"Thức" cùng... cao tốc - Kỳ 1: Từ chủ trương đến bàn nghị sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đắk Lắk có đường cao tốc, cử tri hân hoan ngay từ khi đón nhận thông tin về chủ trương và gửi gắm nhiều kỳ vọng khi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được khởi công.

Thay mặt cử tri, cùng đóng góp trí tuệ, tâm sức cho quyết định “khai sinh” và giám sát theo dõi quá trình thực hiện dự án này có vai trò quan trọng của các đại biểu, cơ quan dân cử.

Chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có ý nghĩa mang tầm chiến lược. Với một dự án hệ trọng, các đại biểu, cơ quan dân cử đã phát huy vai trò, trách nhiệm, sâu sát trong công tác thẩm tra, sắc sảo trong nội dung chất vấn, đề nghị giải trình làm rõ, làm cơ sở để Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án này.

Ngày 31/3/2022, theo Thông báo kết luận số 702-TB/BCSĐCP, Ban cán sự đảng Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết và chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc: Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu. Về cơ chế đặc thù, thống nhất giao các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đi qua địa bàn (cân nhắc thêm đoạn nằm giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk có công trình hầm lớn, cầu có trụ cao, yêu cầu kỹ thuật phức tạp do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản).

thi-congg.jpg
Thi công hầm Phượng Hoàng, hầm đầu tiên trên cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đàm Minh Hoàng

Sâu sát trong thẩm tra báo cáo tiền khả thi

Trên cơ sở Tờ trình số 155/TTr-CP, ngày 30/4/2022 của Chính phủ, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) (gọi tắt là Tờ trình số 155), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thực hiện thẩm tra một cách chặt chẽ, toàn diện, sâu sát. Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030. Đặc biệt, đối với khu vực Tây Nguyên đến nay vẫn chưa có tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Ủy ban Kinh tế cũng đã phát hiện, chỉ ra nhiều nội dung cần làm rõ để bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả lâu dài của dự án. Đơn cử, theo quy hoạch được phê duyệt điểm đầu tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là tại Cảng Nam Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), nhưng theo Tờ trình số 155 của Chính phủ thì điểm đầu là tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1A khu vực Cảng Nam Vân Phong. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ để bảo đảm phù hợp quy hoạch của ngành, địa phương có liên quan, đặc biệt là kết nối thuận lợi cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics…; lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Theo Nghị quyết số 58/2022/QH15, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 21.935 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án gồm 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Chính phủ đề xuất đầu tư phân kỳ dự án với quy mô 4 làn xe và một số đoạn có bề rộng nền đường 17m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp). Một số ý kiến cho rằng quy mô như vậy sẽ không bảo đảm an toàn giao thông khi khai thác và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn làm giảm hiệu quả đầu tư, chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729:2012) về đường ô tô cao tốc. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần báo cáo cụ thể hơn về quy mô đầu tư phân kỳ và làm rõ phương án mở rộng trong giai đoạn hoàn chỉnh cụ thể của dự án.

Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một trong những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm xem xét, quyết định việc chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật lâm nghiệp để bảo đảm tiến độ; làm rõ về sự phù hợp nhu cầu sử dụng đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương thuộc phạm vi dự án.

Đối với nội dung cho phép phân chia các dự án thành phần theo địa giới hành chính các tỉnh có dự án đi qua, để thuận lợi cho việc phân cấp, Chính phủ kiến nghị phân chia dự án thành phần theo nguyên tắc nằm trên địa bàn một tỉnh. Tuy nhiên, với lý giải việc phân chia các dự án thành phần như vậy sẽ không bảo đảm điều kiện vận hành độc lập của các dự án thành phần, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ giải pháp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cho toàn bộ dự án và thuận lợi cho việc quản lý, khai thác, vận hành, thu phí về sau. Đồng thời đề nghị chỉ nên giao cho một cơ quan có kinh nghiệm chủ trì thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của dự án.

“Nóng” trên nghị trường

Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, đại biểu đã thảo luận, xem xét và có đến 144 lượt ý kiến tại tổ, 37 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1). Ý kiến của đại biểu khá toàn diện xoay quanh các vấn đề về phân chia các dự án thành phần, hình thức đầu tư, phân kỳ đầu tư, xác định hướng tuyến và phương án thiết kế… Trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện sự nghiêm túc, kỹ lưỡng trong nghiên cứu, phân tích, kiến giải, đề xuất.

Đáng chú ý, về phương án thiết kế điểm dừng xe khẩn cấp, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng thiết kế bố trí điểm dừng xe khẩn cấp thay vì làn dừng khẩn cấp liên tục là chưa hợp lý. Trong trường hợp không có đủ kinh phí làm làn dừng xe khẩn cấp liên tục, cần tính toán lại để làm các hạng mục gồm hộ lan nhựa di động và các thùng nhựa chuyên dụng đựng đầy nước; cứ 20 km sẽ là một lối rẽ và có một khu vệ sinh công cộng cho lái xe, hành khách. Trong một đoạn dài và dựa vào quy hoạch, nếu còn dư vốn sẽ tạo thêm các lối rẽ chờ để sau này thuận lợi cho việc kết nối giao thông với các tuyến đường khác.

2daklak.jpg
Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng lưu ý về hướng tuyến của đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là hướng Đông Đông Nam đến Tây Tây Bắc. Như vậy hướng buổi chiều đi lên Buôn Ma Thuột sẽ rất chói nắng và tùy theo mùa trong năm hướng mặt trời cũng thay đổi. Đại biểu đề nghị trong thiết kế phải ưu tiên lợi thế tự nhiên của đồi núi, cây xanh, đặc biệt là qua các đường cong; có kế hoạch trồng cây che nắng.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết: Mặc dù khó khăn nhưng tỉnh Đắk Lắk cam kết đối ứng 50% chi phí giải phóng mặt bằng đối với các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh và bảo đảm bố trí vốn cam kết của tỉnh theo đúng tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Trong trường hợp tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ bố trí tăng tương ứng theo tỷ lệ 50%. Khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua, được Thủ tướng Chính phủ phân công làm chủ đầu tư dự án thành phần, tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền.

Sau khi lắng nghe tiếp thu, chỉnh lý và giải trình, với 467/468 đại biểu tham gia biểu quyết đã tán thành (chiếm 93,78%), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

(Còn nữa)

Theo Đàm Thuần-Hoàng Tuyết-Minh Thuận (TPO)

---------------------------

Kỳ 2: Theo sát bài toán về vốn và rừng

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.