Thầm lặng dệt đường xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những chiếc xe, những chuyến hàng tấp nập ngược xuôi, từ thành thị về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên những con đường nhựa phẳng lì, uốn lượn theo những ngọn núi, băng qua những cánh rừng trong mù sương, trong nắng và gió mới... đem hơi thở của mùa xuân đến với mọi gia đình. Trên khắp các cung đường, một mùa xuân mới đang tràn về với mọi nhà…

Những cây cầu nối liền đôi bờ, những con đường phẳng lì nối phố với rừng. Giao thông mở đến đâu là chúng ta thấy rõ sự phát triển đến đó. Đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh không ngừng nâng cao, cải thiện, cái đói nghèo đang được đẩy lùi. Đóng góp quan trọng vào thành quả đó có công lao to lớn của người “lính” giao thông. Khi những con đường giao thông được xây dựng, mở rộng, nâng cấp đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên.

Đến giờ, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh một già làng ở xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) đã không kìm nổi lòng mình khi được chứng kiến con đường Đăk Tả - Ngọc Linh khánh thành đưa vào sử dụng. Già tâm sự: “Mình không nghĩ đời này lại được chứng kiến có con đường nhựa. Niềm mơ ước của già và dân làng đã thành hiện thực”.


 

Cầu bê tông dự ứng lực bắc qua sông Pô Kô ở thị trấn Đăk Glei. Ảnh: VP
Cầu bê tông dự ứng lực bắc qua sông Pô Kô ở thị trấn Đăk Glei. Ảnh: VP


Vâng, đúng là mơ ước, con đường Đăk Tả - Ngọc Linh (giờ đổi tên là Tỉnh lộ 673) giờ đây đã được nhựa hóa, việc đi lại thuận tiện gấp trăm ngàn lần so với trước kia. Trước đây, muốn vào Mường Hoong phải mất cả ngày đường thì nay chỉ mất khoảng 4 tiếng chạy xe. Tuyến đường huyết mạch này đã góp phần tích cực vào việc đánh thức tiềm năng trù phú của các xã phía Bắc của tỉnh như Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh. Những ngôi làng mới, những cảnh trù phú bạt ngàn một màu xanh đã và đang tựa hình theo con đường. Không còn cảnh cả làng kéo ra xem ô tô về làng; không còn cảnh “chống gậy” đi bộ, ngủ đường lên huyện họp mà thay đó là những chiếc xe máy đời mới chạy vù vù trên con đường nhựa. Cái đói cái nghèo cũng dần được thay thế bằng sự sung túc, no đủ, hạnh phúc. Đó chính sự thay đổi của vùng sâu, vùng xa trong tỉnh nhờ con đường mới.

Để có được sự đổi thay ấy là sự “hy sinh” thầm lặng của những người “lính” giao thông “đi trước mở đường”. Khi được đi trên con đường phẳng lì ấy, có ai nghĩ về họ và hiểu được những nỗi vất vả của cán bộ, kỹ sư, công nhân xây dựng cầu đường. Họ vẫn miệt mài lao động để dệt nên những con đường xuân. Sự hy sinh của họ đã và đang làm nên hình hài các con đường, cây cầu mới. Với họ, niềm vui và hạnh phúc nhất là đã góp sức nhỏ vào sự đổi thay cho vùng đất, đời sống người dân được nâng cao khi con đường được mở. Đó là động lực động viên họ tiếp tục cống hiến xây lên những con đường xuân.

“Giờ đây, khi trở lại vùng đất nơi con đường đi qua, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay. Từ một vùng đất hoang hóa, khó khăn, cách trở, nay văn minh đã về, thôn làng trù phú và cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao. Điều đó làm chúng tôi rất vui mừng vì mình đã góp chút công sức cho sự phát triển và đổi thay đó.” - kỹ sư Trần Ngọc Thanh (Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng công trình giao thông Kon Tum) phấn khởi nói.   

Tương tự, hơn 12 năm trong nghề, kỹ sư Đào Quốc Hợi (Công ty cổ phần Trường Long) đã tham gia xây dựng và làm chỉ huy trưởng hàng chục công trình từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đa số những con đường anh tham gia xây dựng là đều mở mới hoàn toàn như đường Đăk Côi - Đăk Psi, tuyến tránh thành phố Kon Tum, đường tránh lũ Đăk Tô, đường Sê San đi Quốc lộ 14C… Theo kỹ sư Đào Quốc Hợi, việc xây dựng những con đường đã có nền đường sẵn như Quốc lộ 24 thì thi công đỡ vất vả hơn. Còn với con đường mở mới hoàn toàn, nhất là các đường ở vùng sâu, vùng xa có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt thì quá trình thi công là cả sự gian nan, vất vả. Các anh em phải nằm co ro trong lán trại khi thi công mùa mưa và phải chịu đựng cái nắng “cháy da cháy thịt” khi thi công mùa nắng.


 

Đường tránh thành phố Kon Tum. Ảnh: VP
Đường tránh thành phố Kon Tum. Ảnh: VP


 

“Thật không thể hình dung nổi, con đường trước đây chỉ toàn cỏ dại, suối sâu, đèo cao và mây mù, việc đi lại của người dân là nỗi cơ cực nay đã là con đường bằng bê tông uốn lượn vắt vẻo qua từng dãy núi, băng qua những con sông suối trùng trùng điệp điệp. Những nỗi cơ cực, nghèo đói khi con đường chưa mở đã dần được thay thế bởi sự ấm no, trù phú, làm thay đổi diện mạo mới cho địa phương nơi con đường đi qua” - Kỹ sư Đào Quốc Hợi vui mừng chia sẻ với tôi khi được chứng kiến sự đổi thay trên những con đường mà anh từng thi công, chỉ huy.

“Đường mới, đi lại thuận tiện, xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao, nhưng mấy ai nhớ đến những người đi mở đường như chúng tôi. Nhưng điều đó không làm chúng tôi buồn mà luôn cảm thấy tự hào, vì từ những con đường đã đóng góp vào sự phát triển, mang lại niềm vui, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân” - anh Đào Quốc Hợi tâm sự. Tôi nghĩ đó là lời nói chân thành xuất phát từ trái tim yêu nghề, yêu người và vì sự phát triển chung của xã hội. Bởi, nếu không có họ, không có những con đường “đi trước đón đầu” thì chắc rằng khó có sự phát triển như ngày hôm nay.

Với sự thông suốt của những con đường, giờ đây người dân không còn cảnh “ăn chực nằm chờ” đón xe về quê, không còn cảnh chờ hàng tuần mới có những chuyến xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sinh hoạt…Những tuyến đường vươn tới vùng sâu, vùng xa đã giải tỏa những nhọc nhằn khó khăn ấy. Không những vậy, những con đường được mở không chỉ hình thành lên thôn làng định cư mới mà còn góp phần giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

Những con đường đã, đang và sẽ được xây dựng, mở rộng và nâng cấp khi hoàn thành góp phần không nhỏ trong thúc đẩy kinh tế xã hội của Kon Tum ngày càng phát triển. Và những người “lính” giao thông vẫn đang âm thầm “đi trước mở đường”, lặng lẽ dệt nên những con đường xuân, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển.


Giờ đây, chúng ta có thể đi xuyên từ xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) qua xã Ngọc Linh, Mường Hoong, Đăk Choong (huyện Đăk Glei) qua đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh hay đi từ Đăk Hà sang huyện Kon Rẫy qua con đường Đăk Kôi - Đăk Psi một cách dễ dàng. Có được điều đó là sự âm thầm đóng góp của những kỹ sư, công nhân của ngành giao thông vận tải.


Theo Văn Phương (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.