Thu dung người lang thang xin ăn tại TP.HCM: Phải triệt những kẻ 'chăn dắt'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, 

Cho biết vừa qua Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM đã tổ chức khảo sát thực tế và thấy tình trạng người lang thang, xin ăn, nhất là trẻ em xin ăn, bán vé số tại các ngã ba, các giao lộ ở những trục đường lớn trên địa bàn TP.HCM còn diễn ra nhiều.

Qua làm việc với các sở, ngành về các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước để không xảy ra tình trạng người lang thang, xin ăn, chăn dắt, sử dụng lao động trẻ em, Ban Văn hóa - xã hội TP.HCM đánh giá rằng TP.HCM đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện Quyết định số 812 năm 2023 của UBND TP.HCM về quy chế phối hợp tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp.

Thời gian qua mặc dù các địa phương có ra quân tổ chức tăng cường thực hiện nhưng số trường hợp người lang thang, xin ăn giảm không đáng kể, có nhiều địa phương còn tăng. Điều này cho thấy các giải pháp vẫn chưa đủ mạnh.

"TP.HCM cần công bố, thống nhất một số đường dây nóng về tiếp nhận thông tin liên quan tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn và có cơ chế xử lý thông tin chính xác, kịp thời. Bởi hiện nay, một người dân đi đường nhìn thấy trường hợp người lang thang, xin ăn thì không biết liên hệ số điện thoại nào. Chúng ta có thể đặt băng rôn đường dây nóng ngay các trục đường, giao lộ để người dân thấy", ông Cao Thanh Bình nói.

Người lang thang, xin ăn ở Q.Phú Nhuận được tập trung xác minh cư trú

Người lang thang, xin ăn ở Q.Phú Nhuận được tập trung xác minh cư trú

Song song đó, ông Cao Thanh Bình cho rằng TP.HCM cần tăng cường điều tra, xử lý nghiêm và triệt để các đối tượng chăn dắt, lợi dụng sức lao động của trẻ em, người già, người khuyết tật để trục lợi cá nhân.

"Đa số các trường hợp đến các cơ sở bảo trợ xã hội được bảo lãnh về. Thế nên phải có biện pháp nghiệp vụ để theo dõi các trường hợp này sau khi trở về địa phương, như đối với trẻ em thì gia đình có chăm sóc không hay là lại sử dụng các em để xin ăn. TP.HCM cũng cần phải mạnh dạn xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự những vụ việc chăn dắt trẻ em", ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.

Về mặt chính sách, ông Cao Thanh Bình cho rằng cần phải bổ sung, quy trách nhiệm và xây dựng quy trình chặt chẽ hơn, ví dụ khi có tin báo thì sau bao nhiêu tiếng đồng hồ địa phương phải xử lý. TP.HCM cần quy trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trước nếu thực hiện chưa tốt công tác quản lý địa bàn.

Các cơ quan quản lý cũng đề cập về việc người lang thang, xin ăn di chuyển qua nhiều địa bàn, do đó ông Cao Thanh Bình cho rằng TP.HCM cần nghiên cứu có kênh kết nối chung để cả hệ thống cùng nhận diện, theo dõi, tránh tình trạng "bắt cóc bỏ dĩa". Đồng thời phải phối hợp các tỉnh, thành, địa bàn giáp ranh quan tâm, quản lý chặt chẽ hơn.

Về lâu dài, ông Cao Thanh Bình cho rằng phải hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội bền vững, tính toán các chính sách, chế độ về chăm sóc, học nghề cho người lang thang, xin ăn khi các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận. TP.HCM hiện đã lập Quỹ An sinh xã hội, thế nên hoàn toàn có thể tin rằng sẽ có nhiều giải pháp chăm lo, hỗ trợ kịp thời trong thời gian tới.

"Ở góc độ đại biểu HĐND, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện công tác này", ông Cao Thanh Bình nói.

Một trường hợp cụ già lang thang xin ăn ở góc đường Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng (P.Linh Tây) được tổ công tác TP.Thủ Đức tiếp nhận, tập trung về phường

Một trường hợp cụ già lang thang xin ăn ở góc đường Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Đồng (P.Linh Tây) được tổ công tác TP.Thủ Đức tiếp nhận, tập trung về phường

Bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết Sở LĐ-TB-XH thực hiện công tác tham mưu UBND TP.HCM để chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, tập trung người lang thang, xin ăn trên địa bàn.

Theo bà Phụng, để thực hiện hiệu quả việc quản lý, tập trung người lang thang, xin ăn, cần tính tới các giải pháp chính sau: Thứ nhất, có kênh tiếp nhận phản ánh về người lang thang, xin ăn trên địa bàn, truyền thông không cho tiền người xin ăn trực tiếp.

Thứ hai, vai trò của mỗi quận, huyện và TP.Thủ Đức trong các giải pháp tăng cường quản lý địa bàn hoặc phối hợp các địa bàn giáp ranh về công tác này. Các địa phương cần rà soát các khu dân cư tập trung nhiều người tạm trú (đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật) và phối hợp chặt chẽ với Công an TP.HCM nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các đối tượng chăn dắt, lợi dụng người yếu thế xin ăn để trục lợi. Đồng thời, tại địa phương phải có giải pháp giúp đỡ, việc làm… cho người khó khăn vươn lên, tự lực trong cuộc sống.

Thứ ba, các đơn vị chức năng, đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội tăng cường kiểm tra, giám sát để biết địa phương thực hiện có quyết liệt không, thực hiện tới đâu nhằm có giải pháp kịp thời. Ngoài ra, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức cũng cần xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định số 812 năm 2023 của UBND TP.HCM tại phường, xã, thị trấn hàng quý và đột xuất.

Trong khi đó, ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho rằng thực tế rất khó giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang, xin ăn, nhất là với vị trí, quy mô và tính chất đặc thù như TP.HCM. Thay vào đó, TP.HCM có thể tính tới triển khai các giải pháp làm sao giúp kéo giảm đến mức thấp nhất tình trạng người lang thang, xin ăn, trong đó đặc biệt là trẻ em.

"Trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào, trẻ em luôn là nhóm đối tượng cần được quan tâm và bảo vệ đặc biệt. Nhiều thành phố lớn trên thế giới vẫn diễn ra tình trạng người lang thang, xin ăn nhưng thấy rất ít hoặc gần như không có trẻ em. Nhưng điều này thì ngược lại với thực trạng của thành phố, nơi mà trẻ em lại là nhóm đối tượng chiếm đa số. Đã đến lúc chúng ta cần các giải pháp thực tế, quyết liệt và cụ thể hơn để hướng tới việc giải quyết một cách căn bản tình trạng người lang thang, xin ăn, đặc biệt là trẻ em", ông Nghinh nêu ý kiến.

Cần giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn để hướng tới dứt điểm tình trạng trẻ em lang thang xin ăn. Trong ảnh: Trẻ em phun lửa, xin ăn tại phố tây Bùi Viện (Q.1, TP.HCM)

Cần giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn để hướng tới dứt điểm tình trạng trẻ em lang thang xin ăn. Trong ảnh: Trẻ em phun lửa, xin ăn tại phố tây Bùi Viện (Q.1, TP.HCM)

Theo ông Nghinh, việc giải quyết vấn đề người lang thang xin ăn không thể quy trách nhiệm duy nhất về một cơ quan, một cấp, một ngành mà cần có sự kết nối và phối hợp của nhiều bên liên quan với nhau.

"Chúng ta cũng không thể chỉ tập trung quy hết trách nhiệm về chính quyền cơ sở nếu như chưa giải quyết một cách căn cơ và thỏa đáng vấn đề nhân sự, chính sách hỗ trợ, thủ tục quy trình hồ sơ khi giải quyết vấn đề người lang thang xin ăn", ông Nghinh nhấn mạnh.

Song song đó, ông Nghinh cũng cho rằng căn cơ của vấn đề người lang thang xin ăn xuất phát từ nghèo đói hoặc tình trạng lợi dụng người già, trẻ em để trục lợi. Do đó, cần có từng giải pháp cho vấn đề cụ thể.

Đối với nguyên nhân xuất phát từ vấn đề nghèo đói, thiên tai thảm họa, sức khỏe yếu kém, không có công ăn việc làm…, ngoài việc triển khai các chính sách trợ cấp như hiện nay, TP.HCM cần đẩy mạnh hơn nữa việc hình thành các trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, bao gồm cả công lập và ngoài công lập. Cùng với đó, cần tính tới sắp xếp và kiện toàn các cơ sở bảo trợ hiện có theo hướng bổ sung và mở rộng chức năng tiếp cận, hỗ trợ cộng đồng.

"Trong trường hợp không may mắn rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, các nhóm yếu thế sẽ được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu nhanh và hiệu quả nhất trong khả năng (cung cấp suất ăn, hỗ trợ chỗ ở tạm thời, chăm sóc nuôi dưỡng dài hạn, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm…). Còn đối với hành vi chăn dắt, lợi dụng người già, trẻ em xin ăn thì các cơ quan nhà nước các cấp cần phối hợp công an điều tra và xử lý thật nghiêm, răn đe. Điều này cần được làm thường xuyên và liên tục chứ không nên chỉ là các dịp lễ, tết hoặc nhân một dịp có các ngày kỷ niệm nào đó", ông Nghinh cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.