Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: 'Quan điểm của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, tiêu cực là nhất quán'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói, đọc những bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ những năm 1973 có thể thấy sự trăn trở của Tổng Bí thư về xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng khi đó, với những suy nghĩ, hành động hiện nay là nhất quán, xuyên suốt.

Sáng 2.2, Ban Nội chính T.Ư phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức lễ ra mắt cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Việc xuất bản sách mang tên Nguyễn Phú Trọng là điều Tổng Bí thư không hề mong muốn"

Các lãnh đạo Đảng cùng đại diện nhà xuất bản bấm nút phát hành cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Các lãnh đạo Đảng cùng đại diện nhà xuất bản bấm nút phát hành cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Báo cáo về quá trình biên soạn cuốn sách, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học cho biết, cuốn sách với hơn 600 trang tập hợp, hệ thống lại những bài viết có giá trị lý luận và thực tiễn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cuốn sách còn có 111 bức ảnh của Tổng Bí thư, trong đó có những bức ảnh lần đầu tiên được công bố.

Ông Học cũng cho biết, quá trình biên soạn cuốn sách, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Lê Minh Hưng, lãnh đạo Ban Nội chính T.Ư và nhiều nhà khoa học đã có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, cụ thể về ý tưởng, nội dung, kết cấu, hình thức của cuốn sách.

Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc đã soát xét kỹ lưỡng từng phần, trực tiếp chỉnh sửa nhiều lần; khi cuốn sách đã được chuyển đến nhà in vẫn tiếp tục rà soát, báo cáo, xin ý kiến Tổng Bí thư để chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung quan trọng.

"Trong nhiều lần trao đổi với Tổ biên soạn, điều mà đồng chí Tổng Bí thư băn khoăn, cân nhắc nhiều nhất là cuốn sách mang tên mình. Mặc dù hầu như toàn bộ nội dung cuốn sách là của đồng chí Tổng Bí thư nhưng việc xuất bản sách mang tên Nguyễn Phú Trọng là điều đồng chí không hề mong muốn. Đồng chí không muốn tự đề cao vai trò cá nhân mình, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", ông Học nói.

Theo ông Học, sau đó khi Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc trực tiếp báo cáo, đề xuất và việc biên soạn cuốn sách do Ban Nội chính T.Ư chủ trì, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện thì Tổng Bí thư đã đồng ý.

Ông Học cũng thông tin, cuốn sách của Tổng Bí thư được phát hành với số lượng gần 55.000 cuốn, cấp phát cho các cơ quan ở T.Ư và các địa phương.

"Sự nhất quán giữa nói và làm; sự kiên trì, đấu tranh không ngừng nghỉ"

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ ra mắt. Ảnh: TTXVN

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ ra mắt. Ảnh: TTXVN

Đánh giá cao việc Ban Nội chính cùng các cơ quan liên quan biên soạn, phát hành cuốn sách, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, nội dung những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư trong cuốn sách này được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Bên cạnh đó, cuốn sách cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm; sự kiên trì, đấu tranh không ngừng nghỉ; sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày thêm trong sạch, vững mạnh.

Theo ông Thưởng, nếu đọc lại những bài viết mà Tổng bí thư viết từ năm 1973 và một vài năm sau đó được in trong cuốn sách, có thể thấy những trăn trở của Tổng Bí thư khi đó với những suy nghĩ, hành động bây giờ là nhất quán, xuyên suốt.

"Nhiều người lúc chưa có chức vụ thì nói một kiểu, nhận chức vụ xong rồi thì có thể nói một cách khác. Nhưng đọc các bài viết của Tổng Bí thư thì thấy sự nhất quán này. Đây là điều rất đáng trân trọng của người đứng đầu Đảng ta", ông Thưởng nhấn mạnh.

Khẳng định cuốn sách là tài liệu rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, có thể coi là "cẩm nang" về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, tổ chức đảng sớm tuyên truyền sâu rộng nội dung cuốn sách đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và nhân dân.

Cuốn sách của Tổng Bí thư dày 612 trang, kết cấu thành 3 phần:

Phần thứ nhất từ trang 11 đến trang 206, có tiêu đề “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, gồm bài viết tổng quan; 4 bài phát biểu kết luận tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022 và trích kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo từ năm 2013 đến năm 2022.

Phần thứ hai từ trang 207 đến trang 522, có tiêu đề là “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, gồm 22 bài viết, bài phát biểu được tuyển chọn từ hơn 500 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Phần thứ ba từ trang 523 đến trang 619, có tiêu đề “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tuyển chọn 96 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư.

Có thể bạn quan tâm

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình chị Nay H'Nỡi (thứ 7 từ trái sang, buôn Hiao, xã Chư Băh). Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa lan tỏa tinh thần tương thân tương ái từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Phát huy truyền thống tương thân tương ái, thị xã Ayun Pa, Gia Lai đã vận động người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”. Nhiều ngôi nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng, hàng trăm gia đình được giúp đỡ, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.