Thêm kênh vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức triển khai nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để các doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây cũng là kênh dẫn vốn mới “tiếp sức” doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong số gần 7.500 doanh nghiệp tại Gia Lai có 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Đây là lực lượng đóng góp đáng kể vào cơ cấu GDP của tỉnh và tạo việc làm cho rất nhiều lao động. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên các SME rất dễ tổn thương khi thị trường biến động, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trước bối cảnh thị trường bị thu hẹp, hoạt động kinh doanh trì trệ, đầy rủi ro khiến các ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong việc xét duyệt cho SME vay vốn.

 Các SME sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Hà Duy
Các SME sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Hà Duy



Ông Nguyễn Tiến Toàn-Giám đốc Công ty TNHH Toàn Phát (TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi thành lập doanh nghiệp được gần 2 năm. Là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực mua bán và chế biến nông sản nên gần như 90% vốn, tài sản đều đổ vào hàng hóa và trang-thiết bị sản xuất. Dịch bệnh phức tạp khiến hàng hóa ế ẩm, thị trường thu hẹp nên doanh nghiệp gặp khó khăn. Mong mỏi lớn nhất của tôi lúc này là có được nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: “Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp bị giải thể, tạm ngừng hoạt động hầu hết là các doanh nghiệp mới thành lập hoặc thời gian tham gia thị trường chưa lâu, năng lực tài chính yếu, không đủ sức “gồng” các khoản chi phí trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Nếu tiếp cận được nguồn vốn vay, chắc chắn sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn đầy khó khăn hiện nay”.

Để tháo gỡ vấn đề này, mới đây, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức triển khai cho các SME vay vốn với lãi suất ưu đãi. Bà Hoàng Thị Hồng-Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa-cho biết: “Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất 2,16%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 4%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Đây là gói tín dụng có lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay nhằm hỗ trợ trực tiếp các SME còn khó khăn, yếu thế, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp”.

Được biết, trước đây, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cho vay vốn thông qua ủy thác với 5 ngân hàng gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB), Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển TP. Hồ Chí Minh (HD Bank), Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á (Bac A Bank). Còn hiện nay, Quỹ đã được bổ sung thêm chức năng cho vay trực tiếp, điều này giúp các SME tiếp cận nguồn vốn ưu đãi bằng nhiều phương thức khác nhau.

Các DN khởi nghiệp sáng tạo hoặc nằm trong các chuỗi giá trị, tham gia liên kết ngành sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển doanh nghiệp SME. Ảnh: Hà Duy
Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc nằm trong các chuỗi giá trị, tham gia liên kết ngành sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển doanh nghiệp SME. Ảnh: Hà Duy

Các SME có thể chuyển thông tin đề nghị vay vốn trực tiếp về Quỹ để được tư vấn tiếp cận vốn vay qua địa chỉ: Phòng Hỗ trợ doanh nghiệp-Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, số 6B, Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 02437957855/02437957897. Email: smedf@mpi.gov.vn ; Facebook: http://facebook.com/smedf.mpi. Website: http://phattriendnnvv.mpi.gov.vn

Bà Hoàng Thị Hồng thông tin thêm: Để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này, SME phải đáp ứng các điều kiện như: có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đáp ứng các quy định về đảm bảo tiền vay quy định của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, đối với các SME tham gia cụm liên kết ngành thì dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi phải nằm trong khu vực địa lý của cụm liên kết ngành và có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với doanh nghiệp khác trong cụm liên kết ngành hoặc cùng xây dựng, sử dụng thương hiệu vùng. Đối với các SME tham gia chuỗi giá trị thì dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi được triển khai phải trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với doanh nghiệp trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của chuỗi giá trị.

Hiện mức cho vay gián tiếp của Quỹ đối với mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh, nhưng tối đa không quá 7 năm. Thời điểm này, các SME có thể nộp hồ sơ đề nghị vay vốn tại điểm giao dịch của các ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp qua bưu điện hoặc vay trực tiếp Quỹ.

 

HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.