Tiến sĩ miệt vườn giúp nông dân thay đổi sinh kế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có lẽ hàng chục ngàn hộ gia đình ở Chợ Lách luôn biết ơn TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách (Bến Tre), vì các đề án, kế hoạch, thực nghiệm của ông và cộng sự đã làm thay đổi tích cực sinh kế của họ.

Hầu hết nhà vườn miền Tây, miền Đông đều ít nhiều biết tới TS Bùi Thanh Liêm, người có hiểu biết thâm hậu về cây trồng, sẵn sàng hỗ trợ giải pháp khi nhà vườn gặp khó và liên hệ nhờ hỗ trợ. Song, ai cũng thắc mắc vì công lao của ông có thể nói là "không tiền khoáng hậu", nhưng hơn 20 năm qua, ông vẫn làm Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách.

Khát vọng bỏ lúa, lên vườn

TS Bùi Thanh Liêm là con thứ 5 trong một gia đình nông dân có 8 anh chị em ở xã Vĩnh Bình, H.Chợ Lách. Năm 1984, ông tốt nghiệp ngành trồng trọt Trường ĐH Cần Thơ và được giữ lại làm công tác giảng dạy. Hơn 1 năm sau, ông nhập ngũ vào bộ đội tình nguyện VN, tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Gần 3 năm sau, ông xuất ngũ, trở về tiếp tục giảng dạy tại Trường ĐH Cần Thơ. Tuy nhiên, hơn 1 năm sau đó, ông Liêm quyết định khăn gói trở về quê nhà để nghiên cứu, thực nghiệm với khát vọng "bỏ lúa, lên vườn", giúp đời sống người dân quê nhà khá hơn.

TS Bùi Thanh Liêm đã có hơn 20 năm ở vị trí Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách

TS Bùi Thanh Liêm đã có hơn 20 năm ở vị trí Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách

"Chợ Lách nước ngọt quanh năm, rất thích hợp phát triển kinh tế vườn. Thế nhưng, năm 1988, khi tôi về thì chỉ có một khu vực nhỏ ở xứ Cái Mơn (gồm các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Long Thới, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Hưng Khánh Trung của H.Chợ Lách - PV) trồng hoa kiểng cổ, một ít vườn cây ăn trái. Trong khi đó, hầu hết diện tích đất nông nghiệp còn lại của H.Chợ Lách với hơn 8.500 ha đều trồng lúa và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chủ trương cấm chuyển đổi đất lúa lên vườn cây ăn trái. Lúc đó, tôi được bố trí công việc thuộc quản lý của Phòng NN-PTNT, tình thế đó là thách thức rất lớn đối với tâm huyết bỏ lúa lên vườn của tôi", TS Liêm nhớ lại.

Năm 1992, dù chủ trương cấm chuyển đổi lúa lên vườn vẫn còn hiệu lực, nhưng TS Liêm được lãnh đạo H.Chợ Lách giao soạn thảo Đề án phát triển kinh tế vườn. "Đó là một dấu mốc quan trọng và giúp tôi như trút hết ưu tư, bởi đa số lãnh đạo huyện đều đồng tình về sự phù hợp để phát triển kinh tế vườn tại địa phương. Sau khi đề án được cấp thẩm quyền thông qua và triển khai ra dân, chỉ trong vài năm, toàn bộ diện tích đất lúa được người dân chuyển lên vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng… Thế nhưng, hành trình gian truân và những quả ngọt nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của tôi mới thực sự bắt đầu từ đây", TS Liêm chia sẻ.

Từ 'ông mụ' hoa chôm chôm đến điều tiết mùa vụ

Sau khi chuyển đổi lên vườn, khoảng năm 2000, H.Chợ Lách có khoảng 5.500 ha chôm chôm. Thế nhưng, không chỉ hoa chôm chôm ở Chợ Lách mà các khu vực khác tại miền Tây, miền Đông Nam bộ đều chịu cảnh hoa cái nhiều hơn hoa đực nên không đậu trái được, dẫn đến nhà vườn có ý định đốn bỏ. Trong 3 năm, kỹ sư Bùi Thanh Liêm được hàng trăm nhà vườn giao phó để ông và các đồng sự ở tại vườn nghiên cứu đề tài "Đậu trái trên cây chôm chôm". Ông đã thành công khi tạo ra được hỗn hợp hóa chất sinh trưởng để điều hòa lượng hoa đực và hoa cái trên cùng một cây chôm chôm và thành quả này được các nhà vườn áp dụng rộng khắp. Đó cũng là đề tài được ông bảo vệ thành công trong luận văn thạc sĩ của mình.

Ông Nguyễn Thanh Phong (bìa trái), người vừa công bố giống sầu riêng Tiểu Long tại Chợ Lách, khẳng định hầu hết các hoạt động của ông đều nhờ sự hướng dẫn tận tình của TS Liêm (thứ 3 từ trái qua)

Ông Nguyễn Thanh Phong (bìa trái), người vừa công bố giống sầu riêng Tiểu Long tại Chợ Lách, khẳng định hầu hết các hoạt động của ông đều nhờ sự hướng dẫn tận tình của TS Liêm (thứ 3 từ trái qua)

Ngày nay, người tiêu dùng cả nước không lạ gì với thương hiệu "trái cây Cái Mơn" nhưng không nhiều người biết về những khó khăn trong thời kỳ đầu phát triển, nhất là tình trạng trái sầu riêng bị sượng… Trong đó, ông Liêm đã phải mất 6 năm nghiên cứu, thực nghiệm mới thành công với đề tài "Nâng cao chất lượng trái sầu riêng". Sau đó, các kỹ thuật của ông được phổ biến, nhà vườn áp dụng rộng khắp. Đây cũng là đề tài luận văn tiến sĩ mà ông bảo vệ thành công năm 2015.

Điệp khúc "được mùa mất giá" là nỗi ám ảnh kinh niên của nông dân. Để giúp nhà vườn Chợ Lách thoát khỏi tình cảnh này, TS Liêm vừa học tập kinh nghiệm từ nhiều nơi, nhiều nước vừa thực nghiệm nghiên cứu bằng cách tạo khô hạn ở gốc cây, can thiệp thuốc… với các mô hình "Xử lý cho trái chôm chôm, sầu riêng nghịch vụ" hay "Điều tiết mùa vụ" cũng đã thành công, được nhân rộng và đông đảo nhà vườn áp dụng thành công. Đến nay, hầu hết nhà vườn ở Chợ Lách đều nắm được các kỹ thuật này và có thể tự xử lý để cây chôm chôm, sầu riêng cho trái đúng vào thời gian mong muốn nhằm bán được giá cao hơn khi thu hoạch.

Những năm đầu thập niên 1990, nhiều nhà vườn Chợ Lách đã bắt đầu sản xuất cây giống, nhưng với các kỹ thuật tạo cây giống kiểu cũ như chiết nhánh trên cây có múi, ghép da (biểu bì)… thì nghề này cũng chỉ quanh quẩn, không phát triển hơn được. Mãi đến khi Phòng NN-PTNT H.Chợ Lách do TS Liêm quản lý cùng một số nhà vườn tại địa phương đi học tập ở nhiều nơi để nâng tầm thì xứ này mới vươn mình trở thành nơi sản xuất cây giống lớn nhất cả nước, sản lượng hiện nay khoảng 40 triệu cây giống/năm.

Muốn có thành tích để được… 'ngồ' ghế cũ

Mặt khác, TS Bùi Thanh Liêm khiến nhiều người cảm thấy lạ vì những thành tích trong công tác không phải là thế mạnh để ông lên chức, mà lại chính là điều kiện để ông được ở lại vị trí Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách.

TS Liêm (thứ 2 từ trái qua) đã nhận giảng dạy thực nghiệm trên cây trồng cho nhiều lớp do các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức

TS Liêm (thứ 2 từ trái qua) đã nhận giảng dạy thực nghiệm trên cây trồng cho nhiều lớp do các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức

Tháng 9.2024, TS Liêm sẽ nghỉ hưu sau hơn 20 năm làm Trưởng phòng NN-PTNT và hơn 30 năm gắn bó với ngành nông nghiệp. Đây là một trường hợp trưởng đầu ngành cấp huyện "có một không hai" vì thông thường, theo quy định, một cán bộ công chức chỉ làm trưởng đầu ngành liên tục lâu nhất là 2 nhiệm kỳ (tức 10 năm).

"Tôi chưa từng dao động trước những lời đề nghị chuyển lên các cơ quan, ban ngành cấp trên đơn giản vì tôi yêu thích công việc làm chuyên môn nghiên cứu và đồng hành với bà con nhà vườn tại quê nhà của mình. Được ở lại vị trí công tác này, tôi phải dặn mình luôn cố gắng tạo ra thành tích xuất sắc, rồi dùng những thành tích đó tạo động lực để lãnh đạo không luân chuyển công tác của tôi sang đơn vị khác. Với tôi, cuộc sống như thế là đủ rồi", TS Liêm bộc bạch.

Ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND H.Chợ Lách, cho biết trong lịch sử hành chính ở H.Chợ Lách nói riêng hay tỉnh Bến Tre nói chung thì trường hợp "ngồi ghế trưởng phòng" hơn 20 năm của TS Bùi Thanh Liêm là duy nhất tính tới thời điểm này. "Anh Liêm có chuyên môn sâu, yêu thích công việc nghiên cứu và rất gần gũi với các nhà vườn trên toàn huyện. Ngành nông nghiệp Chợ Lách có được sự phục vụ của anh Liêm trong hơn 30 năm qua là một sự may mắn và đóng góp của anh ấy rất nhiều", ông Linh nhận xét.

Trong khoảng 10 năm qua, TS Bùi Thanh Liêm đều đặn xuất hiện trong các chương trình khuyến nông, hỏi đáp trực tiếp về cây trồng của nhiều đài truyền hình khu vực miền Tây. Vị TS luôn nhỏ nhẹ và thấu đáo khi trò chuyện, trao đổi cùng nông dân cho hay ông sẽ tiếp tục hoạt động này sau khi về hưu, đồng thời nhận dạy thực nghiệm trên cây trồng cho sinh viên đại học…

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.