăn.
Sản phẩm của ông ngay lập tức đáp ứng cả vùng bởi giá rẻ, chất lượng tốt và ông trở thành "điển hình làm kinh tế" trong huyện. Từ mô hình của ông, nhiều người học theo, dần làm lên thương hiệu miến gạo Trường Giang, cùng với nón lá như bây giờ.
Nghe người anh hùng kể chuyện |
Cuối năm 1996, ông bị tai nạn giao thông rất nặng, phải vào điều trị tại Bệnh viện Quân khu 4 cả năm trời. Hồi ấy ai cũng tưởng ông không qua khỏi, thế nhưng một lần nữa ông không đầu hàng, gượng thoát khỏi tình trạng bị liệt, nhúc nhắc tập ngồi, tập đi và sau vài năm trời, lại trở về quê nhà với gia tài gần như tay trắng, do phải bán đồ trong nhà đi mua thêm thuốc thang đặc trị, chăm sóc.
Buổi chiều đầu năm ở vùng chiêm trũng Nông Cống, Thanh Hóa, gió bấc lùa vào căn nhà trống, rét lìm lịm. Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Nho Bông chập chững lần tường đưa tôi ra phía sau, chỉ căn nhà cũ xiêu vẹo kể: Lính cũ của tôi ở đơn vị chẳng còn ai, anh em chỉ huy Sư đoàn 3 (Quân khu 1) mới lên, đọc truyền thống ngày xưa, tìm về thăm, thấy con nhỏ, bệnh tật, nhà cửa quá lụp xụp khó khăn nên làm văn bản đề nghị tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ việc xây nhà mới, cùng với số tiền 100 triệu đồng do cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đóng góp. UBND tỉnh đồng ý chi 110 triệu; một ngân hàng tặng 50 triệu đồng. Thêm một số khoản giúp đỡ của nhóm hội đồng hương, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tháng 7.2015, ngôi nhà khánh thành. Tính ra giờ vẫn nợ tiền xây nhà cả trăm triệu…
Tôi chụp hình anh hùng Nguyễn Nho Bông mặc quân phục, ông cười gượng: "Nhà tui có bộ bàn ghế là đáng giá nhất, cũng do các chú ở Sư đoàn 3 mang về tặng hôm tân gia 27.7.2015".
"Vất vả bao nhiêu tôi cũng không kêu vì đồng đội hy sinh cho mình được sống, nên phải sống tốt. Tuổi cao sức yếu cũng sắp theo anh em rồi, chỉ mong thế hệ trẻ biết về những người tuổi 18 - 20 đã nằm xuống cho yên ấm hòa bình hôm nay", ông nói với tôi vậy, khi lần tay mở sớm tờ lịch của ngày 17.2.2024 trong buổi chiều rét buốt. 45 năm trước, biên giới cũng rét như bây giờ.
Hy sinh thân mình để cứu đồng đội
Từ TP.Thanh Hóa, chúng tôi ngược lên xã Thành Công, H.Thạch Thành hỏi thăm nhà ông Quách Văn Rượng (em trai đang thờ cúng anh hùng - liệt sĩ Quách Văn Rạng).
Trên bức tường cạnh bàn thờ trong ngôi nhà cấp 4 ven đường thôn Bông Bụt, nghiêm trang khung ảnh lớn, phía trong là các phần thưởng ghi tên Quách Văn Rạng, từ bằng khen tháng 10.1978 cho đến Huân chương kháng chiến, Huân chương chiến sĩ vẻ vang, Huân chương quân công, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 07.4.1980…
Anh hùng - liệt sĩ Quách Văn Rạng sinh năm 1956, nhập ngũ tháng 3.1975. Sau 5 tháng huấn luyện tại Trung đoàn 14 (Triệu Sơn, Thanh Hóa), anh được đưa ra huấn luyện tiếp tại Công an vũ trang Hoàng Liên Sơn (nay là Bộ đội Biên phòng Lào Cai).
Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Quách Văn Rạng |
Bàn thờ đơn sơ của gia đình anh hùng - liệt sĩ |
Các phần thưởng của anh hùng Quách Văn Rạng được gia đình lưu giữ |
Từ tháng 12.1975 đến tháng 9.1978, Quách Văn Rạng là hạ sĩ, phó tiểu đội trưởng thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Lào Cai, Công an nhân dân vũ trang Hoàng Liên Sơn (nay là Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lào Cai). Từ 10.1978 - 2.1979, Quách Văn Rạng là trung sĩ - tiểu đội trưởng.
Lịch sử Bộ đội Biên phòng ghi rõ: Sáng 17.2.1979, quân xâm lược có xe tăng và pháo binh yểm trợ, tấn công vào Đồn biên phòng và khu vực thị xã Lào Cai (nay là TP.Lào Cai). Quách Văn Rạng đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy bộ đội đánh trả quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của chúng, giữ vững trận địa đầu cầu, bên bờ sông Nậm Thi. Chiều 17.2.1979, trung sĩ Quách Văn Rạng dẫn bộ đội vượt khỏi chiến hào, bắn cháy 2 xe tăng và diệt thêm nhiều địch ở khu vực dốc Máng Nước, thị xã Lào Cai.
Khi đơn vị di chuyển trận địa, Quách Văn Rạng và 2 chiến sĩ Phạm Dũng Tiến, Lê Hồng Cẩm xung phong ở lại chiến đấu chặn địch tại khu vực đầu cầu Cốc Lếu. Sau 5 ngày đêm chiến đấu trong vòng vây của địch, chiến sĩ Phạm Dũng Tiến bị lạc, chiến sĩ Lê Hồng Cẩm bị thương nặng, tiểu đội trưởng Quách Văn Rạng cõng Cẩm tìm về đơn vị. Địch phát hiện bao vây hòng bắt sống, tiểu đội trưởng Quách Văn Rạng giấu chiến sĩ Cẩm vào bụi cây và chạy sang hướng khác, vừa chiến đấu diệt địch vừa đánh lạc hướng cứu đồng đội.
Từ chỗ ẩn nấp, chiến sĩ Cẩm đã chứng kiến cảnh Quách Văn Rạng bị địch bắt, tra tấn hòng moi thông tin về đơn vị. Không khuất phục được, bọn địch đã giết chết trung sĩ Quách Văn Rạng, chiều 20.2.1979.
Sau trận chiến đấu tháng 2.1979, Quách Văn Rạng được truy thăng quân hàm thiếu úy. Ngày 19.12.1979, anh được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Quách Văn Rượng (66 tuổi, em trai anh hùng - liệt sĩ Quách Văn Rạng) kể: Ông bà Quách Văn Đơ và bà Trương Thị Thế sinh được 9 người con. Anh Rạng là anh cả. Cuối năm 1974, anh Rạng được gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Do thể trạng gầy yếu, nên anh Rạng nhặt đá bỏ vào túi cho đủ tiêu chuẩn cân nặng và năn nỉ cán bộ xã cho nhập ngũ.
Cuối năm 1978, anh Rạng được nghỉ phép về thăm nhà. Chưa hết phép, nghe đài Tiếng nói Việt Nam thấy tình hình biên giới căng thẳng, nên nói với bố mẹ "Con được đơn vị giao giữ nhiều giấy tờ tài liệu. Nếu Trung Quốc đánh sang là rất dễ bị mất. Phải ra gấp để cất giấu".
Ngày 30.4.1979, trung tá Nguyễn Hoàng Cần (Chính ủy Công an nhân dân vũ trang Hoàng Liên Sơn) ký giấy báo tử liệt sĩ Quách Văn Rạng, nhưng cuối năm, gia đình mới nhận được.
"Trước đó, cả nhà đã biết anh Rạng hy sinh, vì anh Lê Hồng Cẩm (người được anh Rạng cứu) đã tìm về nhà báo tin và nhận bố mẹ nuôi", ông Rượng rành rẽ vậy và mong: "Từ hồi ấy đến giờ không thấy anh Cẩm quay lại, không biết anh ấy ra sao?"…
Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Thanh Hóa tặng quà thân nhân liệt sĩ Quách Văn Rạng |
Tấm gương Nông Văn Giáp
Anh hùng Nông Văn Giáp sinh năm 1945, dân tộc Nùng, quê ở xã Yên Bình, H.Hữu Lũng, Lạng Sơn. Khi hy sinh, là trung úy, Đồn phó Đồn 191, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn (nay là Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn).
Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nông Văn Giáp |
Nông Văn Giáp đã qua chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau ngày thống nhất, ông tình nguyện lên bảo vệ biên giới phía Bắc.
Sáng 17.2.1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công. Chúng dùng pháo bắn cấp tập vào đồn, sau đó cho bộ binh địch xông lên. Với kinh nghiệm dày dạn qua 9 năm chiến đấu chống Mỹ, Nông Văn Giáp bình tĩnh chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch.
Khi địch bao vây áp sát trận địa, Nông Văn Giáp dẫn bộ đội đánh giáp lá cà, đẩy địch xuống chân đồi và anh dũng hy sinh.
PV Thanh Niên ghi chép ký ức về liệt sĩ Nông Văn Giáp, qua lời kể của người thân |