Thủ tướng yêu cầu PVN đẩy mạnh công tác đầu tư, nghiên cứu và phát triển tạo ra sản phẩm mới, động lực phát triển mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 8-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và trao Quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Mạnh Hùng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn.

Cùng dự hội nghị có Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và ngành dầu khí.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668 ngày 22-12-2023 bổ nhiệm đồng chí Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn. Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương cũng đã có Quyết định chuẩn y đồng chí Lê Mạnh Hùng giữ chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn.

Nhiều kỷ lục mới trong năm 2023

Theo báo cáo của PVN và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, năm 2023, Tập đoàn đã đoàn kết, đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để triển khai quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ trong năm 2023.

Trước những khó khăn, thách thức, tinh thần đoàn kết, sức mạnh, bản lĩnh của người lao động dầu khí càng được thể hiện rõ nét. Công tác quản trị được đổi mới và nâng cao; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bổ sung các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tăng năng suất lao động và thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng, thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản lý, quản trị thích ứng với xu thế mới.

Thủ tướng đánh giá trong thành công chung với những kết quả khá toàn diện của cả nước năm 2023, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đánh giá trong thành công chung với những kết quả khá toàn diện của cả nước năm 2023, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Toàn tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức cao tất cả các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh; tiếp tục duy trì vận hành an toàn ổn định, có hiệu quả các mỏ dầu khí, các nhà máy, xí nghiệp và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản lượng khai thác dầu khí, điện, xăng dầu, phân bón, trong đó đạt kỷ lục về sản xuất xăng dầu (Lọc dầu Dung Quất đạt trên 7 triệu tấn sản phẩm so với công suất thiết kế là 6,5 triệu tấn/năm), góp phần thực hiện mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Hội nghị tổng kết năm 2022 là không để đứt gãy, không để thiếu nguồn cung xăng dầu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về chỉ tiêu tài chính, năm 2023 lập kỷ lục mới trong lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn về tổng doanh thu với 942,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2022 (931,2 nghìn tỷ); tiếp tục là doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước (đạt 135,5 nghìn tỷ đồng, đạt 173% kế hoạch), khẳng định vai trò là Tập đoàn kinh tế Nhà nước hàng đầu có quy mô lớn, sức ảnh hưởng đối với nền kinh tế của đất nước.

Tập đoàn tiếp tục khẳng định về hiệu quả kinh tế thực sự với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 54,5 nghìn tỷ đồng (2,3 tỷ USD). Thu nhập bình quân của người lao động năm 2023 là 26,87 triệu đồng/tháng cao hơn 2022 là 25,96 triệu đồng/tháng.

Tập đoàn tích cực và quyết liệt đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển đưa nhiều dự án vào vận hành và triển khai đầu tư, giải quyết dứt điểm các dự án khó khăn, vướng mắc của một số dự án tồn tại kéo dài, trong đó đã đưa vào vận hành Nhà máy điện Thái Bình 2; ký kết các hợp đồng EPC dự án phát triển mỏ thuộc Chuỗi dự án khí-điện Lô B sau quá trình chuẩn bị nhiều năm; khánh thành và đưa vào vận hành Kho cảng LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải là kho cảng đầu tiên của Việt Nam...

Nhiều việc phát sinh trong sản xuất như điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng các nhà máy (tăng năng lực sản xuất, nhưng vẫn bảo đảm an toàn), tái cơ cấu tài chính (giảm lãi một số khoản vay) đã mang lại hiệu quả lớn (lợi nhuận tăng hàng nghìn tỷ đồng…). Tập đoàn chủ động tham gia và triển khai có kết quả trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng, nhất là việc đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi.

Những kết quả nổi bật trong năm qua cho thấy PVN đã chuyển trạng thái từ lúng túng, bị động sang chủ động, tự tin, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ, là minh chứng cho thấy hiệu quả của "quản trị biến động" sau 4 năm thực hiện, tạo tiền đề quan trọng để Tập đoàn tiếp tục phát triển ổn định, bền vững và vươn xa.

Cũng tại phiên họp, đại diện Petrovietnam đã trình bày các giải pháp triển khai chuỗi dự án lô B bảo đảm mục tiêu sớm có dòng khí đầu tiên như kỳ vọng, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Trao Quyết định cho đồng chí Lê Mạnh Hùng và phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn cán bộ "đúng và trúng" trên cơ sở tuân thủ quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Thủ tướng tin tưởng Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Lê Mạnh Hùng với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Tập đoàn sẽ phát huy truyền thống của ngành, lãnh đạo Tập đoàn phát triển nhanh, bền vững, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng đề nghị ban lãnh đạo, cán bộ PVN, các cơ quan liên quan tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, cùng với đồng chí Lê Mạnh Hùng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Cơ bản thống nhất với các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá trong thành công chung với những kết quả khá toàn diện của cả nước năm 2023, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của PVN, nhất là về thu ngân sách, bảo đảm an ninh, cân đối lớn về năng lượng, xăng dầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập…

Thủ tướng cũng biểu dương Tập đoàn đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo (sản xuất được trụ tuabin điện gió trên biển) và trong xử lý các dự án kéo dài. Cùng với đó, Tập đoàn đẩy mạnh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân quan trọng của những kết quả đạt được là phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; bám sát, chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, người lao động Tập đoàn; sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương. Đây cũng là những bài học kinh nghiệm quý báu.

Tuy vậy, Thủ tướng nêu rõ, không được say sưa, thỏa mãn với những kết quả đạt được, không chủ quan, lơ là bởi còn rất nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề tồn đọng, nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết; tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về các quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược, huy động được sức mạnh tổng hợp trong thực thi nhiệm vụ, với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; giữ vững, phát huy đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm; chú trọng và tăng cường công tác đầu tư, nghiên cứu và phát triển (R&D) để tận dụng các cơ hội mới, có các sản phẩm mới, nhất là trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; phát huy tính tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại.

Bảo đảm tiến độ, hiệu quả các dự án trọng điểm ngành năng lượng, dầu khí

Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Tập đoàn đã xác định, Thủ tướng gợi ý thêm và nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trước hết, cần quán triệt, thực hiện nghiêm và có hiệu quả các nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2024, cụ thể hóa vào kế hoạch của Tập đoàn cũng như của từng đơn vị để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Năm 2023, toàn Tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức cao tất cả các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Năm 2023, toàn Tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức cao tất cả các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ với quan điểm công tác nhân sự là khâu then chốt của then chốt và quyết định mọi vấn đề, cần thực hiện theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, minh bạch, khách quan, công tâm, bảo đảm lựa chọn được cán bộ thực sự có năng lực và được sự tín nhiệm.

Tiếp tục củng cố bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh gọn, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ dám làm. Trong đó, cần sớm kiện toàn chức danh Tổng Giám đốc Tập đoàn.

Nhóm giải pháp về quản trị thông minh, Thủ tướng yêu cầu bám sát tình hình trong nước và quốc tế để quản trị tốt biến động, tập trung công tác dự báo, đánh giá dư địa, động lực tăng trưởng tại các lĩnh vực kinh doanh.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế nội bộ, công khai, minh bạch thông tin; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và kiểm soát rủi ro.

Tập trung đổi mới, áp dụng phương thức quản trị hiện đại, tận dụng tối đa những thành quả đã xây dựng và tích lũy được; kịp thời, nhạy bén trước xu thế chuyển đổi phát triển năng lượng toàn cầu hiện tại để điều hành, phát triển Tập đoàn.

Nhóm giải pháp về tài chính, đầu tư, cần duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh, cân đối các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Đẩy mạnh công tác đầu tư, nghiên cứu và phát triển trong toàn Tập đoàn, chủ động, kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc và bảo đảm tiến độ, hiệu quả các dự án trọng điểm ngành năng lượng, dầu khí, đặc biệt là chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn, dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 (hoàn thành vào cuối năm 2024, đầu năm 2025), nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khí điện đạm Cà Mau…; phối hợp các đối tác nước ngoài tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, khởi động lại dự án Nhiệt điện Long Phú 1; nghiên cứu các dự án mới để tạo ra các sản phẩm mới, nâng cao chuỗi giá trị dầu khí.

Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng số vào phát triển ngành dầu khí. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số kết nối các hệ thống ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin phù hợp với xu thế phát triển mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh...

Nhóm giải pháp về quốc phòng-an ninh-đối ngoại, cần chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn, đặc biệt là trong công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh kinh tế cho hoạt động dầu khí, kiên định nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên Biển Đông và hải đảo.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm, tình cảm đối với cộng đồng, với xã hội, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh tốt đẹp của Petrovietnam.

Với các đề xuất, hầu hết các kiến nghị của Tập đoàn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiều lần và có văn bản cụ thể giao các bộ, ngành xem xét, xử lý. Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục tổng hợp, phân loại, khẩn trương xử lý dứt điểm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, với các vấn đề vượt thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong đó, đối với Chuỗi Dự án khí điện Lô B, Bộ Công thương khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi các Thông tư quy định về vận hành thị trường điện, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan.

Năm 2024, Thủ tướng tin tưởng với truyền thống lao động sáng tạo, đoàn kết, bản lĩnh và trí tuệ của những người làm dầu khí được rèn dũa trong thời gian qua; những người đi tìm lửa, với ban lãnh đạo mới, khí thế mới, quyết tâm mới, động lực mới, PVN sẽ tiếp tục phát triển hơn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.