Tây Nguyên "gồng mình" gánh dân di cư tự do

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, tổng diện tích tự nhiên hơn 54.600km2 với trên 6 triệu dân. Vùng trọng điểm các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều... này đang chịu áp lực nặng nề nhất cả nước về tình trạng di dân tự do...
Kỳ 1: “Nóng” cả bốn mùa
Theo thống kê, giai đoạn 2005 đến 2017, các tỉnh Tây Nguyên có tới 58.846 hộ di dân tự do với khoảng 220.000 nhân khẩu, cao gấp nhiều lần so với các khu vực còn lại trong cả nước. Di dân tự do đã gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đe dọa tới môi trường, đói nghèo, an sinh xã hội... khu vực Tây Nguyên, mặc dù Chính phủ và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để khắc phục tình trạng này.
Tháng 3, đường vào làng Mông khu vực Tây Sơn, thuộc tiểu khu 179, 181, 197 và 198, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) bụi mù, nắng cháy da người. Cách đây 20 năm, nhiều hộ di cư tự do người Mông từ các tỉnh phía Bắc đã vào đây lập làng, tự khai phá gần 700ha rừng lấy đất sản xuất.
Cuối năm 2017, khu vực này có 507 hộ với gần 3.000 nhân khẩu. Già làng Mông Tây Sơn ở điểm tiểu khu 179 Ma Seo Cháng cho biết, điểm làng Mông ở đây có 320 hộ với 1.725 nhân khẩu, tất cả đều là dân di cư tự do đến từ các tỉnh biên giới phía Bắc.
 
Cuộc sống của nhiều người dân di cư tự do đến Tây Nguyên gặp khó khăn.
Toàn bộ khu vực làng Mông đều được bao bọc bởi rừng, gần như cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Việc ốm đau, bệnh tật và chuyện học hành của các em nhỏ trở thành vấn đề nan giải cho cả làng và chính quyền địa phương.
Mặc dù đã canh tác ổn định tại đây 20 năm nhưng thực tế phần lớn khu vực làng Mông ở xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông vẫn thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Sê rê pốk. Cũng theo già làng Ma Seo Cháng, người làng Mông ngày càng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tới thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con để có hướng giải quyết nhưng cuộc sống của người dân di cư tự do như gia đình ông quanh năm cậy nhờ vào cà phê và sắn nên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu đất sản xuất. “Năm nào được mùa, được giá thì bán đủ tiền đong gạo, nhưng phần lớn là bà con mình thiếu đói, phải nhận sự hỗ trợ của nhà nước...”, già làng Ma Seo Cháng nói. 
Đất đai phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp nên hàng chục năm qua, Tây Nguyên phải gánh chịu một lượng khổng lồ dân di cư tự do. Theo thống kê, giai đoạn 2005 đến 2017, các tỉnh Tây Nguyên có tới 58.846 hộ dân di cư tự do tới (trong khi khu vực Tây Bắc chỉ 5.811 hộ, Tây Nam bộ là 2.081 hộ).
Tại Lâm Đồng, giai đoạn 2005 - 2017, dân di cư tự do tới Lâm Đồng là 2.195 hộ với 7.183 nhân khẩu, chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc. Phần lớn những người di dân tự do sinh sống ở trong rừng, ven rừng và xen ghép tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa tại các huyện Di Linh, Đam Rông, Bảo Lâm, Lạc Dương...
Trong khi đó, theo ông Lê Quang Dân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, địa phương này có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, nhiều năm qua tỉnh Đắk Nông là “miền đất hứa” của dân di cư tự do đến từ khắp nơi. Tính đến hết năm 2017, Đắk Nông có hơn 646 nghìn người, tăng gấp gần 2 lần so với thời điểm tách tỉnh (năm 2004). Trong đó, dân di cư tự do đến sinh sống rải rác trong rừng là 38.191 hộ với gần 174 nghìn người.
Ông Lê Văn Sơn, Cục trưởng Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, số lượng dân di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên thời gian gần đây đã có dấu hiệu giảm nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp.
“Việc di cư diễn ra suốt năm, nhưng mạnh nhất thường vào thời điểm trước và sau dịp Tết Nguyên đán. Người di dân tự do thường đi thành từng nhóm nhỏ, vào thăm người thân, ở tá túc với người di cư tự do đã tới trước, sau đó dựng nhà tạm và tiếp tục đưa cả gia đình vào sinh sống, lập làng. Các hộ di dân tự do thường sống theo các nhóm hộ, có cùng dân tộc, huyết thống, đến định cư tại các vùng riêng lẻ trong rừng, dưới các thung lũng, dọc khe suối và ít có mối tương tác với bên ngoài”, ông Sơn nói.
Theo thống kê, trung bình cứ 10 năm, dân số các tỉnh Tây Nguyên sẽ tăng thêm 1 triệu người. Hiện nay, trong vùng vẫn còn tồn tại các “điểm nóng”, bất cập trong việc giải quyết di cư tự phát. Ngoài “điểm nóng” di dân tự do tại làng Mông Tây Sơn ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng), khu vực Tây Nguyên còn có nhiều “điểm nóng” khác, như tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có 2.384 hộ với hơn 9.300 nhân khẩu, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có 1.958 hộ với gần 10.000 người.
Tương tự, tại tỉnh Đắk Lắk, các “điểm nóng” về di dân tự do đã hình thành tại huyện Ea Sup, Cư Mga, Ea Kar. Riêng huyện Ea Sup có tới 787 hộ với hơn 4.100 khẩu, chiếm 45% tổng số dân di cư tự do đến 10 huyện, thị trong tỉnh giai đoạn 2005-2017.
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết, theo đề án, giai đoạn 2005-2020, các tỉnh Tây Nguyên đã lập, quyết định và phê duyệt 42 dự án ổn định đời sống người dân di cư tự do với quy mô 16.226 hộ.
Tuy nhiên, đến nay chỉ có 13 dự án là hoàn thành, 29 dự án dù chưa hoàn thành nhưng vẫn phải thực hiện bố trí dân cư tự do vào ở. Hầu hết các dự án buộc phải bố trí dân cư vượt quá quy mô về số hộ, số khẩu. Áp lực về ổn định chỗ ở cho người dân di cư tự do đã gây ra tình trạng quá tải, vỡ quy hoạch các dự án. Trong khi đó, Tây Nguyên vẫn còn rất nhiều cụm dân cư tự do tự phát không nằm trong quy hoạch, tuy đã được rà soát, nhưng chưa có điều kiện bố trí, sắp xếp, bổ sung.
Khắc Lịch (Công an nhân dân)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 193/2025/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia ra đời.

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.