Tết hoa mào gà - nét văn hóa đặc sắc của người Cống ở Điện Biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp, là cầu nối hai thế giới âm-dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng.
Phụ nữ dân tộc Cống bên vườn hoa mào gà. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Phụ nữ dân tộc Cống bên vườn hoa mào gà. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Cộng đồng dân tộc Cống là 1 trong 5 cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người của tỉnh Điện Biên, cư trú tại các bản Púng Bon, Huổi Moi (thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên), bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) và bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ).

Hằng năm, cứ vào dịp cuối tháng 11, đầu tháng 12 Dương lịch, cộng đồng dân tộc Cống ở Điện Biên lại háo hức tổ chức Tết hoa mào gà.

Tết hoa mào gà - lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Cống - đã được ghi danh Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào ngày 29/8/2019.

Năm nay, Lễ hội Tết hoa mào gà dân tộc Cống được Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tổ chức vào ngày 27/11 vừa qua.

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Loại hoa này được coi là cầu nối hai thế giới âm-dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng. Màu hoa mào gà đỏ thắm, tạo nên không khí ấm áp khắp không gian lễ hội, bản làng...

Phụ nữ dân tộc Cống trang trí hoa mào gà cho ngày Tết. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Phụ nữ dân tộc Cống trang trí hoa mào gà cho ngày Tết. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Chính vì vậy, khi công việc thu hoạch mùa màng đã xong, đồng bào dân tộc Cống lại háo hức, tất bật chuẩn bị lễ vật cần thiết cho Tết hoa mào gà. Bà con dân tộc Cống quan niệm nếu chưa tổ chức Tết hoa mào gà thì chưa ai được phép đi phát nương, rẫy, đào củ mài và vui chơi ca hát.

Các nghi lễ diễn ra trong Tết hoa mào gà thu hút cộng đồng cùng hướng về cội nguồn tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh, các quan thổ thần thổ địa nơi đồng bào sinh sống, đồng thời cầu xin những điều tốt đẹp.

Già làng thường kiêm luôn thầy cúng, nhà già làng là nơi diễn ra lễ cúng. Trước khi lễ diễn ra 1 tuần, thầy cúng sẽ chọn ngày lành, tháng tốt (tránh ngày mất, chôn cất của những người quá cố trong bản).

Ngày diễn ra lễ cúng của Tết hoa mào gà, già làng phát lệnh cấm bản, nghĩa là người trong và ngoài bản không được tự do ra vào bản. Người Cống quan niệm nếu ai làm trái lệ làng sẽ bị ốm đau và gặp nhiều điều không may mắn.

Sáng sớm ngày diễn ra lễ, chủ mỗi gia đình lên nương lúa hái hoa mào gà, mang đến nhà thầy cúng và cùng nhau trang trí hoa từ gốc tới ngọn trên một cây tre dựng giữa nhà.

Mỗi gia đình mang đến nhà thầy cúng một con gà trống và 1 chai rượu. Mâm cúng được đặt ngay ngắn dưới gốc cây hoa. Đạo cụ dùng trong lễ cúng gồm có trống và chiêng đồng (chiêng của người Cống có pha bạc nên âm thanh đánh lên vang giòn và ngân xa).

Những hồi trống, chiêng âm vang khắp bản mường báo hiệu lễ cúng của Tết hoa mào gà bắt đầu. Thầy cúng ngồi trước mâm cúng, kính cẩn mời các thần linh, tổ tiên về dự lễ; xin phép tổ chức Tết hoa mào gà cho bản; dâng lễ vật lên các đấng thần linh, tổ tiên. Những con vật hiến sinh sau đó được mang đi làm thịt để chuẩn bị mâm cỗ cúng. Mâm cúng lúc này gồm: rượu, thịt gà luộc vẫn đặt ở vị trí ban đầu. Thầy cúng trịnh trọng xướng lời mời các thần linh, tổ tiên ăn cỗ.

Thầy cúng của bản thực hiện nghi lễ cúng trong ngày Tết. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Thầy cúng của bản thực hiện nghi lễ cúng trong ngày Tết. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Thầy thay mặt dân bản báo cáo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe của bà con trong năm qua và cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ dân bản sang năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gà, lợn đầy chuồng và cầu cho mọi sự tốt lành may mắn đến cho bản mường. Sau đó, thầy cúng nâng chén rượu chúc mừng mọi người có được những điều tốt đẹp nhất.

Các nghi lễ của Tết hoa mào gà kết thúc, thầy cúng lần lượt đi cúng cho từng nhà (mỗi gia đình kết sẵn một vòng hoa mào gà nhỏ đặt vừa đầu người treo trên một chiếc sào gác ngang xà gian chính giữa nhà). Thầy cúng thay lời gia chủ kính cẩn trước bàn thờ báo cáo và khấn cầu cho gia đình.

Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt. Cả bản, cả mường cùng hân hoan trong điệu xòe, họ cùng hát những làn điệu dân ca truyền thống. Họ cùng nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở như những trận mưa hạt giống này.

Có thể bạn quan tâm

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.