Păng Tul - Điểm sáng kinh tế mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thôn Păng Tul là một trong 4 thôn thuộc dân “kinh tế mới” của xã Ia Dơk, huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Trong những năm gần đây, nhờ tinh thần chịu thương, chịu khó của người dân nên bộ mặt thôn Păng Tul đã có những đổi thay rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con nâng lên đáng kể. Păng Tul được đánh giá là một thôn tiêu biểu-một điểm sáng "kinh tế mới" ở xã Ia Dơk.

Đường vào thôn Păng Tul (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ). Ảnh: Minh Châu
Đường vào thôn Păng Tul (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ). Ảnh: Minh Châu

Thôn Păng Tul hiện có 78 hộ gia đình cùng sinh sống và đều xuất thân là “dân kinh tế mới” từ miền Bắc vào năm 1987. Khi vào nơi ở mới, đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bà con đã cố gắng bám trụ để xây dựng kinh tế gia đình, xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Để đảm bảo cuộc sống, bà con đã chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay thế dần cây trồng ngắn ngày bằng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cao su, cà phê và hồ tiêu. Sau 40 năm gắn bó với quê hương thứ 2, đến nay, nhà nào cũng có vườn cây công nghiệp với mức thu nhập hàng năm vài ba trăm triệu đồng. Toàn thôn Păng Tul có hơn 50% hộ thuộc diện khá giả và chỉ còn 8 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Xuân Bất-Thôn trưởng thôn Păng Tul, xã Ia Dơk, huyện Đức cơ chia sẻ: “Từ năm 80 tôi vào đây xây dựng kinh tế mới thì quá khổ cực. Thời điểm bấy giờ mới khai hoang, đường sá đi lại khó khăn, trường học thiếu thốn thì đến nay bà con vượt khó vươn lên. Từ năm 2000 trở lại đây thì đời sống của bà con về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh ổn định, bà con yên tâm lao động sản xuất”.

Là một trong những hộ gia đình đầu tiên có mặt ở thôn Păng Tul theo diện kinh tế mới, bà Nguyễn Thị Hướng đã có 40 năm gắn bó với thôn Păng Tul và xem đây là quê hương thứ 2 đã cho bà những mùa quả ngọt. Từ một hộ khó khăn, đến nay gia đình bà Hướng đã có một mô hình kinh tế vườn hiệu quả với mức thu nhập hàng năm từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm. Từ số tiền tích góp được, năm 2015, gia đình bà Hướng đã xây dựng một căn nhà khang trang trị giá cả tỷ bạc. Niềm vui lớn nhất của bà là các con đã thành đạt, có công ăn việc làm ổn định và đời sống của bà con trong thôn đều dư giả. Bà Hướng cho biết, thời điểm khởi đầu gặp nhiều khó khăn, “cơm không đủ no, áo không đủ ấm”, sốt rét và bệnh tật triền miên khiến nhiều người đã bỏ xứ này về quê. Bây giờ trở lại thăm thì họ quá đỗi bất ngờ với sự đổi thay kỳ diệu trong đời sống kinh tế mới.


 

Khi đời sống khá giả, nhân dân thôn Păng Tul quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Bà con tích cực tham gia các hoạt động của địa phương như đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa. Năm 2015, nhân dân thôn Păng Tul đã đóng góp hơn 70 triệu đồng cùng với Nhà nước xây dựng hội trường thôn khang trang, mua sắm nhiều vật dụng phục vụ cho việc sinh hoạt, hội họp. Bà con cũng đóng góp hàng trăm triệu đồng để bê tông hóa một con đường nội bộ, thuận tiện cho người dân đi lại. Vì có nhiều đóng góp như vậy nên tại Hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới, cán bộ và nhân dân thôn Păng Tul được Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ tặng giấy khen.

Với những người dân “Kinh tế mới” ở thôn Păng Tul (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ), những năm tháng khó khăn, vất vả đã qua đi, một đời sống ấm no, hạnh phúc đã hiện hữu ở mỗi gia đình. Niềm mong ước lớn nhất của bà con thôn Păng Tul đã thành hiện thực khi con đường nông thôn mới đã được đổ bê tông và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng. Bà con vui mừng vì Păng Tul không còn nghèo đói và dần dần hiện lên diện mạo nông thôn mới.

 

Minh Châu

Có thể bạn quan tâm