Thầy giáo thức thâu đêm tìm cách dạy học trong tâm dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù ở trong tâm dịch trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng thầy giáo Bùi Thái Nam vẫn nỗ lực dạy trực tuyến, giúp 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, 1 học sinh đạt điểm 10 môn toán duy nhất của tỉnh.
 

Dạy học cả ngày và đêm

H.Tân Yên là một trong những điểm nóng về dịch Covid-19 của tỉnh Bắc Giang trong các tháng 5 - 7.2021. Nhiều học sinh (HS) không thể đến trường vì ở trong khu cách ly, phong tỏa. Trước khó khăn đó, thầy Bùi Thái Nam (Trường THPT Tân Yên số 1, H.Tân Yên, Bắc Giang)đã tiên phong trong việc dạy học trực tuyến, tiếp sức cho nhiều em để mở cánh cửa bước vào đại học. Hành trình ấy là một chặng đường không ít khó khăn.

Thầy Nam tâm sự, các em hoang mang thực sự vì chưa học trực tuyến bao giờ. Nhiều em ở khu vực phong tỏa, khu cách ly rất sợ bị mắc bệnh, đặc biệt là các em F1 không có tâm trí học. Nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, đông con học, nên việc chuẩn bị một lúc nhiều phương tiện cho các con học rất khó. Nhiều trường hợp phải đợi bố mẹ đi làm về mới có phương tiện cho các cháu học. Bên cạnh đó, nhiều HS không quen học trực tuyến, giáo viên không sát sao thì trò đi ngủ, hoặc mở những nội dung khác xem mà không tập trung vào học. “Đặc biệt, với các HS trung bình, học lực yếu, thì học trực tuyến rất khó khăn, nếu bỏ bẵng coi như kiến thức của các em bằng 0 hết”, thầy Nam nói.

 

Thầy Bùi Thái Nam vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến cho học sinh - Ảnh: Vũ Thơ
Thầy Bùi Thái Nam vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến cho học sinh - Ảnh: Vũ Thơ


Để các em yên tâm theo học, việc đầu tiên thầy Nam đã trấn an tâm lý các em; đặc biệt các HS thuộc diện F1, F2, thầy phải gọi điện trực tiếp để động viên và liên hệ phụ huynh cố gắng tạo điều kiện cho các em có phương tiện học tập. Bên cạnh đó là phải thay đổi phương pháp giảng dạy, trong đó việc thiết kế bài giảng phải phù hợp với dạy trực tuyến.

“Nếu dạy như trực tiếp thì như ru ngủ các em, phải lồng ghép vừa dạy vừa có những hoạt động, trò chơi, trắc nghiệm về nội dung bài để tất cả các em đều tham gia. Riêng HS yếu phải chia nhóm, để ngoài dạy trên lớp phải phụ đạo, kèm riêng. Nhiều HS phải dạy phụ đạo thêm, chứ để dạy như trên lớp thì các em không nắm được”, thầy Nam kể.

Vì thế, để giúp HS nắm được kiến thức, thầy Nam đã làm việc gấp 2 - 3 lần so với việc dạy trực tiếp. Thầy dành hầu hết thời gian nghỉ ngơi của mình để dạy phụ đạo cho HS yếu, kém; tăng thời gian cho HS vào buổi đêm. Nhiều khi thầy phải thức tận sáng để có một buổi tập huấn, bài giảng tốt nhất.

“Riêng mình ngủ rất ít, thường xuyên 1 - 2 giờ đêm mới ngủ, hoặc thức đến sáng là chuyện bình thường. Phải hy sinh công việc cá nhân, với mục đích cuối cùng là truyền thụ kiến thức cho HS. Mình chịu khó chịu khổ, các em có kết quả tốt là mình vui”, thầy Nam tâm sự.

 

 Thầy Bùi Thái Nam tận tình chỉ dạy cho các em học sinh sau mỗi bài giảng của mình-Ảnh: Vũ Thơ
Thầy Bùi Thái Nam tận tình chỉ dạy cho các em học sinh sau mỗi bài giảng của mình-Ảnh: Vũ Thơ


Hết lòng vì học sinh

Nhờ những nỗ lực và tâm huyết của thầy Nam, năm học vừa qua dù rất khó khăn nhưng HS do thầy dạy đã có 1 em đoạt giải nhì, 1 em đoạt giải ba môn toán cấp tỉnh. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 1 HS đã đạt điểm 10 môn toán duy nhất của tỉnh Bắc Giang. Lớp học do thầy làm chủ nhiệm 100% đỗ tốt nghiệp THPT; rất nhiều em đã đỗ vào các trường đại học hàng đầu của cả nước như: Trường ĐH Bách khoa, Y Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân; 90% HS đỗ nguyện vọng 1.

Hiện nay, dù dịch Covid-19 ở Bắc Giang đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn những vùng đang phải cách ly, phong tỏa, nên 300 HS không thể tới trường. Vì vậy, thầy Nam đã cùng nhà trường thiết kế bài giảng vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến.

Khi chúng tôi đến thăm, thầy đang dạy đồng thời 2 cách dạy này, trong cùng một lớp học. Với cách dạy như vậy, tuy không đến trường, nhưng HS vẫn được học như các bạn ở lớp. “Nhiều khi mình quen dạy trực tiếp nên đôi lúc quên các em đang học trực tuyến, do đó mình quan tâm để các em học trực tuyến phát biểu nhiều hơn, để các em không cảm thấy bị thiệt thòi. Đồng thời, luôn dành thời gian trả lời tin nhắn điện thoại của HS hỏi về bài giảng, kể cả có những lúc giữa đêm, vì lúc đó HS mới mượn được điện thoại của bố mẹ để học bài”, thầy Nam kể.

Có lẽ từ sự quan tâm ấy của thầy Nam mà khi nói về thầy, các HS đều rất hào hứng. Em Dương Hoài Linh (lớp 10A5) cho biết thầy luôn quan tâm hỏi han, giao bài tập và kiểm tra, nếu bạn nào học kém thầy dạy học miễn phí để phụ đạo cho các em.

Thầy Phạm Hùng Cường (Hiệu trưởng Trường THPT Tân Yên số 1, H.Tân Yên) cho biết: “Thầy Nam là giáo viên nhiệt tình, hết lòng vì HS, được HS, phụ huynh tin yêu. Thầy luôn nhiệt tình, năng nổ với các công việc của nhà trường. Khi tiếp cận phương pháp dạy học trực tuyến, thầy là một trong những giáo viên đầu tiên sử dụng phương pháp dạy học này để hướng dẫn các em HS, hướng dẫn các thầy cô khác sử dụng thành thạo nền tảng dạy học trực tuyến. Thầy còn là giáo viên cốt cán của Sở GD-ĐT Bắc Giang tham gia tập huấn cho các thầy cô giáo trên địa bàn của tỉnh”.

 

Theo VŨ THƠ (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.