Tiếng ếch đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau những cơn mưa rấm rích đủ gieo sạ, đến dịp cây lúa bén rễ đẻ nhánh thì có mưa lớn. Mưa lấp xấp mặt ruộng. Đầu hôm, ếch kêu râm ran cả cánh đồng. Bọn ếch đồng qua những trận mưa đầu mùa đã thức tỉnh sau những tháng dài “ngủ đông” trong các hang kín. Chúng chui ra đồng, ra bãi kiếm cái ăn, nạp năng lượng cho một mùa sinh đẻ. 
Người xưa có câu: "Ếch tháng ba, gà tháng tám", đó là mùa gầy đói. Ếch tháng ba vừa qua thời kỳ "ngủ đông" chỉ còn cái xác nên ít người bắt. Gà tháng tám, mùa đồng trắng nước trong thiếu thóc lúa, chỉ ăn cầm chừng qua ngày nên không giết thịt.
Từ tháng năm trở đi, ếch đồng đã đẫy đà mập mạp vàng hươm, tích đầy bụng trứng. Mưa đêm là màn hò hẹn của loài ếch!
Khuya, màn đêm tĩnh lặng, cả miền quê như chìm trong giấc ngủ sâu. Trên cánh đồng lúa, tiếng ếch cũng đã im bặt. Đó là lúc người dân quê đi soi ếch. Dụng cụ là một cái nơm nhỏ, một cái đèn đất. Cái nơm tre loại nhỏ dùng chụp ếch hoặc bất cứ loài cá nào bắt gặp trong đêm. Đèn đất để soi sáng mặt đất mặt nước. Người ta thường đi bắt ếch khi chúng bắt đầu im tiếng, say sưa ôm nhau không còn biết sợ. Một đêm đi soi như vậy còn bắt được đủ loại, cá, lươn, cua đồng... nhưng nhiều nhất vẫn là ếch say mưa.
Đó là cách soi ếch của người lớn, thức khuya, đi đêm không sợ ma. Còn bọn trẻ miền rừng bán sơn địa lại có những dịp bắt ếch ban ngày không kém phần thích thú. Đang ban trưa oi nồng, trời đổ một cơn mưa lớn. Ruộng lúa đang thì con gái, nước lấp xấp ngập bàn chân. Mưa nhỏ dần, tiếng ếch rõ hơn, râm ran khắp đồng. Độ tiếng sau thì mưa ngớt, tiếng ếch cũng im bặt. Những đứa trẻ trâu xách oi xách đụt lội đồng. Đúng lúc ấy, những con ếch say ôm nhau như bị thôi miên mê dại. Chỉ việc lội và nhặt từng cặp ếch béo mượt phơi ra giữa ban ngày bỏ giỏ.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Dân gian có câu: “Ếch xào cà, gà xào măng”. Cái món quê ấy quá độc đáo. Ếch xào cà béo ngậy, thịt trắng mỡ màng. Da ếch xào săn chắc sần sật. Nhưng cái món giết thịt ếch thì tôi cứ ám ảnh mãi. Khi cầm ngang thắt lưng, chặt đầu lột da, con ếch nào cũng đưa hai tay lên đầu lạy! Người xưa có câu: “Đi tu mà chẳng trọn đời, thành ra con ếch cho người lột da!”. Câu ca ấy thanh minh cho việc giết ếch để hóa kiếp, giảm nhẹ đi cảm giác tàn ác khi chặt đầu lột da những con ếch sống. Ấy thế mà đến tận bây giờ khi nghĩ lại, hình dung lại tôi vẫn cứ ghê ghê. Thương những con ếch bị bắt khi say tình, bị lột da khi còn sống khỏe.
Hình dung vậy và chợt nhớ những tiếng ếch đồng nôn nao suốt tuổi thơ khốn khó. Dàn nhạc đồng quê ấy cứ lưu mãi trong ký ức, đi suốt cuộc đời!
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.