Thị trường bán lẻ Việt sàng lọc khốc liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những thương hiệu bán lẻ đình đám thế giới lần lượt biến mất khỏi Việt Nam, thay vào đó là sự xuất hiện thương hiệu của những người chủ mới. Cuộc sàng lọc vẫn đang tiếp diễn, thị trường bán lẻ Việt chưa bao giờ bớt sôi động.



Hôm 1-3, thương hiệu Big C đã chính thức được Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) tuyên bố xóa sổ, thay vào đó là thương hiệu Go! và Tops Market 100% "made in Thailand". Đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, chủ sở hữu hệ thống Big C Việt Nam, cho biết việc thay đổi này nằm trong chiến lược tái định vị thương hiệu của họ.

"Người cũ" lần lượt chuyển hướng

Nhiều câu hỏi liên quan đến việc tái định vị thương hiệu này, đặc biệt trong điều kiện Big C đã trở nên quá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Central Group từng phải chạy đua với hàng chục nhà bán lẻ trong và ngoài nước, chi hơn 1 tỉ USD để mua lại hệ thống Big C từ tay người Pháp năm 2016 mà giá trị chuyển nhượng bao gồm một khoản không nhỏ giá trị thương hiệu Big C.

Giữa tháng 12-2020, sau khi có tin Emart muốn rút khỏi thị trường Việt Nam, ông Chun Byung Ki, Tổng Giám đốc Emart Việt Nam, đã nhanh chóng "nói lại cho rõ", rằng Emart đã gặp khó khăn trong quá trình triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc mở thêm nhiều địa điểm kinh doanh mới nên quyết định thay đổi chiến lược bằng cách tìm kiếm đối tác có năng lực ngay tại Việt Nam để cùng nhau mở rộng mô hình kinh doanh. Lý do Emart tìm kiếm đối tác là vì sau 5 năm đặt chân đến Việt Nam, dù rất nỗ lực nhưng nhà bán lẻ này vẫn không thể mở thêm được điểm bán mới ngoài siêu thị duy nhất đang tọa lạc tại quận Gò Vấp, TP HCM. Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 phức tạp khiến cơ hội mở rộng siêu thị của tập đoàn này càng trở nên mong manh hơn.

Trước Emart, nhiều đơn vị bán lẻ cũng gặp khó khăn và muốn chuyển hướng. Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) cũng sang nhượng lại hệ thống siêu thị Metro cho Berli Jucker (BJC) Thái Lan vào tháng 1-2017, thu về 655 triệu euro. Chuỗi Auchan (Pháp) tiếp bước rời Việt Nam, giao lại cho Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) tiếp quản, vận hành hệ thống siêu thị mang thương hiệu Auchan (nay là Co.opmart SCA) sau nhiều năm liên tiếp thua lỗ mà nguyên nhân chính là không am hiểu, thích nghi được với thị trường.

Nhà bán lẻ Dairy Farm từng đưa thương hiệu siêu thị Wellcome và Giant đến TP HCM nhưng cả 2 thương hiệu đều không thể trụ lại. Giant (mô hình siêu thị và đại siêu thị ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei) có mặt tại Việt Nam từ cuối năm 2011 cũng âm thầm bỏ cuộc vì không thể xây dựng được chuỗi bán hàng và phải bán lại cho chủ đầu tư khác vào năm 2019.

Trong nước, cuối năm 2019, Vingroup cũng rút khỏi mảng bán lẻ siêu thị sau khi chuyển giao Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vin-Commerce và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp (VinEco) vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan. Chưa tới mức phải "bỏ của chạy lấy người" nhưng Parkson (chuỗi trung tâm mua sắm cao cấp đến từ Malaysia) đã từng bước thu hẹp, đóng cửa hàng loạt mặt bằng vì đã qua thời vàng son.

 

 Bán lẻ phân khúc cao cấp dự báo sẽ cạnh tranh sôi động hơn trong thời gian tới. Ảnh: THANH NHÂN
Bán lẻ phân khúc cao cấp dự báo sẽ cạnh tranh sôi động hơn trong thời gian tới. Ảnh: THANH NHÂN


Không dễ "ăn"!

Theo giới phân tích, Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á lẫn châu Á, thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Độ hấp dẫn của thị trường thể hiện qua con số cụ thể: từ năm 2019 trở về trước, bán lẻ Việt Nam luôn tăng trưởng 2 con số và năm sau cao hơn năm trước. Ngay cả trong lúc bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, doanh số bán lẻ năm 2020 vẫn tăng hơn 11 tỉ USD so với năm 2019, đạt hơn 172 tỉ USD.

Tuy nhiên, sự rút lui của các tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài cho thấy đây không phải là miếng bánh dễ xơi. Ngoài áp lực cạnh tranh càng lúc càng khốc liệt hơn, những vướng mắc trong việc tiếp cận đất đai, mở rộng hệ thống đang là trở ngại lớn khiến một số nhà bán lẻ ngoại không thể hiện thực hóa mục tiêu, chiến lược kinh doanh tại Việt Nam. Đơn cử, không chỉ Emart khốn đốn vì bài toán mặt bằng, Aeon Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tăng độ phủ. Lựa chọn phổ biến của các DN ngoại là hợp tác với DN trong nước có sẵn mặt bằng, đất sạch để hiện thực hóa chiến lược kinh doanh. Mua bán và sáp nhập, thâu tóm lĩnh vực bán lẻ đã, đang và sẽ tiếp tục sôi động một phần vì lý do này.

Nhận định về thị trường bán lẻ năm 2021, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam, cho rằng bức tranh sẽ thay đổi rất nhiều, đặc biệt là chân dung người mua hàng. Khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấy xu hướng người tiêu dùng thu nhập từ trung bình khá trở xuống điều chỉnh chi tiêu, chuyển từ các sản phẩm cao cấp sang sử dụng các mặt hàng bình dân hơn, chủ yếu rơi vào nhóm thực phẩm, thức uống. Chỉ riêng nhóm thu nhập cao chi tiêu nhiều hơn do nhiều khoản chi tiêu trước đây cho du lịch, nghỉ dưỡng không còn do dịch Covid-19.

"Các siêu thị muốn thu hút khách phải kết hợp giữa hình thức mua sắm và vui chơi, giải trí. Ngược lại, các siêu thị nhỏ lại trở thành nơi mua sắm thực phẩm hằng ngày" - ông Nguyễn Anh Dũng nhìn nhận.


Dịch Covid-19 làm thị trường phân hóa rõ hơn

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết dịch bệnh đã làm thị trường bán lẻ bị phân hóa rõ ràng hơn. Ở mặt tích cực, nó giúp các nhà bán lẻ biết rõ và tập trung hơn với đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, tốc độ chuyển biến của nhóm khách hàng chính và có sự điều chỉnh phù hợp để đáp ứng nhu cầu của khách. Chẳng hạn, theo số liệu thu thập được, Saigon Co.op thấy rõ tốc độ chuyển biến của phân khúc cao cấp diễn ra gấp 4-5 lần so với những năm trước.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng có nhu cầu cao hơn về các hình thức thanh toán tiện lợi không dùng tiền mặt, các dịch vụ tiện ích... Đó chính là cơ sở để nhà bán lẻ có những bước đi chiến lược trong giai đoạn mới.


Theo Phương An (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

(GLO)- Honda ICON e là mẫu xe máy điện hướng đến đối tượng học sinh với thiết kế cao cấp nhưng nhỏ gọn. Xe có mức giá dưới 30 triệu đồng, được phân phối tại thị trường Việt Nam với 3 phiên bản thể thao, đặc biệt và cao cấp cùng 6 lựa chọn màu sắc gồm xám, xanh, bạc, đen, đỏ xám và trắng xám.

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

(GLO)- Maserati Levante LE350AL21 mang đậm chất thể thao, kết hợp giữa thiết kế tinh tế và công nghệ tiên tiến. Với động cơ mạnh mẽ, khả năng vận hành tuyệt vời, Levante LE350AL21 chắc chắn sẽ làm hài lòng những tín đồ yêu thích sự khác biệt và đẳng cấp. Xe hiện có giá khoảng 5,4 tỷ đồng.

Aprilia Tuareg 660: Bạn đồng hành lý tưởng trên mọi cung đường phiêu lưu có giá 498 triệu đồng

Aprilia Tuareg 660: Bạn đồng hành lý tưởng trên mọi cung đường phiêu lưu có giá 498 triệu đồng

(GLO)- Aprilia Tuareg 660 là mẫu xe adventure đa năng, kết hợp giữa khả năng off-road ấn tượng và sự thoải mái trên những hành trình dài. Với thiết kế hiện đại, động cơ mạnh mẽ và công nghệ tiên tiến, Tuareg 660 là lựa chọn lý tưởng cho những ai đam mê khám phá và chinh phục mọi địa hình.