Theo chân người cắm mốc chủ quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng sớm, 10 thành viên thuộc Đội Phân giới cắm mốc (PGCM) 6B, tỉnh Tây Ninh mang theo máy móc, thiết bị ra biên giới khảo sát vị trí cắm cột mốc 121, 122. Đến nơi, sau khi gặp gỡ, trao đổi với đội PGCM Campuchia, hai bên nhanh chóng tiến hành công việc.

So sánh hình ảnh trên bản đồ với vị trí mình đang đứng, các anh phát hiện toàn bộ dấu tích liên quan đến cột mốc không còn. Đây là tình huống thường xuyên xảy ra, không thuộc thẩm quyền xử lý của đội. Hai đội quay về, báo cáo và chờ ý kiến chỉ đạo.

 

Tổ công tác phân giới cắm mốc làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới.
Tổ công tác phân giới cắm mốc làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới.

Hai bên đồng lòng, không sợ không xong!

Trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội PGCM 6B, giải thích Việt Nam và Campuchia căn cứ bản đồ đo vẽ từ thời Pháp phục vụ PGCM. Trải qua thời gian quá lâu nên địa hình, địa vật ngoài thực địa có nhiều thay đổi so với thể hiện trên bản đồ.

Theo bản đồ, hai nước có một đường mòn (chạy gần như song song với đường đỏ - đường ranh giới trên bản đồ và thực địa do Ủy ban Liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia xác định nhằm phân định ranh giới) làm trục xác định vị trí cột mốc. Qua khảo sát đoạn từ cột mốc 121 đến 122, tổ phát hiện toàn bộ dấu tích liên quan đến con đường ấy đã mất. Chính vì thế, hai nước một lần nữa họp bàn, thống nhất vị trí cột mốc theo đường đỏ. Nắm tinh thần chỉ đạo, đội PGCM hai bên phối hợp xác định tọa độ trên bản đồ. Sau đó, hai đội ra thực địa tìm vị trí cắm mốc theo tọa độ bản đồ. Tuy nhiên, không phải lần trục trặc nào hai phía cũng giải quyết nhanh chóng như thế. Điển hình như lần cắm cột mốc 169. Tình huống tương tự cột mốc 121, 122, hai bên đồng ý dùng “phương án đường đỏ”. Tuy nhiên, khi ra tới thực địa, phía bạn mong muốn tìm phương án khác vì nếu theo “phương án đường đỏ”, biên giới nước bạn sẽ mất phần diện tích nhiều hơn dự tính. Hai đội một lần nữa quay về. Cuối cùng, cách giải quyết hợp lý nhất hai bên đưa ra và thực thi là xác định lại tọa độ phần đường mất trên bản đồ. Ra biên giới, máy cho kết quả tọa độ ở đâu thì cột mốc sẽ đặt đúng vị trí đó.
 
Là người tham gia xuyên suốt quá trình PGCM trên tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh, thượng tá Trần Văn Vững, nguyên Đội trưởng, Đội PGCM 6B, chưa bao giờ quên những ngày đầu tiên tổ công tác PGCM Việt Nam - Campuchia đặt máy đo tọa độ. Năm 2009, Việt Nam và Campuchia kết hợp xác định lại đường biên giới. Lúc này, ban chỉ đạo, đội PGCM hình thành với nhiều thành phần. Trên bản đồ hiển thị như vậy, nhưng ở thực địa phát sinh nhiều tình huống. Nhiều khu vực không có sóng vệ tinh, đội PGCM đo đạc nhiều lần, phải đảm bảo độ chính xác tuyệt đối. Điển hình, tại cột mốc 95, máy đo 15 lần mới tìm ra tọa độ cột mốc. “Tổ công tác luôn thường trực ở biên giới. Chúng tôi nắm chắc đặc thù từng khu vực, dự báo chính xác chỉ số sai lệch có thể xảy ra; từ đó có phương án xử lý kịp thời. Trong quá trình hợp tác, đội PGCM hai bên xem nhau như người nhà nên công việc dù khó mấy thì kết quả vẫn suôn sẻ. Chúng tôi thường nói với nhau rằng, hai bên đồng lòng, không sợ không xong. Sau kết quả về PGCM, đây có lẽ là thành quả ý nghĩa nhất đối với những người gắn bó với công tác PGCM của hai nước”, thượng tá Trần Văn Vững bộc bạch.

Có rất nhiều kỷ niệm trong những chuyến công tác. Vào mùa mưa, đường biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh nước ngập ngang người. Đường sá lầy lội, không thể đi xe. Các thành viên tổ công tác PGCM chia nhau mang vác vật tư, thiết bị máy móc. Trung úy Nguyễn Tuấn Đạt kể: “Giờ giải lao, đồng chí hai bên ngồi xuống tâm sự. Bạn kể về nước bạn, mình nói đến nước mình, chuyện gia đình, chòm xóm. Đường đi nước ngập, trơn trượt, người này ngã có người kia đỡ. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ, dẫn đường, bộ đội biên phòng nhận thêm trách nhiệm bảo vệ vị trí cột mốc, cọc dấu... đã xác định trong lúc chờ xây dựng. Công tác bảo vệ luôn nghiêm ngặt vì cọc đánh dấu chỉ cần có dấu hiệu xê xích là mọi công tác phải làm lại từ đầu. Chỉ huy phân công một tổ bảo vệ có ít nhất 2 người. Bộ đội căng lều bạt, thay nhau trực tại vị trí cọc tiêu. Những chỗ sâu trong rừng, các anh chuẩn bị mì tôm, nấu sẵn cơm, mang theo nước, ấm đun củi…

Đó là nhiệm vụ nghe chừng giản đơn nhưng cực kỳ quan trọng mà những người làm công tác PGCM đảm nhận. Theo lời các anh nói, dù là một nắm đất cũng cần giữ, vì đó là chủ quyền quốc gia.

Cam go mặt trận nhân dân

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật, đội PGCM hai nước còn cùng địa phương tuyên truyền mục đích, ý nghĩa khi PGCM; vận động người dân hai bên biên giới tham gia bảo vệ, gìn giữ cột mốc, đường biên.

Thượng tá Trần Văn Vững nhớ thời kỳ đầu, nhân dân hai nước qua lại, canh tác tự do. Như nói ở trên, nhiều khu vực sau khi đo đạc có thay đổi về quyền quản lý nên một số bà con chưa đồng tình. Thấu hiểu nguyện vọng an cư lạc nghiệp, chính quyền các ấp, xã hai bên biên giới tích cực thuyết phục, vận động. Địa phương, bộ đội biên phòng, tổ công tác PGCM đến từng hộ gia đình nói chuyện, phát tờ rơi, văn bản. Công tác tuyên truyền thực hiện theo phương châm mềm mỏng, khéo léo. Chính quyền huyện, xã biên giới nhờ người cao tuổi, có uy tín nói chuyện cặn kẽ với người dân.

Trước kia, cột mốc 95, 100 là điểm “nóng”. Vị trí hai cột mốc nằm trên đất canh tác chồng chéo của nông dân hai nước. Một bộ phận người dân hoang mang, lo lắng do chưa tìm hiểu cặn kẽ thông tin. Một số người hiểu lầm mình bị tổ công tác lấy đất nên có ý ngăn cản. Chưa kể, phía bạn chưa có lực lượng đứng chân tại địa bàn trực tiếp tham gia công tác PGCM. Do đó, việc nắm tình hình chưa sâu sát. Rút kinh nghiệm, ta đề nghị bạn đưa chính quyền địa phương vào cuộc. Thay đổi này tạo nhiều thuận lợi khi phối hợp, vận động quần chúng hai bên. Huyện nào có vướng mắc là chủ tịch huyện có mặt ngay.

 

Với sự nỗ lực của Việt Nam và Campuchia, đến nay hai bên đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công việc PGCM ở thực địa; xây dựng 314 cột mốc, phân giới 932/1.173km. Đặc biệt, chúng ta cắm được cột mốc đầu tiên ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, cột mốc cuối cùng trên bờ biển Vịnh Thái Lan, xây dựng 10 mốc đại ở cửa khẩu quốc tế.

Ông Đoàn Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hà (xã biên giới thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), cho hay dù tình hình ổn định nhưng chính quyền hai bên chưa từng lơ là công tác giáo dục, phổ biến pháp luật cho nhân dân hai nước. Xã có có 4/5 ấp cặp đường biên giới. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng bộ đội biên phòng cử 12 đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ 5 ấp. Từ đó, mỗi ấp trong xã có từ 2-3 đồng chí bộ đội. Ông Trường nhận xét: “Trong những lần họp chi bộ, các đồng chí bộ đội thông tin cho chi bộ tình hình biên giới, nắm tình hình nhân dân. Đây là cách làm mới, hiệu quả trong công tác bảo vệ, ổn định biên giới”.

Thời gian cam go đã qua. Giờ đây, thấp thoáng trên những cánh đồng lúa, rẫy cao su là cột mốc khẳng định chủ quyền quốc gia. Ở đó, người dân Việt Nam, Campuchia khắng khít, hòa đồng giao thương, canh tác.

Kỳ Lâm/sggp

Có thể bạn quan tâm

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Mai Thanh Minh trong một cuộc giao lưu tại Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt

Có một nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới Kỳ III - Những tù nhân thiếu nhi tự mổ bụng phản đối kẻ thù

Ở Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, đáng sợ nhất đối với các tù nhân nhỏ tuổi là cái rét kinh người trong khi chỉ có manh áo mỏng che thân. Kẻ thù cũng biết điều đó, và chúng đã dùng thủ đoạn cực kỳ dã man là dội nước vào những người tù nhỏ bé, yếu ớt trong đêm khuya giá lạnh.

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.