Thủ tướng chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 13-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ, lâm sản và thủy sản.

Các đại biểu đã đánh giá kết quả, tình hình chế biến, xuất nhập khẩu lâm sản, thủy sản trong thời gian qua; một số khó khăn, vướng mắc và định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản và thủy sản xuất khẩu; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các báo cáo và ý kiến tại hội nghị đánh giá, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bứt phá vượt bậc, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ; Việt Nam vào vị trí top 3 các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản luôn đứng trong top 10 xuất khẩu của Việt Nam, giá trị xuất khẩu bình quân trên 11 tỷ USD/năm.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục, vượt chỉ tiêu đặt ra; ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản tiếp tục lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2021, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD, lâm sản ngoài gỗ đạt 1,09 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 nền kinh tế nước ta nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn do tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi bên ngoài.

Quý I năm 2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%; số đơn hàng về sản phẩm gỗ giảm 50% về số lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.

Quý I năm 2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%.

Quý I năm 2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp gỗ, lâm sản, thủy sản nói riêng đã đồng hành cùng đất nước, nhân dân trong phòng-chống đại dịch COVID-19.

Để đối phó với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nền kinh tế có độ mở cao, sức chống chịu từ bên ngoài có hạn, chúng ta đã phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, chuyển hướng chống dịch từ biện pháp hành chính sang biện pháp khoa học, đề ra công thức chống dịch và Chiến lược vaccine với 3 thành tố, gồm Quỹ Vaccine, ngoại giao vaccine và chiến dịch tiêm chủng vắc xin miễn phí lớn nhất từ trước đến nay. Nhờ đó, Việt Nam đã kiểm soát dịch thành công, đã "đi sau về trước" trong khi tiếp cận vaccine chậm hơn so với nhiều nước. Đến ngày 11-10-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ngày 15-3-2022 quyết định mở cửa nền kinh tế với quốc tế.

Theo Thủ tướng, tình hình thế giới những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp. Mặc dù ngay từ đầu năm chúng ta cũng đã dự báo là tình hình năm 2023 sẽ có những thuận lợi, khó khăn, trong đó khó khăn nhiều hơn, nhưng thực tế tình hình còn khó khăn hơn dự báo, nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, năm 2022, kinh tế-xã hội đạt kết quả tích cực, quan trọng trên nhiều lĩnh vực. 3 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cả nước quý I ước đạt 3,32%, trong đó lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là 2,52%. Các tổ chức quốc tế duy trì dự báo tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế…

Khái quát các khó khăn, thách thức với ngành lâm sản, thủy sản, Thủ tướng nêu rõ, còn nhiều nguyên vật liệu đầu vào phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài; tranh chấp thương mại diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh; các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp, như Mỹ, EU, Nhật Bản…; các nhà nhập khẩu đa dạng hóa thị trường, mặt hàng…; việc thay đổi chính sách của các nước cũng gây khó khăn cho Việt Nam.

Ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD, còn ngành thủy sản đặt mục tiêu khoảng 10 tỷ USD. Đây là mục tiêu phấn đấu rất cao, đòi hỏi tất cả các chủ thể liên quan phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao để đạt được, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực lâm sản và thủy sản, về rừng và biển của đất nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản; phát triển sản xuất lâm sản và thủy sản hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về các quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành lâm sản, thủy sản, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, vừa coi trọng xuất khẩu, vừa coi trọng thị trường trong nước.

Theo Thủ tướng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cùng với những nhóm ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam; kim ngạch xuất khẩu của 2 lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Thủ tướng lưu ý, trong quá trình phát triển, chúng ta không thể tránh khỏi có những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết. Đây là điều hiển nhiên và trong khó khăn, thách thức, chúng ta càng phải bình tĩnh, đánh giá chính xác, khách quan tình hình để có định hướng xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra; giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí, quyết tâm, nỗ lực để xử lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc.

Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải có sự hỗ trợ, chia sẻ rủi ro trong những thời điểm khó khăn hiện nay. Trong đó, Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, hỗ trợ, chia sẻ một cách thực chất về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của từng doanh nghiệp và vai trò của các hiệp hội; càng trong khó khăn, lại càng phải đoàn kết, chung sức tháo gỡ để cùng phát triển.

Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ quy định, thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đa phương và song phương và cam kết quốc tế.

Chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam, coi đây là chìa khóa để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản nhanh và bền vững.

Về các nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phiền hà, sách nhiễu.

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống cao tốc để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản, thủy sản. Theo dõi sát tình hình phát triển của thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản; diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là các chính sách về thương mại, đầu tư, tiền tệ để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, ứng phó phù hợp.

Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp, cần hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đẩy mạnh đàm phán, tiếp tục thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định của Việt Nam với các nước để mở rộng thị trường, chú trọng khai thác các thị trường ngách. Đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và bền vững.

Phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, lâm sản; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn Việt Nam về mức thải chế biến thủy sản và quy chế mức thải ao nuôi thủy sản.

Các doanh nghiệp trong ngành gỗ và thủy sản cần phát huy truyền thống, tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, sáng tạo và vượt khó có cách làm mới, tự cứu mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Các doanh nghiệp phải vươn lên tự thiết kế mẫu mã các sản phẩm gỗ có mẫu mã độc đáo, đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng thay vì chỉ gia công theo đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài.

Triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Đẩy mạnh phát triển nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp; các chương trình, đề án về "Giống", "Thức ăn NTTS" và "Hormone HCG" là mấu chốt để gia tăng tỉ lệ sống, chất lượng phát triển và giảm giá thành sản phẩm…

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, trại nuôi trồng thủy sản, đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ trồng rừng, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản về yêu cầu thị trường, các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp và tiêu chuẩn về sản phẩm đồ gỗ và lâm sản của nước nhập khẩu.

Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có chính sách phát triển thủy sản, quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thủy sản.

Tiếp tục tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản để làm cơ sở cho quản lý, phát triển thủy sản bền vững; quan tâm, hỗ trợ để tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng được yêu cầu chống khai thác IUU.

Tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng được yêu cầu chống khai thác IUU. Ảnh nguồn internet

Tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng được yêu cầu chống khai thác IUU. Ảnh nguồn internet

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội; xây dựng một số mô hình sản xuất giống, mô hình quản lý chuyên nghiệp, hiện đại, mô hình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu phù hợp từng vùng miền; chính sách ưu đãi tín dụng phù hợp; thúc đẩy chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế, trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.

Bộ Công thương tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí vốn trung hạn để các bộ, ngành địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 57/2018-NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ lâm sản tập trung, phát triển các dịch vụ logistics, khu ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp gắn với phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào khâu chọn, tạo giống, trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản, khâu chọn, tạo giống thủy sản; rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực thủy sản, lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến gỗ, lâm sản để tổ chức thực hiện đáp ứng được yêu cầu của quốc gia, phù hợp với quốc tế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chính sách đất đai phù hợp tình hình, thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp xu thế chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn; xem xét, nghiên cứu sửa đổi Quy chuẩn nước thải phù hợp với ngành thủy sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn; tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước; triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư để phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến gỗ và lâm sản.

Có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng và sản xuất giống thuỷ sản tập trung, trong đó bao gồm việc gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp khi hết hạn quyền sử dụng đất, cho thuê đất-mặt nước trong nuôi trồng thủy sản.

Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kết hợp khoa học công nghệ trong phòng-chống dịch bệnh hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; quản lý tốt nguyên liệu vật tư đầu vào theo các quy định. Xây dựng các vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh; triển khai chương trình quốc gia giám sát dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Tổ chức tuyên truyền đối với người dân, doanh nghiệp không khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), phát triển thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường; không khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh gỗ lớn để bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời tạo được nguồn gỗ có đường kính lớn phục vụ cho sản xuất.

Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia, nâng cao vị thế, thương hiệu chứng chỉ rừng quốc gia từng bước đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ có chất lượng, có chứng chỉ cho chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản chủ trì, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ. Thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cần chủ động nguồn nguyên liệu trong nước thông qua việc mở rộng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; dẫn dắt chuỗi liên kết giá trị giữa nông ngư dân và doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cạnh đó, quan tâm hơn đến đời sống của bà con nông, ngư dân thông qua việc ký kết và thực hiện nghiêm các hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm thủy sản cho bà con; tránh để việc bà con sản xuất ra nhưng không có chỗ để tiêu thụ.

Làm tốt hơn nữa mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nội bộ Hiệp hội và các hiệp hội khác tăng cường sức mạnh chung, xây dựng các thương hiệu quốc gia về thủy sản; tiếp tục trao đổi thông tin, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và có các giải pháp kịp thời; phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện thương mại, đẩy mạnh tổ chức thành công hội chợ quốc tế xuất khẩu thủy sản.

Giao Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản tiếp tục trao đổi thông tin, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và có các giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Phối hợp với Bộ Công thương để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện thương mại, đẩy mạnh tổ chức thành công hội chợ quốc tế xuất khẩu đồ gỗ.

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.