Theo dấu chân phóng viên du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có những câu chuyện của phóng viên viết mảng du lịch sẽ không thể kể lại nếu chưa từng bước qua.

Như cái lạnh tê tái lúc 4 giờ sáng giữa lưng chừng đường lên đỉnh Kon Ka Kinh, khi rừng già còn ngái ngủ và mây phủ kín rừng. Hay như lần đi bộ hàng chục cây số giữa rừng nguyên sinh Kon Chư Răng để chiêm ngưỡng thác K50-nơi tiếng nước đổ ầm ào như đánh thức sự thinh lặng của rừng già...

Những chuyến đi ấy không chỉ là hành trình của một người yêu trekking, mê xê dịch mà còn là con đường của một phóng viên viết mảng du lịch chọn để đến gần hơn với thiên nhiên, văn hóa và con người.

4t.jpg
Để có được những hình ảnh đẹp về du lịch Gia Lai, phóng viên liên tục "xách balo lên và đi".

Những vùng đất được đánh thức

Tôi còn nhớ như in lần đầu đặt chân đến núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) cách đây hơn 10 năm. Khi ấy, nơi này chưa có tên trên bản đồ du lịch, như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Không biển hiệu, không lối mòn dành cho du khách, chỉ là vùng đất nguyên sơ phủ đầy hoa dã quỳ vàng rực dưới nắng. Người rủ tôi đi hôm ấy là anh Tiến Thành cùng lời nhắn “Chỗ này đẹp lắm, chưa ai biết đâu”. Tôi đi theo như một cuộc phiêu lưu không định trước và sững sờ trước vẻ đẹp choáng ngợp của một miệng núi lửa đã ngủ yên hàng triệu năm.

images2544526-nui-lua-chu-dang.jpg
Núi lửa Chư Đang Ya

Anh Tiến Thành là người đầu tiên chụp bộ ảnh về núi lửa Chư Đang Ya đăng trên mục du lịch của Báo Tuổi Trẻ. Tôi theo sau với loạt bài viết và hình ảnh về nơi này đăng trên Báo Gia Lai. Không ngờ, từ một chuyến đi tình cờ, Chư Đang Ya dần trở thành “hiện tượng”, đồng thời được ngành du lịch quan tâm, quảng bá. Ngọn núi này sau đó được xếp vào top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Gia Lai, lọt vào danh sách những núi lửa đẹp nhất thế giới do báo chí quốc tế bình chọn.

Và, tôi học được một điều không thể nào quên: Trong nghề báo, đừng bao giờ nghĩ mình biết đủ, dù bạn vào nghề trước người khác. Cái nhìn mới, sự phát hiện tinh tế và dũng cảm đi trước một bước là những điều tôi học được từ đồng nghiệp. Và tôi biết, chính tinh thần cầu thị, không ngừng học hỏi đã giữ mình bước tiếp với nghề suốt những năm qua.

2t.jpg
Trên đường khảo sát đỉnh Chư Nâm–nơi được kỳ vọng là điểm sáng du lịch mới của tỉnh, phóng viên đồng hành để ghi lại từng bước chân khám phá.

Tôi cũng từng chinh phục đỉnh Chư Nâm (huyện Chư Păh) cùng một số người bạn khi nơi này còn chưa có đường, chưa ai nghĩ đến chuyện mở tour hay cắm trại. Nằm bên cạnh núi lửa Chư Đang Ya quá xinh đẹp, Chư Nâm như một gã khổng lồ xù xì nên không mấy ai chú ý. Nhưng mỗi lần lên Chư Nâm, đêm nằm trên đỉnh núi nghe tiếng gió lùa, cảm giác mở cửa lều đã có thể với tay hái những vì sao, tôi đã bị gã khổng lồ Chư Nâm mê hoặc.

Những bài viết và hình ảnh tôi thực hiện về ngọn núi này dần lan tỏa, đánh thức sự quan tâm của cộng đồng mê trekking. Bây giờ, Chư Nâm đã có tên trên bản đồ du lịch của tỉnh, được các đơn vị lữ hành khai thác với tour “Đi để thấy đường chân trời”, đồng thời là cung đường chạy trail, trekking tuyệt đẹp cho người mê thể thao. Chứng kiến sự “thức giấc” của Chư Nâm, tôi thấy nghề báo càng có ý nghĩa. Bởi đôi khi, chỉ cần một bài viết đúng lúc, một tấm hình chạm đến cảm xúc, một vùng đất có thể được đánh thức, bước ra ánh sáng.

6t-3543.jpg
Giữa đại ngàn Kon Ka Kinh, phóng viên dừng chân dưới gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong một chuyến tác nghiệp khảo sát du lịch

Có một hành trình nữa, gian nan hơn, khắc nghiệt hơn, nhưng cũng đáng nhớ hơn, đó là chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh-nóc nhà của Gia Lai. Tôi tham gia đoàn khảo sát tour cùng một đơn vị lữ hành, với nhiệm vụ “viết lại cung đường”. Cung trekking này không dành cho người yếu thể lực với độ cao 1.748 m, rừng nguyên sinh rậm rạp, dốc dựng đứng và những tốp vắt bắn lên như pháo hoa khi bước chân chạm lên tầng lá mục. Thời gian dự kiến chinh phục cung đường này là 3 ngày 2 đêm nhưng đơn vị khảo sát muốn rút ngắn hành trình xuống 2 ngày 1 đêm để thử sức dân trekking chuyên nghiệp.

1pv.jpg
Để có được những hình ảnh rừng phủ đầy rêu trên đỉnh Kon Ka Kinh, phóng viên phải có sức khỏe để chinh phục một trong những cung trekking khó nhất trên bản đồ du lịch tỉnh

Tôi vẫn nhớ cảm giác 2 ngày sau leo núi, sáng dậy phải... nhấc từng chân xuống giường. Nhưng, tất cả được đền đáp khi đứng giữa rừng trúc phủ đầy rêu xanh trên đỉnh núi hay những thân cây cổ thụ với đủ hình thù kỳ dị tạo khung cảnh siêu thực như bước ra từ một bộ phim giả tưởng. Dù tour này chưa thể khai thác đại trà, nhưng tôi tin Kon Ka Kinh là một viên ngọc thô chờ ngày bừng sáng. Một ngày không xa, Kon Ka Kinh và cả những viên ngọc ẩn mình trong Vườn Quốc gia sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhiều đối tượng du khách.

Xê dịch và những trải nghiệm sống

Cũng từ tình yêu dành cho trekking và khám phá thiên nhiên, tôi có dịp trải nghiệm thảo nguyên Palsol-vùng đất rộng lớn, ít người biết đến, nằm giữa ranh giới 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Nơi đây mang vẻ đẹp nguyên sơ với hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng, trải dài qua những triền đồi và cỏ xanh. Hành trình trekking kéo dài hàng chục km băng qua những địa hình đa dạng.

5t.jpg
Giữa lưng chừng thảo nguyên Palsol, mỗi bước chân là một lát cắt sống động cho bài viết sắp tới.

Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất là hoàng hôn trên bãi camping giữa Palsol. Ánh sáng đỏ rực như lửa lướt trên sóng cỏ giữa thảo nguyên và nhanh chóng chìm sâu vào đường chân trời. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi ngồi bên bếp lửa cùng ly trà nóng, dưới bầu trời sao, trải nghiệm đời sống du mục giữa thảo nguyên. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những ai dám đi, dám sống và khám phá giới hạn của bản thân. Những khoảnh khắc ấy cũng khiến tôi thầm cảm ơn nghề báo cho mình thêm nhiều cơ hội được đặt chân đến những vùng đất nguyên sơ, đẹp đẽ như vậy.

de-co-duoc-hinh-anh-hoang-hon-tren-thao-nguyen-palsol-phong-vien-phai-trekking-tong-quang-duong-gan-15km.jpg
Để có được hình ảnh hoàng hôn trên thảo nguyên Palsol, phóng viên phải trekking quãng đường gần 15km

Nhắc đến du lịch Gia Lai, sẽ là thiếu sót nếu không nói về thác K50 nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Nơi đây cùng với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là 2 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng, không chỉ có giá trị bảo tồn sinh học mà còn là kho báu du lịch đầy tiềm năng. Tôi đã có nhiều bài viết về thác K50, từng lắng nghe những bài đánh giá, chia sẻ từ chính những du khách lần đầu chạm tới vẻ đẹp kỳ vĩ của nó.

Nhờ truyền thông, báo chí, những thắng cảnh của Gia Lai như Chư Đang Ya, Chư Nâm, Kon Ka Kinh hay thác K50 được nhiều người biết đến, chạm đến trái tim người yêu thiên nhiên khắp mọi nơi. Có thể ví mỗi tour trekking như một hành trình của cảm xúc, vừa hùng vĩ, sôi động, vừa tĩnh lặng và chữa lành.

6t.jpg
Giữa biển mây và sương núi, những phút nghỉ ngơi giản dị bên cốc trà nóng là điều níu giữ người ta với nghề.

Là một phóng viên viết mảng du lịch, tôi nhận ra rằng nếu không xê dịch, không có những chuyến băng rừng, lội suối và trải nghiệm nỗi đau cơ bắp, vắt cắn, ngủ dưới trời đêm trong cái lạnh buốt của núi rừng, sẽ không thể viết được những bài báo khiến độc giả “muốn xách ba lô lên và đi”. Nhờ những trải nghiệm thực tế, tôi chia sẻ với bạn đọc qua từng câu chuyện, từng khung hình. Vậy nên, nghề báo không chỉ là đưa tin, mà còn là hành trình lan tỏa cảm hứng, kết nối con người với thiên nhiên.

Có thể bạn quan tâm

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

Chuyện về những nhà báo không chuyên

Chuyện về những nhà báo không chuyên

(GLO)- Dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng bằng nhiệt huyết, nhiều cộng tác viên của Báo Gia Lai vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề báo, cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đời sống ở cơ sở trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn trong việc lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng.

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Vui buồn phóng viên cơ sở

Vui buồn phóng viên cơ sở

(GLO)- Với đội ngũ phóng viên ở cơ sở-những người đang công tác tại các trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao (VH-TT-TT), việc vừa khai thác thông tin, chụp ảnh, quay phim, viết tin bài, dựng hình, đọc phát thanh... là chuyện thường ngày.

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Độc đáo bộ tem thông tin liên lạc - xưa và nay

Thông tin liên lạc xưa và nay - Bộ tem như tái hiện quá trình phát triển của ngành viễn thông và báo chí, đưa chúng ta quay trở về những ký ức từ thưở sơ khai với con tem đầu tiên dán trên bức thư tay gói giấy cho đến các hình thức liên lạc, các loại hình báo chí hiện đại như ngày nay.

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

“Tiếp nối truyền thống 100 năm với tinh thần đổi mới, dấn thân và trách nhiệm”

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu” và trao Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ XIV diễn ra vào chiều 17-6 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

100 năm đồng hành cùng dân tộc

100 năm đồng hành cùng dân tộc

(GLO)- Chúng ta tự hào đã có một nền Báo chí cách mạng với thế hệ những nhà báo-chiến sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, với hơn 500 nhà báo là liệt sĩ, nhiều nhà báo mang thương tật suốt đời nhưng vẫn không ngừng lao động, cống hiến cho đất nước, Nhân dân.

 Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

Siu Thu - “Giọng đọc không tuổi”

(GLO)- Phát thanh viên là người góp phần làm nên chiều sâu cảm xúc cho khán thính giả. Có những giọng đọc qua năm tháng đã trở thành ký ức trong lòng người nghe. Trong số đó, biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Bahnar Siu Thu của Báo Gia Lai được ví là “giọng đọc không tuổi”.

null