Trăm năm vó ngựa thị thành: 'Bật mã ôn' thời nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những người nuôi ngựa thường tếu táo tự gọi mình là "Bật mã ôn". Dù không oai phong như Tề Thiên Đại Thánh, nhưng được sống cuộc đời trọn vẹn đam mê…

Giữa trưa ở câu lạc bộ ngựa Sài Gòn Farm (H.Bình Chánh, TP.HCM), nắng chan chát trên đỉnh đầu, Nguyễn Văn Quân (40 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) nép mình vào bóng râm tàu ngựa rồi liền tay rải cỏ vào máng ăn ở các chuồng. Mấy con ngựa thấy thức ăn liền hí lên mừng. Gần đó, Hoàng Dung (46 tuổi, cũng ngụ Q.8) đang nhẹ nhàng vuốt miếng bọt biển tắm cho cô ngựa cưng, nâng niu như chăm em bé… Họ là những người chăm sóc ngựa hiếm hoi còn sót lại giữa lòng phố thị.

Chăm ngựa hơn chăm con

Từng là tay nài chiến ở Phú Thọ, sau khi trường đua đóng cửa, Nguyễn Văn Quân về làm việc tại Sài Gòn Farm Club. Công việc của anh là tắm ngựa, xịt thuốc khử trùng chuồng trại, đỡ đẻ cho ngựa (tất cả ngựa con ở trại đều do anh đỡ đẻ) và cho ngựa ăn.

Mỗi ngày anh Nguyễn Văn Quân cùng cộng sự kiếm khoảng 300 kg cỏ tươi làm thức ăn cho ngựa

Mỗi ngày anh Nguyễn Văn Quân cùng cộng sự kiếm khoảng 300 kg cỏ tươi làm thức ăn cho ngựa

Mỗi ngày ngựa ăn 3 bữa, khoảng 10 kg cỏ (tạo chất xơ, giúp tiêu hóa tốt) và 4 kg cám thực phẩm trộn lúa (tạo cơ, giúp ngựa bền bỉ). Nhiều năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở TP.HCM đã biến các đồng cỏ thành khu dự án dân cư nên lượng cỏ ngày một hiếm. Người có thể bỏ bữa, chứ ngựa thì không. Với trại ngựa 31 con, anh Quân và các cộng sự cùng chiếc xe lôi phải cặm cụi trên khắp các đồng cỏ hoang ở quận, huyện ngoại thành mới cắt đủ hơn 300 kg cỏ/ngày.

"Ngựa dễ bị bệnh đường tiêu hóa nên phải đề phòng những cánh đồng có thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ. Mũi tôi nhạy lắm, chỉ cần đồng cỏ có mùi lạ là tôi phát hiện ra ngay", anh Quân nói.

Ngược về 6 năm trước, "Bật mã ôn" Nguyễn Văn Toàn khi ấy 22 tuổi, từ An Giang lên Bình Dương tìm việc thì có người bạn cũng chăm ngựa cho trường đua Đại Nam giới thiệu vào làm. Được khoảng 3 năm, anh qua trại ngựa Vietgangz Horse Club & Glamping rồi về trại ngựa Sài Gòn Pony Club.

Chúng tôi đến khi anh Toàn vừa dẫn con Alaska ra dượt mà nó cưỡng lại, không chịu theo. "Nó sắp bệnh rồi, chắc viêm họng", anh giải thích.

"Bật mã ôn" Nguyễn Văn Toàn

"Bật mã ôn" Nguyễn Văn Toàn

Tuy cùng là loài ăn cỏ, nhưng ngựa được chăm sóc rất khác với trâu bò. Đối với giống ngựa từ châu Âu, cần nhiều thời gian (có khi vài thế hệ) để thuần dưỡng và thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng VN. Ngày nay nuôi ngựa phức tạp và khoa học hơn trước năm 1975. Thị trường có các loại cám viên dinh dưỡng bổ sung muối khoáng cho ngựa. Đôi khi, cám dành riêng cho ngựa mẹ được trộn với kháng sinh để ngựa con bú sữa mẹ cũng được bảo vệ khỏi các bệnh nhiễm trùng.

"Loài ngựa có tập tính ở riêng nên mỗi con ở một chuồng. Mỗi ngày phải cho ngựa phơi nắng, tắm cát để trừ vi khuẩn và côn trùng trên da, dắt ngựa chạy cả chục cây số để ngựa không bị chồn chân mỏi vó. Đường ở Sài Gòn đều cấm gia súc nên chỉ loanh quanh chạy trong trại thôi. Ngựa cái khi tới mùa động dục sẽ chủ động tìm ngựa đực để giao phối. Tùy vào sức khỏe và nhu cầu phát triển đàn, chủ ngựa sẽ cho các cặp tình nhân "hót" với nhau. Mấy con ngựa chứng thì phải dượt nhiều và buộc phải "giáo dục" bằng roi vọt. Đánh nó roi nào là mình đau roi đó", anh Toàn cho biết.

Hoàng Dung đem ngựa ra Huế đóng phim

Hoàng Dung đem ngựa ra Huế đóng phim

Hoàng Dung, chủ trại ngựa Sài Gòn Farm Club, chia sẻ chăm sóc tốt cho một con ngựa chẳng khác nào chăm con mọn. Trẻ con đôi khi còn biết khóc, biết mô tả về cơn đau, còn ngựa thì không. Vì vậy, người nuôi ngựa phải hiểu tính nết từng con, quan sát ngựa vài giờ đồng hồ mỗi ngày mới có thể phát hiện và kịp chữa trị. Các trại ngựa thường liên kết với bác sĩ thú y nhưng để chủ động hơn, các "Bật mã ôn" sẽ tự xử lý bằng kinh nghiệm của mình.

"Tui chơi và sống với ngựa gần hết đời mình, biểu sao hông thương nó. Nói người ta tưởng làm quá, chứ ngựa nhấp cái chân là biết nó đau chỗ nào và phải túc trực liên tục bên chuồng. Sợ nhất khi ngựa bệnh, ngựa chết thì ngoài mất tài sản còn là nỗi buồn như mất người thân", anh Dung tâm sự.

Ngựa đua thành ngựa kiểng

Với 30 năm lăn lộn trong nghề, anh Hồ Chí Cường (40 tuổi, quê Tây Ninh) là một trong những "Bật mã ôn" kinh nghiệm nhất trong giới ngựa. Từ năm lên 10 tuổi, anh đã bắt đầu nghiệp mã phu, chăm ngựa đua cho các nài chiến ở Hóc Môn (TP.HCM). Khi Sài Gòn Pony Club (câu lạc bộ cưỡi ngựa đầu tiên ở TP.HCM ra đời được gần 20 năm) thành lập, anh về đầu quân cho đến nay.

"Bật mã ôn" lão làng Hồ Chí Cường đang cho ngựa ăn

"Bật mã ôn" lão làng Hồ Chí Cường đang cho ngựa ăn

Trước đây luyện ngựa đua, 5 giờ sáng anh phải dẫn ngựa đua đi bơi, rồi mặc áo ngựa dẫn chạy bộ để ép mỡ, luyện thể lực cho thật khỏe, nhanh, mạnh. Ngày nay, ngựa dịch vụ tuy không quá khắt khe về thể lực như trước nhưng lại yêu cầu cao hơn về đẹp và sạch. Ngoài khẩu phần ăn với cám đạt chuẩn châu Âu, đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng thì chuồng trại phải thông thoáng, có thuốc diệt côn trùng ký sinh, đuổi muỗi, ruồi, nhặng để ngựa ngủ ngon, không bị hút máu. Chuồng trại phải thường xuyên được rửa sạch bằng nước và có hệ thống xử lý phân ngựa để đảm bảo môi trường trong khu dân cư.

"Công việc này tạo nguồn thu nhập ổn định, bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, nhưng được lo chỗ ăn, ở nên hằng tháng cũng có thể gửi tiền về cho gia đình dưới quê", anh Cường cho biết.

Nghề nuôi ngựa nhiều thăng trầm. Cũng may, ngựa đua giờ thành ngựa kiểng cho thuê cưỡi trải nghiệm, chụp hình quảng cáo, đóng phim… Nhờ đó, những người như anh Cường, anh Toàn tìm được công việc tốt ở CLB Sài Gòn Pony, anh Dung, anh Quân thì có "chân chăn ngựa" ở Sài Gòn Farm nên vẫn bám trụ được nghề.

Năm ngoái, một hãng xe công nghệ đã trả 20 triệu đồng/ngày thuê con bạch mã của Hoàng Dung chạy ra đường nhằm gây sự chú ý cho khách hàng để quảng cáo. Cần tiền, anh đem con bạch mã cho một thanh niên mặc đồng phục hãng xe cưỡi ngựa trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM). Sau mấy phút người của hãng xe chụp hình, quay phim phát trực tiếp thì bị cảnh sát giao thông xử phạt. Xót chú ngựa cưng phải bị kiềm cương do sợ tiếng còi xe đã đành, Hoàng Dung còn phải ngậm ngùi đóng phạt.

"Nghĩ lại thấy mình bậy, lúc đó cần tiền nên làm vậy thôi. Nếu hỏi tôi có nản với nghề chăn ngựa không thì không, vì những con ngựa chính là cuộc đời tôi rồi," anh Hoàng Dung khẳng định. (còn tiếp)

Dọc ngang xe ngựa một thời

Đầu thế kỷ 20, xe thổ mộ (phỏng theo kiểu xe ngựa của Pháp) là phương tiện giao thông rất phổ biến ở Sài Gòn, lên đến hàng ngàn chiếc. Người hành nghề "xà ích" (từ gốc tiếng Mã Lai nghĩa là điều khiển xe ngựa) phải thi và đăng ký xe ngựa. Trên xe ngựa phải có chuông và đèn (đốt bằng khí đá), gầm xe phải có bao đựng phân ngựa để không làm rơi vãi ra đường. Ngày đó, những chợ lớn như Bến Thành, Cầu Muối, Chợ Lớn… đều có bến xe ngựa. Bên hông chợ Tân Định có đường nhỏ tên Mã Lộ (nay vẫn còn) là nơi xe ngựa thường đậu để đón khách. Do xe ngựa phổ biến nên thời đó còn có những nghề liên quan như nghề xén lông ngựa, đóng xe ngựa, đóng móng sắt… Dọc rạch Nhiêu Lộc có bến Tắm ngựa. Ở Chợ Lớn (góc đường Hải Thượng Lãn Ông và Đỗ Ngọc Thanh) còn có kinh bến Tắm ngựa (nay đã bị lấp) là nơi nghỉ ngơi và tắm ngựa của dân chạy xe thổ mộ.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.