Thời trang Việt khẳng định chỗ đứng ở Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu cách đây chừng 2 năm, trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) chỉ có một vài cửa hàng thương hiệu thời trang lớn trong nước thì nay số cửa hàng tăng gấp chục lần. Điều đó chứng tỏ các thương hiệu thời trang Việt đang dần khẳng định chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Phố núi.

Tại TP. Pleiku, người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng loạt sản phẩm của nhiều thương hiệu lớn khác nhau với đủ chủng loại sản phẩm như: quần áo, giày dép, mũ nón, túi xách, ví, thắt lưng... Với mức giá bình dân 200-600 ngàn đồng/sản phẩm, người tiêu dùng thường tìm đến các thương hiệu: M.A.C, MARC, 20 Again, Dottie, NK, Juno… Còn cao cấp hơn một chút thì không thể bỏ qua NEM, Elise, OLV, Vascara, Mecia… Việc có nhiều cửa hàng trên địa bàn đã tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

 Sự ra mắt của nhiều cửa hàng thời trang thương hiệu Việt giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Ảnh: V.T
Sự ra mắt của nhiều cửa hàng thời trang thương hiệu Việt giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn. Ảnh: V.T



Mặt khác, để tạo ra lợi thế cạnh tranh, các thương hiệu không chỉ sản xuất mặt hàng thời trang cho người lớn mà còn kết hợp cả đồ cho trẻ em. Các hãng còn chia ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau như thời trang đi chơi, dự tiệc, thời trang công sở... giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa trên phân khúc giá cả từ phổ thông đến cao cấp.

Chị Trịnh Thị Bích Trâm (tổ 16, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Hiện nay, người tiêu dùng đang dần hướng đến việc sử dụng hàng may mặc, giày dép của những thương hiệu trong nước. Nhiều thương hiệu thiết kế Việt đã xây dựng chỗ đứng trên thị trường bởi chất lượng sản phẩm và giá cả phù hợp với mọi đối tượng. Với mức giá từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng rất dễ chọn lựa cho mình một thiết kế ưng ý. Thông thường, những thương hiệu nào có mở cửa hàng tại TP. Pleiku thì mình đến mua trực tiếp, còn những thương hiệu chưa có thì đặt mua online qua website, fanpage”.

Còn theo chị Huỳnh Thị Hoa (hẻm 322, Phan Đình Phùng) thì: Trước đây, với suy nghĩ thời trang thiết kế có giá đắt đỏ, chỉ phục vụ cho những khách hàng có thu nhập cao nên chị vẫn chuộng những loại hàng nhập dù không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là hàng nhái những thương hiệu lớn từ nước ngoài.

“Từ lúc các thương hiệu thiết kế nở rộ, cộng với việc tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua kênh bán hàng online nên tôi biết đến các thương hiệu trong nước nhiều hơn. Qua quá trình sử dụng, tôi thấy rất ưng ý, bởi đa phần hàng Việt bây giờ đều chú trọng đến chất lượng, mẫu mã”-chị Hoa nói.

Để tăng tính cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, các thương hiệu thời trang từ quần áo, túi xách, giày dép đều liên tục đưa ra chiến dịch marketing mới.

Chị Nguyễn Thị Anh Thư-nhân viên quản lý cửa hàng thời trang MARC (134 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) cho biết: “Thương hiệu thời trang MARC đã có mặt 14 năm trên thị trường, nhưng mở cửa hàng tại TP. Pleiku chỉ hơn 2 năm. Dù thời gian ngắn, song cửa hàng đã gầy dựng được nhiều khách hàng thân thiết. Hàng năm, thương hiệu quần áo thời trang MARC đều đặn đưa ra nhiều bộ sưu tập mới theo mùa và hàng tuần đều có sản phẩm mới. Trước mỗi đợt ra bộ sưu tập mới, cửa hàng đều có chương trình giảm giá đặc biệt nhằm giúp khách hàng mua sắm tiết kiệm nhất”.

Hiện nay, các hãng thời trang thường đưa ra mẫu thiết kế mới dựa trên nhiều yếu tố như: xu hướng màu sắc, kiểu dáng và chất liệu trong từng bộ sưu tập theo mùa. Chị Nguyễn Thị Thiên Kiều-nhân viên quản lý cửa hàng Vascara (04 Trần Phú, TP. Pleiku) cho hay: Hàng tháng, Vascara đều đặn đưa ra thị trường nhiều mẫu giày dép và túi xách mới và những bộ sưu tập gắn với từng chủ đề sẽ ra theo mùa trong năm. Ngoài việc liên tục đưa ra thiết kế mới, Vascara còn chú trọng đến khâu chăm sóc khách hàng, tăng lợi ích bằng việc tích điểm để chiết khấu hay áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn khuyến khích người mua.

“Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ hàng chậm lại, song so với thời điểm mới mở cách đây 3 năm thì doanh số bán hàng của chúng tôi lại tăng đáng kể. Điều này chứng tỏ, người tiêu dùng Phố núi đang ngày càng quan tâm hơn đến các thương hiệu sản xuất trong nước”-chị Kiều bày tỏ.

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.