Thu nhập giảm sút, dân Lâm Đồng quay lưng với cây chè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thu nhập từ cây chè ngày càng giảm sút, trong khi xuất khẩu gặp khó khăn khiến nông dân tỉnh Lâm Đồng quay lưng với cây chè, chuyển đổi sang loại cây trồng khác.
 
Nhiều diện tích chè được chuyển sang trồng dâu tằm
Theo số liệu thống kê, thời điểm năm 2016 toàn tỉnh có 21.000ha chè, chiếm 16% diện tích chè của cả nước. Tuy nhiên, đến tháng 9/2018 chỉ còn khoảng 13.000ha.
Chúng tôi về huyện Bảo Lâm đúng thời điểm nông dân thuê máy xúc phá bỏ cây chè. Gia đình anh Nguyễn Đức Hải ở thôn 5, xã Lộc Quảng đang "hủy" 7 sào chè trồng từ năm 2008. Theo anh Hải, trung bình tổng thu 1ha chè tầm 160 triệu đồng, sau khi trừ chi phí chỉ lãi trên dưới 50 triệu. Tính ra, giá trị kinh tế từ cây chè chỉ hơn cây điều và lúa. Trong khi đó chè là loại cây trồng cần nhiều công lao động, từ khâu chăm sóc đến thu hái...
Trường hợp của gia đình anh Hải là tình trạng chung của nhiều nông dân xã Lộc Quảng. Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Quảng cho biết, từ năm 2015 đến nay, diện tích trồng chè trong xã đã sụt giảm hơn 50%, từ 900ha xuống còn hơn 400ha. Những vườn cho năng suất, chất lượng thấp, thu nhập mỗi năm chỉ 45 triệu đồng/ha, thì việc phá bỏ là điều bình thường. Nhưng điều không bình thường là có vườn chè chất lượng cao cũng bị ủi. Thay vào đó, nông dân chuyển sang cây trồng khác, chấp nhận uổng phí vốn đầu tư vườn chè.
Ông Đậu Văn Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho biết, 3 năm qua, diện tích trồng chè trong huyện giảm hàng nghìn ha, đặc biệt trong năm 2018 giảm mạnh. Trước tình hình sản xuất, tiêu thụ chè khó khăn thì nhiều nông dân tiến hành trồng xen cà phê. Đến thời điểm này, khi cà phê bước vào thời kỳ kinh doanh thì bà con chặt bỏ chè.
Tương tự, tại vùng chè TP Bảo Lộc, theo số liệu của Phòng Kinh tế TP, từ năm 2015 đến nay, diện tích trồng chè đã giảm từ 7.000ha xuống còn 3.000ha.
Là loại cây trồng chủ lực, gắn bó với người nông dân từ hàng chục năm nay, cây chè ở Lâm Đồng trải qua không ít thăng trầm. Nhưng một điều có thể khẳng định, đây là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu; hiệu quả SX đã được chứng minh. Thực tế, những diện tích phá bỏ là giống chè cũ, lâu năm, năng suất thấp. Tuy nhiên, việc người dân “quay lưng” cây chè, không tái canh mà chuyển sang các loại cây trồng khác là rất đáng lo.
Gắn bó với cây chè hàng chục năm, ông Đoàn Trọng Phương, Giám đốc Cty CP Chè Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam không khỏi trăn trở: “Nông dân làm chè vất vả nhưng thu nhập phập phù, năm được năm mất. Mấy năm nay, thời tiết thất thường, giá cả bấp bênh, công lao động và giá cả vật tư tăng cao, làm chè chẳng có lãi, bà con không còn thiết tha...”.
 
Nông dân thuê máy xúc phá bỏ cây chè
Nhiều nông dân phản ánh, mặc dù có một số công ty, doanh nghiệp đến thu mua, song sản phẩm tiêu thụ rất chậm và bán giá thấp. Trong đó có cả chuyện o ép khi thu mua khiến không ít người trồng nản lòng. Nhiều tháng sau mới nhận được tiền bán nợ. Bà con khó xoay sở để có vốn nuôi vườn chè.
Tại hai xã Xuân Trường và Trạm Hành (TP Đà Lạt), nhiều diện tích chè chất lượng cao đã bị nông dân phá bỏ. Ông Trần Như Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, có khoảng 40 hộ dân phá bỏ 20ha chè Kim Tuyên, Tứ Quý… chuyển sang trồng cà phê, rau. Hiện công ty thu mua với giá từ 15 - 18 nghìn đồng/kg chè búp tươi, cao hơn giá trong hợp đồng (10 nghìn đồng/kg) nhưng nông dân vẫn không có lãi do chi phí đầu vào quá cao, thậm chí bị lỗ. Chính quyền đã vận động bà con không chặt bỏ chè, tiếp tục tìm hướng giải quyết…
“Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều khuyến cáo cũng như tuyên truyền để người dân giữ lại diện tích, song việc lựa chọn cây, con gì để phát triển kinh tế là quyền lựa chọn của nông dân. Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng khó định hướng loại cây trồng này cho người dân, bởi so với các loại cây trồng thì cây chè đang lép vế”, ông Đậu Văn Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm.
Thanh Sa (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.