Tây Nguyên tháng ba lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Chỉ trong vài ngày, bản đồ quân sự miền Nam Việt Nam đã đảo lộn. Chỉ có trận Buôn Ma Thuột mà từng mảng cấu trúc do chế độ Thiệu dựng lên bị sụp đổ. Hóa ra Buôn Ma Thuột mang cái đà của một bước ngoặt trong cuộc xung đột, đến nay đã được 30 năm…” (Báo Pháp- Thế giới).

Đòn điểm huyệt

Theo kế hoạch, chiến dịch Tây Nguyên sẽ diễn ra với những trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Để tạo đòn điểm huyệt bất ngờ, trước hết phải nhử địch tập trung về hướng Kon Tum, Pleiku; đánh chiếm, cắt đứt các đường 14, 19, 21 cô lập địch ở Tây Nguyên với đồng bằng; bao vây, vô hiệu hóa lực lượng chủ yếu của chúng tại Pleiku, Kon Tum; tập trung lực lượng chiến dịch đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột; phát triển tiến công Cheo Reo, Gia Nghĩa, giải phóng Tây Nguyên. Các đơn vị được huy động cho chiến dịch gồm các Sư đoàn: 10, 320, 316, 968; Trung đoàn Đặc công 198, Trung đoàn Tăng- Thiết giáp 273 cùng 4 Trung đoàn bộ binh khác…

Tấn công Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy.
Tấn công Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy.

Những ngày đầu tháng 1-1975 chúng tôi đã nhận được lệnh chuẩn bị cho một chiến dịch lớn nhưng cụ thể thì chưa biết ở đâu- Đại tá Phạm Chào- nguyên Cục trưởng Cục Chính trị- Quân đoàn III, lúc bấy giờ là Thượng úy- Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 kể. Những hoạt động nghi binh- cả một số cán bộ, chiến sĩ sau này mới vỡ lẽ diễn ra dồn dập: Máy vô tuyến 15W bật hết công suất, liên tục phát đi các mệnh lệnh chuẩn bị tấn công địch ở vị trí nọ, vị trí kia. Rồi những trận địa giả được dựng lên. Đêm đêm những đoàn xe tải, xe kéo pháo bật đèn rầm rập chạy về hướng Kon Tum. Tại thị trấn Tân Cảnh, những khẩu hiệu đại loại “Nhiệt liệt chào mừng bộ đội về giải phóng Kon Tum”, “Quyết tâm giải phóng thị xã Kon Tum” được căng khắp nơi. Cùng với đó, những trận đánh nhỏ trên các tuyến đường 14, 19 diễn ra dồn dập.

Nhân dân trong vùng giải phóng nô nức, dân trong vùng thị xã rục rịch chuẩn bị tản cư… Những hoạt động nghi binh khéo léo đã đánh lừa được địch. Tin chắc thị xã Kon Tum sắp bị tấn công, Tướng Phạm Văn Phú- Tư lệnh Quân khu II vội vã điều 4 Liên đoàn Biệt động đến tăng cường, đồng thời đưa thêm liên đoàn biệt động 23 và 2 Trung đoàn 44, 45 phòng ngự Pleiku. Trong khi đó đại quân ta lần lượt bí mật hành quân về hướng Buôn Ma Thuột, chỉ để một bộ phận nhỏ ở lại tiếp tục làm công việc nghi binh.     

Từ ngày 8-3 đến ngày 10-3 sau khi tiêu diệt quận lỵ Thuận Mẫn và Đức Lập,  6 giờ 30 phút ngày 10-3 pháo binh ta bắt đầu trút bão lửa xuống các mục tiêu, mở đường cho 5 cánh quân ào ạt tấn công thị xã Buôn Ma Thuột. Kho Mai Hắc Đế, Sân bay Hòa Bình, Sở Chỉ huy Sư đoàn 23… rung chuyển trước sức tấn công mạnh mẽ bởi các binh chủng hợp thành của ta. Đại tá Nguyễn Trọng Luật- Chỉ huy trưởng Tiểu khu Đak Lak hoảng sợ bỏ trốn sang hầm ngầm của Phó Tư lệnh Sư 23 Vũ Thế Quang… Toàn bộ quân địch trong thị xã hoang mang dao động… Chớp thời cơ, sau một đêm củng cố đội hình, bổ sung phương án tác chiến, sáng ngày 11-3 các cánh quân của ta đồng loạt nổ súng tấn công đợt II. Đến 10 giờ, ngọn cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Đại tá Nguyễn Trọng Luật- Chỉ huy trưởng Tiểu khu Đak Lak ngụy cùng Vũ Thế Quang- Phó Tư lệnh Sư 23 ngụy cải trang chạy trốn nhưng không thoát. Buôn Ma Thuột-  trung tâm kinh tế- chính trị Tây Nguyên với 12 vạn dân đã được giải phóng…

Cuộc giải vây tuyệt vọng

Để giành lại sự ủng hộ đang hết sức lung lay của chính giới Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên ra lệnh cho Phạm Văn Phú “tử thủ Buôn Ma Thuột bằng mọi giá” đồng thời ra sức bưng bít việc để mất địa bàn chiến lược này trên báo chí.

Ý đồ đổ quân bằng đường không nhằm phản kích và vị trí đổ quân của địch đã không nằm ngoài dự đoán của ta… Đánh xong Buôn Ma Thuột, chúng tôi lập tức được lệnh hành quân ra đường 21- Đại tá Phạm Chào nhớ lại. Trong cái nóng như vốc lửa giữa mùa khô, cả người chúng tôi như khô cứng lại trong mồ hôi, bụi đất. Mặc dù thuộc lực lượng dự bị vòng ngoài, chúng tôi vẫn quan sát được mọi động thái chiến trường. Từ chiều 12-3 đến hết ngày 13-3, sau khi dùng cả hơn trăm lần máy bay ném bom dọn bãi, địch dùng trực thăng đổ Trung đoàn 45 xuống trục đường 21 từ điểm cao 581 đến Phước An, Chư Cúc; tiếp theo là Trung đoàn 44 và Sở Chỉ huy Sư đoàn 23... Đã chủ động đón đầu và nắm bắt thời cơ, các loại hỏa lực của ta dồn dập trút bão lửa vào đội hình địch. Tiếp theo xe tăng, bộ binh ta đồng loạt xung phong chặn đầu, khóa đuôi, chia cắt quân địch. Chỉ sau 2 giờ tấn công, gần 400 tên địch ở điểm cao 581 đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Căn cứ 53 nằm trên trục đường 27- cách trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột 8 km về hướng Đông Nam. Theo kế hoạch phản kích của địch, căn cứ 53 sẽ đóng vai trò bàn đạp phối hợp với 2 Trung đoàn 44 và 45 hình thành hai cánh tấn công tái chiếm Buôn Ma Thuột. Để khích lệ tinh thần “tử thủ”, Trung tá Võ Ấn- Chỉ huy trưởng căn cứ đã được Thiệu phong lên hàm Đại tá. Sĩ quan và binh lính cũng được hứa thưởng tiền rất hậu. Tin vào công sự vững chắc, bọn ngụy ở đây quyết chống cự đến cùng…

5 giờ chiều ngày 16-3, hai Trung đoàn 66 và 149- Sư đoàn 10 của ta bắt đầu nổ súng tấn công. Đến tối thì mở thông được cửa nhưng phải dừng lại vì địch chống trả rất quyết liệt. Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 66 được đổi sang tấn công hướng chính. Đại tá Phạm Chào- tâm sự:

Đánh chiếm sân bay Hòa Bình- Buôn Ma Thuột.
Đánh chiếm sân bay Hòa Bình- Buôn Ma Thuột.

Lúc ấy chúng tôi vô cùng phấn khởi. Dù biết rằng sẽ khó khăn hơn, thương vong sẽ nhiều hơn nhưng được dự một trận tấn công lớn để tiêu diệt dứt điểm quân địch, ai cũng coi là một niềm vinh dự… Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Địch khống chế trên cao, dựa vào công sự vững chắc rót hỏa lực xuống, phối hợp với máy bay ném bom ác liệt vào đội hình quân ta.

Trong khi đó chúng tôi muốn tiếp cận căn cứ phải vận động qua địa hình bằng phẳng, trống trải. Nhưng bất chấp mọi sự kháng cự điên cuồng của địch, quân ta vẫn ngoan cường tiến lên. Người trước ngã, người sau thay thế. Xe tăng, pháo cao xạ cũng hình thành lưới lửa chi viện đắc lực cho bộ binh… Có một chi tiết tôi vẫn còn nhớ mãi: Vào giữa trưa, 2 chiếc A.37 của địch lọt qua lưới phòng không ném được một loạt bom vào giữa đội hình tiến công của ta. Nghe tiếng rú rởn óc tôi ngửa mặt nhìn lên thì thấy 6 quả bom tròn vo như 6 trái bóng đang lao xuống. Theo kinh nghiệm, tôi biết  ngay bom đang rơi đúng đỉnh đầu. Một ý nghĩ thoáng nhanh qua đầu tôi: “Phen này chắc là “tiêu”… Nhưng điều không thể ngờ, rơi đến giữa chừng cả 6 quả bom nổ tách làm đôi và bung ra toàn… giấy. “Bom phản chiến!” Chúng tôi cùng reo lên. Và như có một sức mạnh tinh thần đến bất chợt, chúng tôi siết chặt đội hình, ráo riết tấn công.

Biết không còn lối thoát, bọn địch dưới các hầm ngầm càng điên cuồng chống cự. Giữa lúc đó bỗng có một tên lính không biết bằng cách nào từ dưới hầm ngầm vọt được lên. Hắn lập cập khai: Tên đại tá chỉ huy căn cứ đang ở dưới hầm ngầm cùng với 3 tên sĩ quan cấp tá và 100 lính. Hóa ra đây là căn hầm chỉ huy. Chúng tôi bắc loa gọi hàng. Nhưng càng gọi, chúng càng bắn hỏa lực, ném lựu đạn lên như trêu gan. Chúng tôi xin ý kiến chỉ huy và được lệnh tiêu diệt. Một trung đội súng phun lửa được điều đến. Hỏa lực địch câm tịt. Tên đại tá chỉ huy căn cứ  chết thiêu cùng 3 tên sĩ quan cấp tá. Toàn bộ quân địch trong hầm cũng bị tiêu diệt... Sau này tôi được biết tên lính này hóa ra cùng đồng hương Hải Dương với tôi!

8 giờ 30 phút ngày 20-3 dù ngoan cố chống cự đến điên cuồng, căn cứ 53 của địch đã bị tiêu diệt. Đến đây sau hơn 5 ngày tấn công, Sư đoàn 10 và các đơn vị xe tăng, pháo binh của ta đã lập chiến công vang dội: Đập tan cuộc phản kích hòng “tái chiếm” Buôn Ma Thuột của Quân đoàn II ngụy; xóa sổ Sư đoàn 23 và Liên đoàn Biệt động quân 21. Sự suy sụp không thể cứu vãn nổi của quân ngụy đã hiển hiện rõ ràng…

Ngọc Tấn


Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.