Thiện nguyện dạy chữ cho học trò Raglai nghèo khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các em nhỏ được cô giáo kèm cặp, tập viết những nét chữ đầu tiên.
Các em nhỏ được cô giáo kèm cặp, tập viết những nét chữ đầu tiên.
Suốt 16 năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn về phòng học, sách vở…, chùa Long Cát, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận vẫn là địa điểm hỗ trợ thiện nguyện giúp con em đồng bào Raglai nghèo ở đây xoá mù chữ; là nơi chắp cánh cho biết bao em nhỏ bước vào đời...
Ngày đầu đi học
Từ TP. Phan Rang-Tháp Chàm, chạy khoảng 40 phút xe máy mới đến được lớp học tình thương tại chùa Long Cát. Khác với những lớp học chính quy, lớp học tình thương này không khí không sôi động, không tiếng loa phát thanh, không tiếng trống trường… Các em nhập học trong lặng lẽ.
Được các sư thầy ở chùa Long Cát vận động, hai em Pinăng Hào và Chamaléa Tùng, cùng thôn Xóm Đèn là một trong số học sinh đến lớp sớm nhất trong ngày học đầu tiên của lớp tình thương. Cả hai đều học lớp 4 tại Trường Tiểu học Công Hải, nhưng để tăng khả năng đọc, phát âm chuẩn tiếng Việt cũng như khả năng tính toán, hai em rủ nhau đi học thêm. Trên tay cầm quyển vở và bút mực mới, Hào rụt rè chia sẻ: Em đi bộ từ nhà đến lớp khoảng chừng 2 km. Học được ở đây đã ba năm rồi, em thích lắm.
Ngày đầu đi học, nhiều cha mẹ đồng bào Raglai nghèo sau giờ lên nương rẫy, tận tình đưa con mình đến lớp học. Còn đó hình ảnh của sự rụt rè núp sau lưng mẹ, những em nhỏ Raglai lần đầu tiên đến lớp vẫn nở nụ cười tươi rói. Hầu như hết thảy phụ huynh, học sinh đều đi bộ đến lớp. Chị Katơr Thị Dung (28 tuổi) có ba con đang theo học tại lớp tình thương của chùa Long Cát, nhưng trong đó đứa con trai lớn của chị là Katơr Huy, đã 10 tuổi rồi và chỉ mới học đến lớp 2. “Học lực của Huy tại trường được đánh giá kém về phần đọc, viết và phát âm tiếng Việt, chưa kể phần tính toán cũng kém. Mình quyết tâm đưa con đến lớp, để các thầy giáo trong chùa dạy con mình biết được nhiều hơn” - Chị Dung bộc bạch.
Vận động học sinh nghèo bám lớp
Lớp học tình thương bắt đầu từ 17h đến 19h các ngày thứ 2, 3, 5 trong tuần. Trước mỗi buổi học, chùa tổ chức bữa ăn để các em có sức khỏe học tập. Gần sáu năm nay chị Trần Thị Kim Yến, được xem là “chị nuôi” của lớp học. Chị Yến nói: Nấu các suất ăn ngon trước giờ học là để cái bụng các em no, tiếp nhận tốt hơn “con chữ” của các thầy cô dạy, cũng là cách để khuyến khích các em đến lớp. Thêm nữa, trong lớp có một số em theo cha mẹ đi làm nương rẫy về đến thẳng lớp học, còn chưa được ăn gì.
Số lượng con em đồng bào Raglai nghèo ở xã Công Hải đến với lớp học tình thương tại chùa Long Cát qua các năm ngày càng tăng. Năm qua, lớp tiếp nhận 163 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Bước vào năm học 2018-2019, đã có 175 con em đồng bào ở các thôn Xóm Đèn, Suối Vang, Ba Hồ… đang theo học ở các lớp. Các con hầu như không bỏ học.
Ông Đặng Đình Trọng, Trường ban Hộ trị Tam Bảo chùa Long Cát thổ lộ: Ở Chùa chỉ có 4 phòng học. Lớp học chủ yếu mở ra giúp các em học sinh vùng đồng bào Raglai nghèo không có điều kiện đến trường, được tiếp cận với con chữ. Trong lớp học, có học sinh nghỉ một buổi, thì các thành viên trong chùa sẽ đến tận nhà vận động để quay lại lớp, đặc biệt là các em lớn thường bị bạn bè rủ đi làm ăn xa. Duy trì sĩ số, vận động con em đồng bào bám lớp được coi là nhiệm vụ chính của lớp học tình thương.
“Từ những đóng góp của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân…, chùa may quần áo, mua giày, dép mới để tặng các em; cùng với đó, giúp đỡ về sách vở, bút viết cho các em. Có như vậy, con em đồng bào Raglai mới có thể bám lớp học tình thương này" - Ông Trọng nói và đưa tay chỉ vào những lớp học đầy kín các em đồng bào Raglai nghèo đang say sưa học bài.
Hầu hết các giáo viên dạy thêm tại lớp học tình thương chùa Long Cát đều là giáo viên dạy chính ở Trường Tiểu học Công Hải. Họ không những truyền dạy kiến thức theo chương trình của ngành Giáo dục và Đào tạo, đem từng con chữ đến với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; mà còn là cách để những giáo viên này duy trì sĩ số tại lớp chính quy. Thầy giáo Hán Ngọc Thoại, một giáo viên của Trường Tiểu học Công Hải, đã giảng dạy 5 năm tại lớp học tình thương cho biết: Thấy các em vắng cách nhật tại lớp học chính quy, có mặt tại lớp học tình thương, là điều kiện để mình vận động học sinh ra lớp, không bỏ học giữa chừng.
Để ước mơ bay cao
Những ngày đầu thành lập lớp học tình thương, bản thân Sư cô Thích Nữ Đức Thịnh - trụ trì chùa Long Cát đã không quản ngại ngày đêm đến tận nhà, lên tận nương rẫy để vận động phụ huynh cho con em đến lớp; đồng thời đến các trường tiểu học trong xã mời các thầy, cô giáo tâm huyết, tận tụy về dạy học cho các em. Nhờ sự tận tâm, tận tình kêu gọi của sư cô, vận động phật tử, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân góp sức, ủng hộ kinh phí, nên năm học nào các em cũng được học miễn phí và đến chùa học rất đông.
Chẳng ngại đường xá xa xôi cách trở sông suối, mỗi lần chị Katơr Thị Sinh ở thôn Ba Hồ đưa những đứa con Katơr Minh (lớp 4), Katơr Thị Vy (lớp 2) và Katơr Tuấn (lớp 1) đang học chính tại Trường Tiểu học Công Hải đến với lớp học tình thương này, chị cảm thấy rất vui và ấm lòng. Bởi tại đây, các con của chị sẽ được bổ sung kiến thức, theo được bè bạn trong lớp. Và trong tương lai “con chữ” sẽ tiếp sức cho các con của chị Sinh học lên cao hơn, có công việc ổn định. Đây cũng là mong ước của bao cha mẹ đồng bào Raglai nghèo khi đưa con đến lớp học tình thương tại chùa Long Cát.
Đã chạy xe máy trên đường về, nhưng tiếng chuông chùa Long Cát vẫn vang vọng, làm chúng tôi nhớ đến những gương mặt hân hoan của các em nhỏ đang ê a đánh vần trong lớp học đầy ắp tình yêu thương. Tôi cũng nhớ lời chia sẻ của anh Mai Duy Bàng, Chủ tịch UBND xã Công Hải: Trong nhiều năm qua, chùa Long Cát là một trong những nơi góp công sức rất lớn trong công tác vận động con em đồng bào đi học, cùng với địa phương làm tốt công tác xóa mù chữ cho con em đồng bào Raglai nơi đây.
Khả Như (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.