Tết về, nhớ mẹ ta xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tết Giáp Thìn đến, ngoài trời gió heo may nhẹ thổi, bầu trời đã không còn u ám. Mây trắng bồng bềnh, bồng bềnh như lòng tôi nhớ về mẹ, người mẹ hiền yêu dấu, người mẹ đã bỏ tôi ra đi hơn ba mươi năm.

Hơn ba mươi năm ấy, tôi chưa từng nguôi nỗi nhớ mẹ. Tôi nhớ mẹ hàng ngày, hàng đêm và bây giờ khi tết đến, xuân về, nỗi nhớ mẹ lại trào dâng, cồn cào như con sóng. Con sóng ấy xô bờ đưa tôi về lại bến bờ tuổi thơ trong vòng tay âu yếm của mẹ .

Tôi nhớ những tháng ngày mẹ vất vả ngược xuôi lo cho đàn con ăn học, lớn khôn. Bàn tay mẹ chai sần, dáng cao gầy với bước chân đi lúc nào cũng vội, đội quang gánh níu vai mẹ khòm thêm.

Nỗi vất vả thường niên đã lấy đi xuân sắc của cô gái đẹp nhất phố Đầm ngày nào, nhưng mẹ không buồn, không tiếc. Niềm vui, hạnh phúc của mẹ là những bữa cơm no, là có áo ấm cho các con trong những ngày mùa đông giá lạnh, hay ngày hè nắng với cốc nước chanh pha với muỗng đường cát trắng.

Ngày tết, mẹ càng bận bịu, vất vả gấp bao nhiêu lần. Mẹ dậy từ lúc sao mai còn chưa thức, gánh hàng mẹ đầy hơn, nặng hơn và vai mẹ cũng khòm hơn. Các con còn trong hơi ấm của giấc nồng, mẹ đã có mặt ở chợ để kịp bán hàng cho khách đường xa.

Mẹ nói, chợ tết đông người mua kẻ bán, mẹ phải tranh thủ thời gian để kiếm thêm đồng lời, lo cho cái tết. Mẹ đi từ sáng sớm nhưng phải tối mịt mới về nhà, dù là ngày lạnh rét , áo mẹ vẫn bạc trắng màu mồ hôi. Mỗi khi ôm mẹ, tôi vẫn hít hà mùi mồ hôi ấy như người nghiện thuốc.

Tôi thương mẹ lắm, tôi muốn mẹ được ngủ nhiều hơn, muốn mẹ về nhà sớm hơn nhưng chẳng thể làm gì để mẹ bớt khổ được, tôi chỉ thầm hứa trong lòng “cố gắng học giỏi, sau này có nghề nghiệp sẽ báo hiếu mẹ thật nhiều".

Những vất vả của mẹ đã đem lại cho chúng tôi cuộc sống tạm ổn và những cái tết ấm áp khi xuân về. Mồ hôi mẹ biến thành quần áo mới để chúng tôi khoe tết, mồ hôi mẹ là nồi bánh chưng sôi sùng sục bên bếp lửa hồng cha nấu tối ba mươi, mồ hôi mẹ là những mâm cỗ cúng tổ tiên ông bà có con gà trống tơ gấp cánh rất khéo, mồ hôi mẹ là những món bánh mứt ngày tết mà lũ trẻ chúng tôi không bao giờ biết chán… Và rồi mồ hôi mẹ là những lời âu yếm và những tờ tiền mới toanh mẹ lì xì năm mới để mong cho con mình mạnh khỏe, lớn khôn thêm.

Năm tháng cứ trôi đi, qua mỗi cái tết, chúng tôi lớn khôn hơn nhưng mẹ không thể trẻ, khỏe mãi… Dẫu vậy, đôi quang gánh vẫn chẳng rời đôi vai gầy của mẹ. Những ngày tết đến, mẹ vẫn thức khuya, dậy sớm lo cho cả nhà, lo sao cho mâm cỗ cúng ông bà được đầy đủ, ấm áp.

Mẹ là vậy, không thể khác được. Mẹ nói, mẹ vất vả quen rồi. Ôi! Cái sự quen như thế thật xót xa cho lòng mẹ, lòng con… Vậy mà khi chúng tôi đủ lông, đủ cánh lại bay đi khắp phương trời, mẹ một mình vò võ trong căn nhà nhỏ bên bàn thờ tổ tiên, ông bà, rồi có thêm di ảnh của cha. Mẹ không chịu đến ở với đứa nào. Khi ngày tết đến, mẹ chực chờ từng đứa con xa trở về và vẫn không quên đứa con này thích bánh ngào mật mía, đứa kia thích bánh chưng nhân thịt heo áp chảo, đứa lại ưa thịt gà xé phay với rau răm…

Mấy ngày tết, các con về xúm quanh mẹ, miệng mẹ móm mém mùi trầu thơm phức với nụ cười mãn nguyện, nhìn đàn con ăn ngấu nghiến những món ngon mẹ nấu.

Còn bây giờ, cái tết xưa và hình dáng mẹ già tựa cửa chờ con chỉ là nỗi bồi hồi, thổn thức, nhớ thương. Ước gì tết đến, được gặp mẹ một lần nữa trong đời…

LÊ THỊ KIM HƯƠNG

Huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

Có thể bạn quan tâm

Bãi bồi ven sông

Bãi bồi ven sông

(GLO)- Làng nằm bên bờ con sông nhỏ, có đoạn hẹp chỉ như con kênh đào, bề ngang ước chừng hơn trăm mét. Vậy nhưng nước sông 4 mùa trong xanh.
Triệu năm biển dâng thành núi

Triệu năm biển dâng thành núi

(GLO)- Tôi sinh ra ở một làng quê ven biển, nhưng lại lớn lên ở miền cao nguyên với đồi núi trập trùng. Không biết có phải do cái gốc gác hình thành con người mình hay không, mà khi chon von trên lưng chừng trời mây, tôi vẫn mường tượng về những chân trời ăm ắp sóng.

Sông Ba mùa nước cạn

Sông Ba mùa nước cạn

(GLO)- Ayun Pa, nơi tôi sống thuộc vùng hạ lưu sông Ba, là nơi con sông sắp kết thúc thủy trình trên cao nguyên để hòa vào biển cả. Dòng sông ấy luôn mang một vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình.
Thân thương cối đá

Thân thương cối đá

(GLO)- Khi ngắm nhìn chiếc cối đá xay bột-vật dụng thân thương, gần gũi và đượm màu xưa cũ, tôi lại nhớ về một thời gian khổ, chịu thương, chịu khó của các bà, các mẹ và xoay tròn cùng những giấc mơ thơ ấu đời người.
Một sáng bình yên

Một sáng bình yên

(GLO)- Cơn mưa kéo dài đêm qua đã kịp ngớt khi trời vừa tảng sáng. Những đám mây xám xen lẫn mây trắng sà gần những ngọn cây cau ven đường.
Dịu dàng hương mộc

Dịu dàng hương mộc

(GLO)- Trong muôn trùng cung bậc cảm xúc của con người, mỗi loài hoa mỗi vẻ. Hồng kiêu sa, lộng lẫy khiến lòng say mê, lan cao quý khí tiết khiến ta trọng vị, tường vi cánh mỏng gợi niềm thương. Mộc quế hoa, dịu dàng sắc, nhẹ nhàng hương lại khơi lên bao nỗi bâng khuâng khó tả.
Lời ru tao nôi

Lời ru tao nôi

Hẳn là trong ký ức mỗi người, ai cũng neo giữ trong khoảng xanh xa xưa sâu thẳm lòng mình những lời ru ngọt ngào êm ái, đó chính là mạch nguồn cảm xúc âm thầm nuôi nấng, dung dưỡng tâm hồn để từ đó hồn hậu trưởng thành.
Thương hoài chòi mòi

Thương hoài chòi mòi

(GLO)- Nếu ai đã từng dừng chân dưới tán lá xanh, thưởng thức vài ba quả chòi mòi chín mọng, chắc hẳn khó có thể quên cái vị chua thanh, dịu ngọt. Không chỉ là món quà của thiên nhiên, quả chòi mòi còn là ký ức tuổi thơ của bao người.
Mùi cỏ

Mùi cỏ

(GLO)- Nắng chiều xiên qua vạt thông, chiếu những tia nắng vàng xuống bãi cỏ xanh. Bãi cỏ vừa mới được xén dọn, mùi thơm lan trong gió, quyện vào bước chân người đi bộ. Mùi hương ấy, hình ảnh ấy chợt gợi lên trong tôi bao cảm xúc.