Thấm tình đồng chí, nghĩa đồng bào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

9 năm làm nhiệm vụ ở căn cứ đầy gian khổ, ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ là quãng thời gian nhiều ý nghĩa, sâu đậm tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

9 năm công tác ở căn cứ Krong (tỉnh Gia Lai), y tá Nguyễn Thị Tuất (ngụ TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội đã kiên cường chịu đựng mọi gian khổ để cứu chữa thương, bệnh binh. Nhưng với bà, đấy lại là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình.

Quanh năm chỉ lá mì, rau lang

"Ở căn cứ, cái ăn bấy giờ chủ yếu dựa vào nguồn tăng gia sản xuất tại chỗ, nên vô cùng thiếu thốn" - bà Tuất kể. Gạo, tiêu chuẩn cứ 3 người thì được 1 lon, nhiều khi phải dùng đến gạo mốc, mọt, cho nước vào là cứ nổi lều phều, bóp mạnh một chút đã vỡ vụn ra. Nói "cơm độn mì" nhưng đúng ra phải nói ngược lại "mì độn cơm" mới đúng.

Mỗi ngày được ăn ba bữa nhưng sáng và tối là chính, còn trưa thì mỗi người chỉ được 2 khúc mì luộc. Thường trực là mì nhưng không có nghĩa là được ăn thả cửa. Để tiết kiệm, rẫy mì nào trồng được 2 năm mới nhổ. Cơm nước đã vậy, thức ăn cũng kham khổ không kém. Trừ đôi lần anh em săn được thú rừng, đánh lưới được chút cá suối, còn thì quanh năm suốt tháng chỉ lá mì, rau lang nấu với muối pha chút bột ngọt. "Có lúc thiếu cả rau, chúng tôi phải chặt chuối rừng lấy lõi, giã ra nấu lên để đưa cơm" - giọng bà Tuất trầm xuống.


 

Y tá Nguyễn Thị Tuất
Y tá Nguyễn Thị Tuất


Có một kỷ niệm mà bà không thể nào quên. Lệ thường, cứ mỗi năm, vào kỳ tuốt lúa, anh em sẽ được cơ quan cho ăn thỏa sức 2 bữa cơm không độn cho bõ những ngày mài họng với củ mì. Thế nhưng, vụ lúa năm 1967 ấy, rẫy lúa tăng gia của cơ quan ở Buôn Lới bị địch rải chất độc hóa học.

"Lúc chúng tôi vào thu hoạch thì lúa đã mềm oặt, rã cả xuống bùn. Vì tiếc công và tiếc cả hai bữa cơm không độn, mọi người vẫn cố gắng nhặt nhạnh, mong vớt vát được hạt nào hay hạt ấy. Rồi thì cũng được một ít. Chúng tôi mừng rơn, mang về tíu tít xay, giã. Không khí vui nhộn cứ như ngày Tết. Lúc ấy, có người đề nghị rằng hôm nay phải nấu mỗi người 2 lon thì ăn mới đã. Người khác gàn có ăn hết không mà nấu nhiều thế!". Cuối cùng thì quyết nghị là cứ tính mỗi người nấu một lon rưỡi" - đôi mắt bà Tuất bỗng hoe đỏ, tràn ra những giọt nước mắt khiến lòng tôi chùng xuống.

Rồi bà kể lúc ấy háo hức quá, ai cũng ngồi chuyện gẫu cho quên đi quãng thời gian đợi chờ đến phút giây hạnh phúc. Nhưng nồi cơm vừa sôi, ai nấy đều khịt mũi. Quái, sao lại có cái mùi gì như thuốc Penicillin bốc ra từ nồi cơm? Bây giờ mọi người mới ngẩn ra: Hẳn là chất độc hóa học đã ngấm vào hạt lúa khiến nó bốc lên cái mùi kinh khủng ấy!

Vừa lúc ấy, thủ trưởng đơn vị đi qua, thấy vậy bèn la lớn: "Đổ nồi cơm đi. Tụi bây ăn vào là chết đấy!". Nghe vậy, mọi người đã toan làm theo lời thủ trưởng nhưng nghĩ tiếc công và quá thèm nên cứ chần chừ. Cuối cùng thì cái đói, cái thèm đã lấn át nỗi sợ. Mọi người vẫn lén xới cơm ăn.

"Riêng phần cơm cho thủ trưởng, tất nhiên là không thể để ông ăn như thế này được. Tôi lấy 1 lon gạo khác, nấu riêng, mang lên cho ông. Nhưng vừa giở nắp ăng gô cơm, ông đã hỏi ngay: "Sao cơm này lại có mùi khác? Nồi cơm lúc chiều đâu? Tôi thú thật là do đói quá, anh em đã lén ăn hết rồi. Nghe vậy, ông bật khóc, nghẹn ngào nói "cơm nhiễm chất độc hóa học, tụi bây ăn vào chết mất thì lấy ai bám trụ phục vụ cách mạng?". Rồi ông ngồi thừ ra không chịu ăn.

Mọi người phải năn nỉ mãi, nói thủ trưởng là người cầm cân nảy mực, anh em có thể mất người này người khác nhưng thủ trưởng mà mất là khó khăn cho toàn căn cứ. Rốt cuộc, ông phải chịu cầm đũa. Vừa ăn, ông vừa khóc: "Anh em sống chết có nhau, gian khổ sẻ chia cùng nhau. Tôi không thể sống khác anh em đồng đội được".

Gian khổ trở nên bình thường

Năm 1968, bà Tuất được điều sang trạm y tế tiền phương. Ở nơi đóng quân mới, đơn vị phục vụ chủ yếu là thương binh của các đơn vị 408, K31, K6 từ mặt trận chuyển về. Thuốc men được ưu tiên khá đầy đủ nhưng điều kiện ăn uống, sinh hoạt thì khó khăn, thiếu thốn còn hơn lúc trước ở căn cứ.

Để có đủ lương thực cho trạm, anh chị em phải thay phiên nhau vừa phục vụ thương binh, vừa tăng gia sản xuất. Đến mùa vụ thì đi tuốt lúa thuê cho đồng bào dân tộc để được bà con trả công bằng lương thực.


 

 
Niềm vui tuổi già của y tá Nguyễn Thị Tuất là những chuyến đi thăm đồng đội, chăm sóc vườn tược và vui vẻ với con cháu
Niềm vui tuổi già của y tá Nguyễn Thị Tuất là những chuyến đi thăm đồng đội, chăm sóc vườn tược và vui vẻ với con cháu


Bà Tuất kể: "Một lần, tôi cùng hai cô nhân viên của trạm đi tuốt lúa thuê thì đụng phải bọn biệt kích đi phục. Rất may, hai cô gái là người địa phương, bằng giác quan nhạy bén của mình đã phát hiện ra chúng từ xa, giúp chúng tôi thoát hiểm. Lương thực đã thiếu, thức ăn so với trong căn cứ lại càng kham khổ. Thường trực là lá dớn, môn vót, trái sung rừng, lá mì… cho vào chút cá bánh (cá muối ép thành bánh từ tuyến sau chuyển lên) quậy ra cho có hương vị rồi nấu thôi".

Thế nhưng không phải mọi thứ lúc nào cũng có đủ. Môn vót phải lấy tiết kiệm, chỉ được bứt lá và thân, để dành củ cho chúng còn mọc lại. Lá mì là phổ biến nhất nhưng ăn mãi cũng hết, đôi khi phải dùng đến cả thứ lá già. Chính thứ "rau" này mà bà đã có một kỷ niệm nhớ mãi.

Số là hôm đó, trạm có khách. May là lúc ấy còn ít mắm bánh, nhưng nếu chỉ độc món này thì không thể đưa cơm nổi. Phải có nồi canh nhưng lấy đâu ra rau bây giờ? Bí quá, bà Tuất quyết định ra rẫy mì bòn xem được chút lá nào không. Nhưng trước đó anh em đã bòn đi bòn lại bao lần rồi nên giờ rẫy mì đã xác xơ, trơ cây, chỉ còn những cọng lá đã chuyển sang vàng.

Thì đành vậy, cứ hầm cho nhừ là được. Nghĩ vậy nên bà cứ hái mang về. Thoạt thấy nồi canh bưng ra, mấy vị khách phấn khởi bảo hôm nay trạm chơi sang quá, đãi khách cả thịt bò hầm. Có người còn hít hà rằng chẳng biết bao lâu rồi không được ăn thịt bò. Đến khi vỡ lẽ đấy là lá mì già hầm với trái sung rừng thì mọi người được một phen cười đau cả ruột.

Trạm y tế tiền phương là nơi gần mặt trận nhất. Vả lại, mọi sự gian khổ thì cán bộ, chiến sĩ ở đây ai cũng từng, lâu dần trở nên bình thường. Lúc này, vượt lên tất cả là phải làm sao lo tròn nhiệm vụ cứu chữa, bảo vệ an toàn cho anh em thương binh. Không nhớ đã bao nhiêu lần họ phải di chuyển trạm vì địch dò tìm gắt gao. Mỗi lần di chuyển là tất cả phải làm lại từ đầu, vô cùng cực nhọc.

Bất lực, nhìn đồng đội mất

Chiến tranh, tất yếu không thể tránh khỏi hy sinh. Không chỉ các chiến sĩ ngoài mặt trận mà ngay tại trạm y tế tiền phương mà bà Tuất và đồng đội công tác cũng chịu nhiều mất mát. Cho đến bây giờ, trong câu chuyện kể của bà, tôi vẫn cảm được nỗi đau của trận bom B52 vào năm 1970. Hôm đó, 20 cán bộ, chiến sĩ được trạm phân công đi tăng gia sản xuất. Buổi sáng, khu vực ngoài trạm đã bị địch rải thảm một trận bom nên anh em chủ quan, cứ nghĩ theo quy luật đánh bom dạo đó thì nơi nào đã rải bom rồi chúng sẽ không lặp lại nữa. Nào ngờ, buổi chiều chúng quay lại ném bom.

Nguyên nhân sau này mới biết là do một đơn vị bộ đội làm lộ sóng truyền tin từ máy 15W. Nghe tiếng bom, mọi người vội chạy vào hang đá ẩn nấp. Bà Tuất kể: "Tôi và Thiên, Đậu, Bảo vừa kịp tới hang thì cũng vừa lúc bom rải tới gần. Mặt đất chao đảo như đưa võng. Hang đá rung lên răng rắc. Một khối đá to như đụn rơm bên ngoài cửa hang sập xuống, lăn lông lốc như trái bóng. Tiếng bom vừa dứt, chưa kịp tĩnh trí, tôi chợt nghe tiếng kêu đứt quãng chị Tuất ơi cứu em với".

Bà nhìn lại và bàng hoàng không tin vào mắt mình. Một người bị mảnh bom chém bay mất mảng cằm; người nữa mất cả phần bụng; rồi người còn lại thì mất hết phần mông. Cứu làm sao bây giờ khi trong tay không y cụ, không chút thuốc men. Vết thương của 3 người đều quá nặng mà máy bay địch vẫn lượn vòng trên đầu. Mọi người đành bất lực nhìn anh em lịm dần, rồi mất.

"Ở nơi tăng gia sản xuất thì đâu có vật dụng gì, nên tôi và một anh tên Phương, một anh tên Krít đành gạt nước mắt mang 3 người đồng đội tới chôn trần vào một cái hố nông bên cạnh chỗ một tảng đá vừa lăn xuống, rồi khẩn trương tìm cách quay về trạm. Trận bom của địch hôm đó còn làm ta mất 6 người nữa, là đồng chí trại trưởng trại sản xuất và 5 dân công tải hàng vừa tới trại nghỉ chân. Tất cả họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ một người có vợ ở quê" - bà nói trong xót xa.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, bà Tuất được tổ chức cho ra Bắc chữa bệnh. "Tính ra, tôi đã công tác tại căn cứ 9 năm và đi gần trọn những tháng năm gian khổ, ác liệt nhất. Đây chính là quãng thời gian đáng nhớ nhất của đời tôi - những tháng năm đã cho tôi thấm thía đến tâm can tình đồng chí, nghĩa đồng bào; cái giá phải đánh đổi để cuộc sống hôm nay có được những điều ngỡ như là bình thường nhất" - bà Tuất bùi ngùi.

 


Di dời ngay lập tức

"Tôi không quên được lần di chuyển trạm vào năm 1969. Bấy giờ, trước nguy cơ địch có thể càn tới trạm, lệnh trên truyền xuống phải di dời ngay lập tức. Lúc này trạm đang có 150 thương binh. Toàn trạm hối hả chuẩn bị. Tiếng súng chống càn dội về càng lúc càng gần khiến không khí ngày càng căng thẳng. Chỉ trừ những thương binh nặng được cáng, các thương binh còn lại phải tự mang tư trang theo đoàn. Bị người sau thúc, có anh em yếu trượt chân, lăn lông lốc xuống chân đồi" - y tá Nguyễn Thị Tuất kể và nhớ rõ may trận ấy quân ta chặn đánh quyết liệt, địch không thể tiến vào được nên đến chiều tối thì việc di chuyển hoàn thành. Tất cả thương binh đều được đưa về tới nơi ở mới an toàn.

CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
 

 
 

Theo Bài và ảnh: Ngọc Tấn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.