Tiếng vó ngựa trên Gò Thì Thùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từng là vùng nuôi ngựa tiến vua phục vụ hầu hết công việc vận chuyển hàng hóa ở vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, ngựa Phú Yên một thời nổi tiếng với nhiều danh xưng và cống hiến.

Nhưng rồi, trên những gò đồi ở Tuy An đã chẳng còn mấy ai nuôi ngựa, dù hằng năm, cuộc đua ngựa ở Gò Thì Thùng vẫn được tổ chức.

Một thời xứ ngựa

Chiều ngược gió, bỗng nghe thấy tiếng lọc cọc, tiếng “họ! họ!” lạ lẫm và tiếng thở phì phò của chú ngựa nhỏ trên con đường chằng chịt những vệt bánh xe, lại nhớ một thời xe thổ mộ như một nét rất riêng của xứ sở này. Một thời quá vãng cho vó ngựa Tuy An (Phú Yên) trên những chiếc xe thổ mộ huy hoàng, giờ chỉ còn lại tiếng thì thầm thưa vắng.

Trước đây, khi đường giao thông gập ghềnh, ngựa là phương tiện quan trọng giúp người dân huyện Tuy An di chuyển, thồ hàng hóa, nông sản từ ruộng dưới thung lũng hay nương rẫy trên núi về nhà. Những chú ngựa thồ hay xe thổ mộ băng qua những con đường lầy lội, trơn trượt, lởm chởm đá xuống đồng bằng để mua bán nông sản. Người xứ Nẫu thường đi lại bằng ngựa, người cưỡi, thồ hàng, kéo xe,... khắp các vùng Tuy Hòa, Tuy An, Sơn Hòa, Đồng Xuân,... (Phú Yên) đến vùng Vân Canh, An Lão, An Nhơn, Phù Cát,... (Bình Định) hay Vạn Giã, Ninh Hòa (Khánh Hòa), vó ngựa thường lóc cóc trong nắng sớm mưa chiều.

Ông Võ Văn Chiến và con ngựa được ông xem như một thành viên của gia đình mình.

Ông Võ Văn Chiến và con ngựa được ông xem như một thành viên của gia đình mình.

Một thời, danh tiếng ngựa Phú Yên vang bóng khắp vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, được so sánh với ngựa Bắc Hà. Sử sách ghi lại, anh em nhà Tây Sơn đã tuyển chọn ngựa ở Phú Yên để hình thành những đoàn Sảo Mã oai hùng, làm nên bao chiến công vang dội, đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh tan hơn hai mươi vạn quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Nhiều đời vua dưới triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Thiệu Trị đều tuyển chọn ngựa Phú Yên để sung vào chuồng ngựa ngự dụng, nhất là ngựa có sắc trắng. Vua Minh Mạng cũng cho vời về kinh đô hai người dân Phú Yên nuôi ngựa giỏi để hướng dẫn cách nuôi tại các chuồng ngựa ngự dụng.

Bảng lảng không khí vừa kiêu sang, vừa quen thuộc một thuở ngựa xe qua núi, qua đèo một thời trấn biên Nam Trung bộ. Dọc dài vùng bán sơn địa này, người dân vẫn còn nuôi, kinh doanh và sử dụng ngựa thồ thường ngày. Nhưng, cũng chỉ họa hoằn lắm. Ông Võ Văn Chiến (69 tuổi, thôn Xuân Thành, xã An Xuân, huyện Tuy An) ngậm ngùi mường tượng về những ngày xưa cũ, cách chừng 30-40 năm về trước.

“Hồi trước, dân mình đi đâu cũng gặp ngựa làm ăn đủ chuyện, làng nào ở Phú Yên cũng nuôi ngựa cả bầy. Đàn ông, đàn bà đều cưỡi ngựa, như người ta đi Honda bây giờ. Hồi trước thì tải hàng ra trận, sau giải phóng (1975) ngựa vùng này vẫn còn dùng nhiều trong việc kéo lương thực cho các kho của Nhà nước. Rồi kéo gỗ, vật liệu xây nhà, xây kênh mương, hay ngựa đóng xe chở khách, chở hàng ra chợ... tất tần tật đều dùng ngựa. Giờ thì...!”, ông Chiến ngậm ngùi. Gần 60 năm nuôi ngựa ở xứ này, ông đã chứng kiến không ít những con ngựa tốt nhất, dũng mãnh nhất, hay cả những buồn vui, thăng trầm của xứ ngựa.

Cao nguyên Gò Thì Thùng (xã An Xuân) hằng năm có lễ hội đua ngựa mùa xuân, thu hút hàng chục ngàn người đến theo dõi.

Cao nguyên Gò Thì Thùng (xã An Xuân) hằng năm có lễ hội đua ngựa mùa xuân, thu hút hàng chục ngàn người đến theo dõi.

Trước kia, khắp vùng Nam Trung bộ này, từ Quảng Ngãi tới Khánh Hòa, xe ngựa được xem như là một trong những phương tiện di chuyển công cộng giống như xe lam, xe xích lô, xe kéo tay khác. Những địa danh nổi tiếng về ngựa xe như ngã ba Phú Lâm (Tuy Hòa) từng được gọi là Ngã ba Xe Ngựa, ngược lên Hòa Bình thì có Xóm Ngựa, qua Hòa Đồng thì Bến Ngựa; bến xe cạnh chợ Tuy Hòa cũng từng được gọi là Bến Xe Ngựa,... Những vùng Đập Đá (An Nhơn, Bình Định) địa danh Ngã ba Bến Xe Ngựa vẫn còn ghi trên nhiều bảng hiệu. Xe ngựa thường chở những bà, những chị gồng gánh đi chợ, hay bọn học trò nghịch ngợm, một gã trai xa quê đi tha hương. Cái thú ngồi xe ngựa là nghe tiếng lóc cóc từ miếng sắt đóng dưới chân ngựa và chiếc xe đi chậm rãi, lắc lư theo một nhịp điệu thú vị, băng chầm chậm qua những cánh đồng, qua những gò đồi hay một con dốc nhỏ để thấy được chút vui rộn ràng trong lòng.

Một chiếc xe ngựa thông thường chỉ chở được 5-6 người cùng quang gánh, thúng mủng, hay tất tật nhưng gì tương đương mà sức ngựa có thể mang. Xe thổ mộ rất quan trọng trong việc chở hàng và chở người, vì các phương tiện giao thông đường bộ chưa phát triển. Trên khắp nẻo đường, vào mỗi sáng tinh sương hay chiều về, tiếng “lốc cốc... lốc cốc...” đều đều của vó ngựa, hòa với tiếng lục lạc leng keng, tiếng hô “họ... họ...” điều khiển ngựa của người xà ích... là những âm thanh cuộc sống quen thuộc của nhiều người.

Từ chỗ lao động mang lại thu nhập nuôi sống gia đình những người nuôi, ngựa trở thành người bạn thân tình của giới nuôi ngựa. Ngựa được chăm sóc kỹ lưỡng, vì muốn có sức để làm lâu ngày thì cần phải bồi dưỡng cho ngựa như lúa ngâm, gạo lứt, mật đường, cám tinh và cỏ thơm. Những hôm nào có hàng chạy thì chủ phải dậy sớm cho ngựa ăn no nê và chuẩn bị thức ăn dự trữ cho ngựa ăn dọc đường. Nuôi ngựa nhàn hơn các loại gia súc khác. Ngựa ăn uống đơn giản, chỉ cần cỏ tươi là thứ có rất nhiều ở An Xuân, nước bột gạo hoặc nước mật đường. Mỗi ngày tắm ngựa, chải lông một lần.

Ngựa cũng ít bệnh tật. Bên cạnh việc chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho ngựa thì chủ nuôi cần có kỹ năng huấn luyện để đảm bảo an toàn cho người và ngựa. Qua một thời chinh chiến, ngựa ở đây được dùng nhiều để kéo, cưỡi, thồ và là nỗi đam mê rần rật của những kẻ đắm tình các giải đua mùa xuân... Nhưng rồi, qua bao thăng trầm của cuộc sống, cùng với sự phát triển của kinh tế và giao thông, ngựa thồ và những chiếc xe thổ mộ không còn nhìn thấy ở nhiều nơi như xưa nữa, kể cả những làng xã thôn quê. Và, người nuôi ngựa nay cũng đã vắng nhiều.

Vó ngựa thì thầm

Ngày trước, cách đây chừng 30 năm, xã An Xuân (huyện Tuy An) này vẫn nổi tiếng nuôi ngựa. Thôn Xuân Thành của ông Chiến có tới gần 50 hộ nuôi ngựa với hàng trăm con. Những lái buôn mang ngựa đi khắp các vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên để bán. Ngựa nhỏ tầm 6 tháng tuổi có giá khoảng 10 triệu đồng/con, ngựa từ 3 năm tuổi đã chạy thồ, kéo xe được thì từ 15-20 triệu đồng/con tùy tướng tá đẹp - xấu. Người dân trong xã sắm ngựa thồ để mưu sinh. Ai cần gì thồ nấy, từ việc nhỏ nhất như thồ sạn cát xây mồ mả ông bà, đến việc lớn hơn như thồ cây giống dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, và thồ luôn trụ phát sóng các trạm điện thoại. Ngựa thồ đủ loại, có con mã đại (ngựa lai to) thồ đến 200 kg, ngựa cỏ yếu sức chỉ thồ 100 kg. “Ngựa nhận dạng chủ giỏi lắm. Không phải chủ, nếu đến gần ép ngựa làm việc nó sẽ trở chứng, có lúc còn bị ngựa đá đau thấu xương”, ông Chiến chia sẻ.

Nói về cực nhọc nghề nuôi ngựa thồ, ông Phạm Hữu Thanh mau miệng kể, thường những nơi xe tải chịu thua thì chủ công trình mới đặt hàng cho ngựa thồ. Người và ngựa cùng mưu sinh nên cùng chia khổ với ngựa. Lúc đi lên thì ngựa thồ hàng. Khi xuống, ngựa đi không, đôi khi muốn leo lên lưng ngựa cưỡi cho đỡ mỏi chân nhưng thấy ngựa ngày nào cũng thồ hàng cực nhọc nên chủ ngựa cũng ráng đi bộ cùng. Ông Thanh cho hay: “Mỗi chuyến thồ họ trả 200.000-300.000 đồng, tùy xa gần. Xong chủ này đến chủ khác rước ngựa thồ cây giống trồng rừng kinh tế. Nhờ sức ngựa, rừng mới xanh được”.

Giờ không còn nhiều người dùng ngựa để thồ hàng nữa.

Giờ không còn nhiều người dùng ngựa để thồ hàng nữa.

Phú Yên là xứ nổi tiếng một thời với nghề nuôi ngựa, vận tải bằng xe ngựa. Nhưng nay số người theo nghề đã giảm đáng kể bởi nhiều lý do. Bây giờ, đường sá đã thông thương, thuận tiện, nhiều loại phương tiện cơ giới như xe máy, xe tải nhỏ thống trị công việc chuyên chở hàng hóa, vì thế bóng dáng ngựa thồ cũng dần thưa vắng.

Cuộc sống đổi thay, nhiều người muốn níu kéo nghề nuôi ngựa nhưng “lực bất tòng tâm”. Giờ thì cả An Xuân (huyện Tuy An) này còn lại đúng 3 hộ nuôi ngựa là ông Chiến, ông Phạm Hữu Thanh và ông Nguyễn Công Thành. Chăm chú ngựa trong chiếc chuồng nhỏ, ông Võ Văn Chiến đăm chiêu, đầy tiếc nuối. Có lần ông đã định giải nghệ, nhưng bán đi con ngựa là một điều khó khăn vì nó gắn bó với cả gia đình lâu rồi, ông đã xem nó như là một thành viên trong gia đình.

Cách trung tâm thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) về hướng Tây 15 km, cao nguyên Gò Thì Thùng (xã An Xuân) có độ cao khoảng 400 m. Nơi này hằng năm có lễ hội đua ngựa mùa xuân thu hút hàng chục ngàn người từ nhiều nơi đến theo dõi. Những chú ngựa đua nhỏ thó, những nước đua không chuyên nghiệp nhưng đó chính là nét mộc mạc và độc đáo của hội đua ngựa Gò Thì Thùng. Các kị sĩ là những nông dân chân lấm tay bùn. Kị sĩ trẻ nhất trong hội đua khoảng 18 tuổi và người lớn nhất đã trên 60 tuổi, có cả những người có thâm niên 30-40 năm đua ngựa. Như chính ông Võ Văn Chiến, dù đã quanh tuổi 70 nhưng mấy năm trước vẫn tham gia đua ngựa. Và, để năm nào ngựa An Xuân cũng sải bước ở Gò Thì Thùng thì cần lắm những tấm lòng như ông Chiến, ông Thanh hay ông Thành, để vùng đất An Xuân được nhiều người biết đến và tìm về với hội đua ngựa truyền thống mùng 9 Tết hằng năm.

Ngoài việc mỗi năm ngựa nuôi được đưa ra thi tại Gò Thì Thùng thì liệu có cách nào khác để những chú ngựa được cống hiến thêm và những người nuôi ngựa cũng có nguồn thu nhập từ ngựa. Nói về điều ấy, ông Chiến ưu tư: “Nghề nuôi ngựa, hay xe ngựa có lẽ cần được khôi phục lại như những ngành nghề khác. Dù lạc hậu trong xã hội phát triển nhưng lớp trẻ sau này cần phải biết và tự hào rằng, ở đất Phú Yên một thời xe ngựa là phương tiện vận tải hữu dụng dùng để dâng lên vua chúa. Nếu được, chính quyền các cấp có thể tổ chức nghiệp đoàn xe ngựa phục vụ lễ hội, du lịch chẳng hạn, điều mà ở nhiều nơi như phía Bắc, hay ở Đà Lạt đang làm”.

Những năm gần đây, đàn ngựa ở An Xuân, An Hiệp đang giảm đi. Nhiều người nuôi ngựa trăn trở, không biết vài năm nữa, An Xuân có còn ngựa để phục vụ hội đua truyền thống và sợ rằng, không lâu nữa, hình ảnh những chiếc xe ngựa sẽ đi vào dĩ vãng, tiếng vó ngựa như tiếng thì thầm chỉ còn vang vọng trong quá khứ.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.