Tìm lại những anh hùng: 45 năm tìm phần mộ anh hùng Phan Đình Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phòng truyền thống của Trường Sĩ quan Chính trị (còn gọi là Đại học Chính trị), dành một không gian trang trọng đặt di ảnh của 22 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đầu năm 1979, khi đang thực tập tại các đơn vị thuộc Quân khu 1…

Đứng đầu danh sách ấy là anh hùng - liệt sĩ Phan Đình Linh.

2 lần xin nhập ngũ

Ở làng biển Yên Khánh (xã Xuân Yên, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ông Phan Đình Mân (1929 - 2015) và bà Nguyễn Thị Chí (1932 - 2006) có 7 người con, trong đó anh Phan Đình Linh là con đầu.

Năm 1964, ông Mân sang nước bạn Lào làm chuyên gia quân sự, bà Chí mướt mải với công việc ở xã, nên mọi việc nhà dồn lên vai cậu con trưởng Phan Đình Linh, khi đó mới 11 tuổi. Mặc dù vậy, nhưng anh Linh học rất giỏi, thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh toàn đạt giải nhất, nhì.

Di ảnh anh hùng liệt sĩ Phan Đình Linh xếp đầu tiên trong 22 liệt sĩ Trường Sĩ quan Chính trị, hy sinh tháng 2.1979

Di ảnh anh hùng liệt sĩ Phan Đình Linh xếp đầu tiên trong 22 liệt sĩ Trường Sĩ quan Chính trị, hy sinh tháng 2.1979

Năm 1970, đang học lớp 10, anh Linh xung phong đi bộ đội nhưng không được. Tháng 7.1971, anh Linh tốt nghiệp cấp 3, cương quyết nhập ngũ vào Tiểu đoàn 44, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh (năm 1973 sáp nhập với một số đơn vị khác thành Trung đoàn 176 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào). Lúc này, ông Phan Đình Mân là chuyên gia quân sự địa bàn, sang tìm đồng hương và sững người khi thấy con trai Phan Đình Linh.

Sau ngày thống nhất 30.4.1975, thượng sĩ Phan Đình Linh được cử đi học lớp chính trị viên đại đội của Trường Sĩ quan Chính trị. Do tốt nghiệp loại giỏi, phong quân hàm trung úy, nên tháng 10.1978, anh được Bộ Quốc phòng cử học tiếp lớp đào tạo giáo viên chuyên ban kinh tế chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị.

Tháng 1.1979, trung úy Phan Đình Linh được cử đi thực tập làm Chính trị viên phó tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 677, Sư đoàn 346, Quân khu 1.

Bà Phạm Thị Vượng và con gái Phan Thị Hồng Loan bên những kỷ vật của liệt sĩ Phan Đình Linh

Bà Phạm Thị Vượng và con gái Phan Thị Hồng Loan bên những kỷ vật của liệt sĩ Phan Đình Linh

Tài liệu của Trường Sĩ quan Chính trị ghi lại: Ngày 17.2.1979, lính Trung Quốc ào ạt tấn công vào trận địa, Phan Đình Linh đã tổ chức - chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm, diệt nhiều quân địch. Do có kinh nghiệm chiến đấu, ngày 22.2.1979, Phan Đình Linh được giao làm Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 6 chốt giữ điểm cao 815 (xã Hùng Quốc, H.Trà Lĩnh, Cao Bằng - nay là thị trấn Trà Lĩnh, H.Trùng Khánh, Cao Bằng).

Ngày 27.2.1979, địch tăng cường các loại hỏa lực, ồ ạt đánh vào trận địa. Đơn vị của trung úy Phan Đình Linh kiên cường chiến đấu và bị tổn thất nặng nề. Khoảng 10 giờ sáng 27.2.1979, địch tràn vào trận địa, đơn vị chỉ còn 4 người sống sót, trung úy Linh bật lưỡi lê đánh giáp lá cà và hy sinh cùng đồng đội.

45 năm tìm phần mộ

Bà Phạm Thị Vượng, 71 tuổi, vợ liệt sĩ Phan Đình Linh kể: Tháng 6.1978 cưới nhau. Đến tháng 9.1978, anh về thăm nhà trước khi lên biên giới Cao Bằng thực tập, khi ấy tôi mới có bầu 3 tháng.

Cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh, Cao Bằng) - nơi anh hùng Phan Đình Linh đã hy sinh tháng 2.1979

Cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh, Cao Bằng) - nơi anh hùng Phan Đình Linh đã hy sinh tháng 2.1979

"Đầu tháng 1.1979 anh ấy lên biên giới, gửi vải về làm tã cho con gái sắp chào đời và viết thư cho mẹ tôi, nhờ ông bà chăm sóc 2 mẹ con", bà Vượng nhớ lại vậy và trầm giọng: "Khi biết tin anh Linh hy sinh, mẹ chồng tôi như phát điên bởi đặt hết hy vọng vào anh ấy. Bố chồng thì khăng khăng bắt cậu em thứ 3 nhập ngũ ngay tháng 3.1979 để trả thù cho anh".

Ông Phan Đình Nga, 67 tuổi, em trai liệt sĩ Phan Đình Linh, kể: "Đầu tháng 6.1979, đơn vị gửi giấy báo tử, ghi: Thi hài liệt sĩ mai táng tại Nghĩa trang mặt trận Cao Bằng. Mãi đến năm 2017, sau nhiều lần tìm kiếm, gia đình mới biết anh Linh được chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ Bản Khun (H.Trà Lĩnh, Cao Bằng) và sau đó được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ H.Trà Lĩnh (nay là thị trấn Trà Lĩnh, H.Trùng Khánh, Cao Bằng).

Đầu tháng 9.2017, gia đình lên Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh, thấy 2 ngôi mộ cùng ghi thông tin: Phan Đình Linh; sinh năm 1965; nguyên quán: Ngọc Chế - Kiến Quốc - Ninh Thanh - Hải Dương; đơn vị: Đồn biên phòng 117; chỉ khác là ngôi mộ ở hàng dưới có thêm dòng chữ "hài cốt liệt sĩ đã di chuyển". Qua xác minh thì 1 ngôi mộ đã được di dời về Hải Dương, 1 ngôi mộ thì chưa có thân nhân đến viếng".

Đại diện Báo Thanh Niên và cán bộ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An thăm, tặng quà thân nhân anh hùng liệt sĩ Phan Đình Linh

Đại diện Báo Thanh Niên và cán bộ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An thăm, tặng quà thân nhân anh hùng liệt sĩ Phan Đình Linh

Trung tá - quân nhân chuyên nghiệp Phan Thị Hồng Loan (con gái anh hùng Phan Đình Linh) kể: Gia đình về Hải Dương hỏi thì đúng là ở xã Kiến Quốc có liệt sĩ là Phạm Đình Linh, sinh năm 1965 thuộc Đồn biên phòng 117, hy sinh năm 1989, đã được gia đình đưa từ Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh về quê từ năm 1991.

Cuối năm 2017, gia đình anh hùng Phan Đình Linh xin giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ. Khi khai quật ngôi mộ chưa được di chuyển, thấy không có hài cốt. Ở ngôi mộ đã di dời, thì thấy xương cốt vẫn còn trong tiểu sành.

Gia đình liệt sĩ lấy mẫu sinh phẩm gửi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) để thực hiện giám định ADN hài cốt liệt sĩ; sau một thời gian thì nhận được hồi đáp "không trùng khớp".

"Có thể là trong thời điểm cất bốc, gia đình liệt sĩ Phạm Đình Linh (biên phòng) đã bốc nhầm. Hoặc có thể khi tôn tạo sửa chữa nghĩa trang, người ta đã gắn bia mộ không chính xác", trung tá - quân nhân chuyên nghiệp Phan Thị Hồng Loan đưa ra giả thiết và kể: "Chúng tôi đã về Hải Dương thuyết phục gia đình cho phép lấy mẫu vật trong mộ đã di chuyển, nhưng người thân của liệt sĩ Phạm Đình Linh (biên phòng) không đồng ý".

Không lấy tiền xe của gia đình liệt sĩ

"Gia đình lên Cao Bằng gần chục lần để tìm anh ấy. Riêng tôi, cũng được 3 - 4 lần với em trai, với con gái và cả cháu trong họ", bà Phạm Thị Vượng nhớ lại và lẩn mẩn kể: Có lần, ra Hải Dương - Hưng Yên, vạ vật cả chục ngày để nhờ nhà ngoại cảm. Sau sốt ruột quá, nhờ đứa cháu đi cùng, bắt xe khách lên thẳng TP.Cao Bằng. Xuống bến xe, có một anh lái taxi thấy lớ ngớ liền đến hỏi đi đâu. Bà Vượng nói: "Tôi lên đây tìm mộ chồng hy sinh tháng 2.1979. Không có tiền, bác chỉ tôi cách đi xe buýt". Nghe vậy, anh lái taxi gật đầu: "Tôi xin chở bà theo giá vé xe buýt". Tới nơi, anh lái xe không nhận tiền mà còn bảo: "Ai mà lấy của gia đình liệt sĩ"…

Mới đây, bà Vượng lên Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh để dò hỏi rõ hơn về 2 ngôi mộ cùng mang tên Phan Đình Linh. Biết bà đi tìm mộ chồng, các anh chị xe ôm ở thị trấn tình nguyện chở miễn phí đến các nghĩa trang và buổi trưa còn mời bà ăn cơm.

Ngồi rì rầm nói chuyện với cả 2 ngôi mộ cả nửa ngày, buổi chiều bà Vượng định bắt xe buýt về TP.Cao Bằng để xuôi Hà Nội chuyến đêm, thì lại có một anh lái xe taxi đón bà về miễn phí với lý do "cháu tiện đường, chở bà về luôn".

"Dù chưa tìm thấy mộ của anh Linh, nhưng tôi cũng phần nào yên tâm bởi dù có nằm đâu, thì anh ấy cũng được người dân Cao Bằng chăm sóc cẩn thận", bà Vượng nói.

Ngày 27.2.1979, trung úy Phan Đình Linh hy sinh, đúng 1 tháng sau (27.3.1979), con gái của anh là Phan Thị Hồng Loan chào đời. Năm 1997, Phan Thị Hồng Loan trúng tuyển vào khoa Sư phạm ngoại ngữ, Đại học Vinh.

Tốt nghiệp ra trường, mặc dù Ban giám hiệu Trường đại học Chính trị nhiệt thành mời gọi ra làm việc, nhưng Loan xin được ở lại quê, làm giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để tiện chăm sóc mẹ.

Tháng 1.2016, Trường đại học Chính trị tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập và đón vợ con liệt sĩ Phan Đình Linh ra dự. Hôm ấy, đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (sau là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện đã nghỉ hưu) ân cần thăm hỏi 2 mẹ con.

Khi biết hoàn cảnh, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng hoàn tất thủ tục, chuyển Loan sang quân đội. Hiện Phan Thị Hồng Loan đeo cấp hàm trung tá - quân nhân chuyên nghiệp, trợ lý chính sách thuộc Ban Chỉ huy Quân sự TP.Vinh (Nghệ An).

Học viện hậu cần cũng lên chiến đấu

Trung tuần tháng 12.1978, Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng) tổ chức cho học viên khóa 19 -20 (đào tạo hậu cần sơ cấp) và khóa 7 (đào tạo sĩ quan hậu cần trung cấp), đi thực tập ở một số đơn vị biên giới phía Bắc.

Thời gian thực tập sắp kết thúc thì rạng sáng 17.2.1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc nổ ra. Trước yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, toàn bộ 274 cán bộ, giáo viên, học viên được lệnh ở lại chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Anh hùng Phan Văn Thắng

Anh hùng Phan Văn Thắng

Với kiến thức cơ bản đã được trang bị và những kinh nghiệm từ thực tế ở các đơn vị, nhiều học viên hậu cần đã trực tiếp tham gia chiến đấu với tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo và lập công xuất sắc, điển hình như:

Học viên Phan Văn Thắng (lớp trợ lý hậu cần tiểu đoàn, thuộc Đại đội 43, khóa 20), thực tập tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân khu 1, trong ngày đầu của cuộc chiến đấu, đã thay thế đại đội trưởng vừa hy sinh, trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu. Mặc dù địch đông gấp bội, nhưng học viên Phan Văn Thắng đã cùng đồng đội ngoan cường đánh trả nhiều đợt tấn công của địch và đảm bảo ăn uống cho bộ đội, tổ chức vận chuyển thương binh về phía sau an toàn.

Học viên Phan Văn Thắng (sinh năm 1956, quê ở Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) nhập ngũ tháng 5.1974. Từ tháng 12.1978, Phan Văn Thắng thực tập tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, đóng quân tại thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Sáng 17.2.1979, vị trí chỉ huy Tiểu đoàn 4 ở điểm cao 423 (Đồng Đăng) bị bộ binh địch bao vây và nhiều lần tiến công. Học viên Thắng cùng 2 trinh sát nghi binh đánh địch, để tạo điều kiện cho sở chỉ huy rút về phía sau an toàn.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, học viên Phan Văn Thắng được chỉ định thay thế Đại đội trưởng Đại đội 2 đã hy sinh, chỉ huy đơn vị chiến đấu. Liên tục từ ngày 17 đến 21.2.1979, học viên Phan Văn Thắng luôn bình tĩnh, mưu trí, linh hoạt chỉ huy chiến đấu, dũng cảm đánh địch, giành giật từng công sự, mỏm đồi.

Được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng Phan Văn Thắng được giữ lại Học viện Hậu cần, lên đến Hệ trưởng Hệ đào tạo Đại học (2008-2016) và nghỉ hưu với cấp hàm đại tá.

Gãy nát tay chân vẫn không rời trận địa

Anh hùng Nguyễn Đình Thuần, sinh năm 1953, quê ở xã Thanh Dương, H.Thanh Chương, Nghệ An. Khi hy sinh, là trung úy - Đại đội trưởng đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng)

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, Nguyễn Đình Thuần đã trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu. Ngày 28.11.1977, bị thương vào đùi, nhưng ông vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi trận đánh kết thúc. Về trạm xá điều trị, vết thương chưa lành hẳn, ông đã xin trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần

Năm 1978, Nguyễn Đình Thuần cùng đơn vị chuyển ra bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 25.8.1978, ông đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy đơn vị bằng tay không đánh đuổi bọn côn đồ gây rối ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần (trái) bật khóc khi kể chuyện

Thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần (trái) bật khóc khi kể chuyện

Ngày 17.2.1979, một trung đoàn quân xâm lược có xe tăng và pháo yểm trợ, tấn công vào trận địa của đơn vị do trung úy Nguyễn Đình Thuần phụ trách. Bị thương gãy nát cánh tay, ông tự băng bó, tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Lần thứ hai, ông bị thương vào đùi, quân y muốn đưa về tuyến sau, nhưng ông bảo: "Tôi còn đủ sức chiến đấu. Các đồng chí đừng lo cho tôi".

Lần thứ 3 bị thương vào bụng, trung úy Nguyễn Đình Thuần vẫn không chịu để quân y đưa về phía sau, tiếp tục chỉ huy, trực tiếp chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Đại đội trưởng kiêm xạ thủ súng cối

Anh hùng Nguyễn Công Thuận sinh 1951, quê ở xã Phúc Sơn, H.Anh Sơn, Nghệ An. Khi được tuyên dương anh hùng, là thượng úy, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng).

Anh hùng Nguyễn Công Thuận

Anh hùng Nguyễn Công Thuận

PV Báo Thanh Niên và đại diện Bộ đội Biên phòng Nghệ An thăm anh hùng Nguyễn Công Thuận (trái)

PV Báo Thanh Niên và đại diện Bộ đội Biên phòng Nghệ An thăm anh hùng Nguyễn Công Thuận (trái)

Nguyễn Công Thuận đã từng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam, lập nhiều chiến công. Ngày 26.8.1978, bọn côn đồ vượt biên giới sang gây rối, hành hung cán bộ tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Mặc dù bọn chúng đông và hung hãn, Nguyễn Công Thuận đã 3 lần chỉ huy đơn vị đến giải tỏa, bảo vệ được cán bộ, buộc bọn côn đồ phải rút về bên kia biên giới.

Sáng 17.2.1979, xe tăng và bộ binh địch ồ ạt tấn công vào khu vực đơn vị thượng úy Nguyễn Công Thuận chốt giữ. Thượng úy Thuận đã bình tĩnh, tự tin, chỉ huy đơn vị đẩy lùi 11 đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.