Theo dòng sông Bé - Bài 3: Kỳ vọng phát triển du lịch trên sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi tích nước cho Nhà máy Thủy điện Cần Đơn vận hành, vùng lòng hồ rộng lớn tiếp giáp giữa 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) có nguồn tôm cá phong phú đã giúp nhiều hộ dân phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ du lịch… thu hút khách tham quan, thưởng ngoạn.

Dọc bờ sông Bé qua 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương còn có nhiều vườn cây trái quanh năm xanh tốt; nhiều di tích lịch sử, văn hóa đang là điểm đến của du khách.

Bồng bềnh làng cá

Gia đình anh Trần Văn Khỏe (SN 1982, ngụ thôn Bù Tam, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập), từ Campuchia về lòng hồ Thủy điện Cần Đơn từ năm 2008, dựng nhà gỗ, lợp tôn khá kiên cố, sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng bè. Anh Khỏe chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi một bè cá lăng nha vài trăm con, 2-3 năm thu hoạch một lần, tính ra mỗi năm thu lời vài chục triệu đồng. Nhờ nguồn thủy sản sẵn có trên hồ, vợ chồng tôi bơi thuyền đi giăng câu, thả lưới bắt tôm cá để bán cho bà con trong vùng, mỗi ngày được tầm 200.000-300.000 đồng”. Để có thêm thu nhập, gia đình anh còn nhận hạt điều nhân của các cơ sở chế biến trong vùng để bóc vỏ lụa, mỗi 1kg kiếm được 5.000 đồng, tuy không giàu có nhưng cũng không lo đói, con cái được đi học đàng hoàng nên anh yên tâm gắn bó với lòng hồ.

Bà con ngư dân mưu sinh bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên vùng lòng hồ Thủy điện Cần Đơn. Ảnh: HOÀNG BẮC

Bà con ngư dân mưu sinh bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên vùng lòng hồ Thủy điện Cần Đơn. Ảnh: HOÀNG BẮC

Rời nhà anh Khỏe, chúng tôi bơi thuyền đến nhà hàng nổi Bảy Tiên trên lòng hồ Thủy điện Cần Đơn mở hơn 10 năm nay do vợ chồng chị Phan Thị Cẩm Thúy (ngụ xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập) làm chủ. Chị Thúy cho hay, công việc kinh doanh, buôn bán khá thuận lợi, nhà hàng được gia đình mua lại với giá 600 triệu đồng từ một người quen. Dù khá xa trung tâm nhưng điện được kéo về phục vụ nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán các món chế biến từ thủy sản như tép cuốn bánh tráng, gỏi cá, lẩu cá lăng nha… Các ngày cuối tuần, dịp lễ, tết, khách kéo về nhà hàng rất đông để ăn uống vui chơi, đi xuồng trải nghiệm lòng hồ; trừ chi phí, mỗi tháng, chị Thúy thu về khoảng 50 triệu đồng.

Anh Bùi Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh, đi cùng chúng tôi, cho biết, năm 2003, Thủy điện Cần Đơn triển khai xây dựng, trong quá trình ngăn dòng, nước đập dâng lên tạo nên vùng lòng hồ rộng lớn. Thấy nguồn lợi tiềm năng từ lòng hồ nên hơn 10 năm trước, khoảng 90 hộ dân đến cư trú, sinh sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Hiện có gần 50 hộ dân được cấp đất tái định cư tại thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập), số còn lại chưa đủ điều kiện cấp tái định cư vẫn ở lại lòng hồ mưu sinh. Điều đáng quý, bà con siêng năng làm lụng nên không còn hộ đói, nghèo, trẻ em được đến trường và tuân thủ quy định về nơi cư trú tại địa phương

Kết nối tuyến du lịch trên sông

Từ trung tâm TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), chúng tôi xuôi theo đường ĐT741 về huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương), ngoài đường nhìn vào đã thấy hình ảnh “độc lạ” từ cây cầu gãy nhịp (cầu sông Bé, cầu Gãy) ngay giữa dòng sông Bé.

Theo khảo sát của Ban quản lý di tích tỉnh Bình Dương, cầu có bề ngang hơn 4,5m, chiều dài mỗi bên cầu còn lại khoảng 50m, gồm 3 nhịp dầm thép, bê tông, chỗ cao nhất hai bên thành cầu 6m, thấp nhất 3,5m, chân cầu cao 30m. Ngược dòng lịch sử, cầu sông Bé được người Pháp xây dựng những năm 1925-1926, khi thành lập Sở cao su Phước Hòa, nhằm phục vụ cho khai thác thuộc địa, cũng như mở rộng những đồn điền cao su tại địa bàn Phú Giáo, Phước Long. Trong kháng chiến chống Mỹ, quân dân Phú Giáo đã tổ chức nhiều đợt tấn công làm giảm sinh lực địch, đỉnh điểm là đêm 27, rạng sáng ngày 28-4-1975, lực lượng vũ trang huyện Phú Giáo đã diệt địch và làm chủ tình hình tại 2 xã Bình Mỹ và Bình Cơ dọc trục lộ 16, mở đường cho 2 cánh quân của Quân đoàn 1 đánh qua hướng Tây (nam Bến Cát) xuống Dĩ An, Lái Thiêu, khiến quân địch ở chi khu Phú Giáo (Phước Vĩnh) rút qua cầu sông Bé tháo chạy về Lai Khê. Trên đường tháo chạy, địch cho đặt mìn phá hủy cầu sông Bé ngăn bước tiến của quân giải phóng. Ngày nay, cầu Gãy - Sông Bé đã trở thành chứng tích lịch sử oai hùng, thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, anh dũng của quân và dân tỉnh Bình Dương.

Anh Nguyễn Minh Hoàng (SN 1974, ngụ TPHCM), cùng nhóm bạn vượt hơn 70km đến check-in tại cầu Gãy dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2023). Anh nói: “Hình ảnh cầu Gãy giữa sông rất độc lạ. Đến đây, chúng tôi cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, người dân ngụp lặn bắt cá, chèo thuyền trên sông tạo nên một không gian rất yên bình”.

Còn ông Lê Minh Khang, sinh sống ngay khu vực cầu, chia sẻ: “Đã có rất nhiều người đến đây để chụp ảnh cưới. Gần đây, không ít đoàn làm phim cũng đến đây tham khảo làm bối cảnh quay, nhiều du khách nước ngoài tới tìm hiểu, chụp ảnh khiến vùng quê này trở nên nhộn nhịp hơn”.

Ngã 3 Vàm sông Bé (giáp ranh xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương và xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nơi sông Bé đổ vào sông Đồng Nai, chắc hẳn còn mới lạ với nhiều người, nhưng đối với người dân xã Hiếu Liêm, nơi đây là một phần ký ức tuổi thơ. Chị Mai Anh (38 tuổi, ngụ xã Hiếu Liêm) được sinh ra khi mẹ còn trên thuyền, lớn lên cũng gắn bó với dòng sông nên hiểu rõ con nước bên đục bên trong ngay ngã 3 sông, khi nước sông Bé hòa vào dòng Đồng Nai. Chị kể: “Vào mùa mưa, sẽ thấy rõ rệt 2 màu khác biệt ở ngay cửa sông, cùng với không gian ngã ba sông rộng lớn, tạo nên một hình ảnh rất tuyệt vời, tiềm năng phát triển du lịch sông nước rất tốt”.

Ông Tô Hữu Phúc (SN 1941, từng sống, chiến đấu ở khu vực sông Bé), cho rằng, nếu ngành chức năng tổ chức nối tuyến du lịch ở khu vực Vàm sông Bé sẽ tạo sự đột phá, thu hút du khách khám phá sông nước, vườn cây ăn trái dọc triền sông; hoặc ngược dòng ngắm Nhà máy Thủy điện Trị An, tham quan Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ và xuôi dòng đến cầu Gãy, Dinh Tỉnh trưởng Phước Thành (huyện Phú Giáo)... Dù có nhiều tiềm năng, nhưng các ý tưởng còn đang thai nghén, chưa được triển khai trên thực tế nên việc phát triển du lịch ven sông Bé còn khá khiêm tốn.

Trong kế hoạch phát triển tuyến và sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các địa bàn dọc lưu vực sông Bé thuộc không gian phát triển phía Đông với định hướng phát triển tham quan các di sản văn hóa, du lịch sinh thái miệt vườn. Trong khi chờ các chính sách, kế hoạch được thực thi có hiệu quả, thì những khu vườn bạt ngàn cam, quýt, bưởi, chuối... các di tích lịch sử có thể thu hút du khách trong và ngoài nước bằng tin tức, viral videos (lan truyền nhanh chóng, nổi bật trên các kênh báo chí, mạng xã hội), giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Theo HOÀNG BẮC - XUÂN TRUNG - BÙI LIÊM (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.