Thiếu tá quân đội sáng chế robot rửa tay, sát khuẩn chống COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Robot có thể sử dụng cố định ở văn phòng, cầu thang máy, hành lang hoặc di động dễ dàng tại các thao trường, hội trường để phục vụ công tác khử khuẩn.

 Thiếu tá Lê Mạnh Hùng với sản phẩm robot rửa tay, sát khuẩn. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Thiếu tá Lê Mạnh Hùng với sản phẩm robot rửa tay, sát khuẩn. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)


Sản phẩm robot rửa tay, sát khuẩn của Thiếu tá Lê Mạnh Hùng, kỹ thuật viên X-quang, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Quân y 211, Quân đoàn 3 đã đoạt giải A cuộc thi "Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ngành Quân y cấp toàn quân" được tổ chức tháng 4.

Sản phẩm mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, thân thiện với môi trường, không chỉ phục vụ trong các đơn vị của Quân đoàn 3 mà còn được nhiều trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh Gia Lai sử dụng.  

Thiếu tá Lê Mạnh Hùng cho biết, từ thực tế khi thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, anh nhận thấy công tác kiểm soát người ra, vào bệnh viện có khá nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian cũng như cần nhiều nhân lực.

Do đó, anh đã có ý tưởng sáng chế robot rửa tay sát khuẩn nhằm tiết kiệm nhân lực, bảo vệ môi trường.

Tranh thủ thời gian buổi tối sau khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc thời gian nghỉ ngơi, Thiếu tá Hùng bắt tay vào chế tạo mô hình robot rửa tay, sát khuẩn.

Với những kiến thức sẵn có trong công tác nghiên cứu kỹ thuật trước, anh đặt hàng linh kiện máy móc trên mạng về, lắp ráp mô hình theo sơ đồ, bản vẽ. Anh còn thiết kế tấm pin năng lượng mặt trời để robot có thể hoạt động ngoài trời hay những nơi không có nguồn điện.

Đầu tháng 4/2020, robot rửa tay, sát khuẩn đầu tiên được đưa vào sử dụng tại cổng Bệnh viện Quân y 211, Quân đoàn 3 ở thành phố Pleiku, Gia Lai.

Robot rửa tay, sát khuẩn được cấu tạo gồm máy bơm động cơ điện một chiều 2W, chạy với ắc quy 12V, mỗi lần bơm từ 0,5-5ml tùy cài đặt, máy bơm tự dùng, tự kết nối với lọ đựng dung dịch sát khuẩn 2 lít, kết nối với vòi phun dung dịch sát khuẩn dạng sương.

Mạch trễ điều khiển cảm biến hồng ngoại, khi đưa tay vào vị trí sẽ khởi động máy bơm. Ắcquy có kết nối với pin năng lượng mặt trời hoặc điện lưới (khi dã ngoại sử dụng pin năng lượng mặt trời, khi trong nhà dùng điện lưới).

Màn hình tivi cảm biến hồng ngoại phát âm thanh nội dung tuyên truyền về 5K. Cảm biến chuyển động hồng ngoại xác định có người đang di chuyển đến khu vực đặt robot trong bán kính 3-5m sẽ phát ra âm thanh: "Mời rửa tay, đo thân nhiệt, cảm ơn".

 Máy đo nhiệt độ cơ thể có kết nối với máy vi tính, giúp nhân viên y tế ở khu vực tiếp nhận người khai báo có thể trực tiếp theo dõi thân nhiệt mà không cần tiếp xúc gần.

Đặc biệt, khi phát hiện người có nhiệt độ cao như sốt, máy liên tục phát ra âm thanh cảnh báo để cán bộ y tế biết.

Robot có thể sử dụng cố định ở văn phòng, cầu thang máy, hành lang hoặc di động dễ dàng tại các thao trường, hội trường để phục vụ công tác khử khuẩn.

Thiếu tá Lê Mạnh Hùng còn tách riêng hệ thống máy rửa tay sát khuẩn nhanh tự động được thiết kế gọn, nhẹ, phù hợp môi trường y tế, tiết kiệm dung dịch rửa tay sát khuẩn.

Qua đó, người dùng tiết kiệm thời gian, tránh tiếp xúc bề mặt, hạn chế nguy cơ lây nhiễm để sử dụng trong các môi trường phòng làm việc hoặc lớp học. Toàn bộ máy rửa tay sát khuẩn nhanh tự động được bố trí trong hộp nhựa dài 30cm, rộng 20cm, ngang 11cm, dây nối dài 3m.

Đến thời điểm này, Thiếu tá Lê Mạnh Hùng đã hoàn thành 8 mô hình robot và 6 máy rửa tay sát khuẩn nhanh tự động. Tất cả đang được sử dụng hiệu quả tại các đơn vị nhận chuyển giao.

Cô Mai Thị Thúy Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (thành phố Pleiku) cho hay, nhà trường được Thiếu tá Lê Mạnh Hùng tặng một máy rửa tay sát khuẩn nhanh tự động. Máy được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2020 và đã phát huy tính ứng dụng cao.

Khi chưa có máy, trường phải huy động nhiều giáo viên phục vụ công tác đo thân nhiệt, xịt nước sát khuẩn trước cổng trường cho học sinh, giáo viên. Từ khi có máy, các giáo viên tiết kiệm được thời gian, không tập trung, ùn tắc học sinh trước cổng trường như trước đây.

Đại tá Trần Vương Linh, Giám đốc Bệnh viện Quân y 211, Quân đoàn 3 cho biết, Bệnh viện Quân y 211 được xem là "bệnh viện xanh" của tỉnh Gia Lai vì đây là một trong ít những bệnh viện không có bệnh nhân COVID-19.

Sáng kiến robot rửa tay sát khuẩn của Thiếu tá Lê Mạnh Hùng đã có những đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bệnh viện.

Theo Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.