(GLO)- Gia Lai là một trong những tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trải qua nhiều năm sản xuất, tỉnh đã cơ bản định hình được các loại cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cho từng vùng, từng địa phương và thị trường tiêu thụ nội địa, xuất khẩu.
Việc hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cộng với việc người nông dân biết ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và các hình thức sản xuất theo mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn, tổ hợp tác được triển khai… phần nào đã giúp năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi không ngừng tăng lên, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp và thiếu ổn định. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được chuỗi giá trị sản xuất theo ngành hàng có lợi thế và dễ bị thiệt hại do biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay sự bấp bênh của thị thường.
Chương trình tái canh cà phê lồng ghép với dự án phát triển cà phê bền vững. |
Để kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích, ngày 30-5-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 369/QĐ-UBND về thực hiện chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu của chương trình là đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 37,25% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp bình quân đạt 5,57%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành đạt 35.750 tỷ đồng (nông nghiệp tăng bình quân 5,58%, lâm nghiệp 4,34%, thủy sản 6,51%); kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 630 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu là cà phê, cao su, hồ tiêu.
Ngoài ra, chương trình còn đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề gắn với việc phát triển ngành nghề thủ công, làng nghề truyền thống, cơ sở chế biến nông nghiệp, dịch vụ nông thôn để đa dạng hóa thu nhập; thực hiện tái cơ cấu theo cơ chế thị trường, đổi mới cơ chế, chính sách và các hỗ trợ cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động; sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiện đại và hướng về xuất khẩu; lấy liên kết sản xuất và tiêu thụ làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tại hội nghị triển khai Quyết định số 369/QĐ-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 do Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức, ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nhấn mạnh: Trong thời gian tới, ngành cần tuyên truyền, phổ biến đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến nhân dân; tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp để liên kết với các địa phương trong vùng và liên kết “4 nhà”; nâng cao quy mô và trình độ sản xuất trong nhân dân; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm; gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và đào tạo nguồn nhân lực… |
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới đã mở ra nhiều triển vọng cho các địa phương. Ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, cho biết: Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với quy hoạch và sát với thực tế của từng địa phương. Muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, để giúp người dân phát triển kinh tế, các địa phương cần tạo điều kiện cho người dân cơ giới hóa sản xuất, tổ chức hình thức sản xuất tập thể, tổ hợp tác, đặc biệt đó là sản xuất nông nghiệp phải gắn với chế biến sản phẩm. Còn ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, cho hay: Đối với huyện Kbang, trong thời gian tới sẽ tập trung chuyển đổi cây trồng, đưa cây mắc ca, chanh dây, cây dược liệu sa nhân tím là những cây trồng mới nhưng hiệu quả kinh tế cao vào trồng thay thế những loại cây kém hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập. Ngoài ra, với cây trồng chủ lực của địa phương như cà phê và mía, huyện cũng sẽ đầu tư mở rộng cánh đồng mía mẫu lớn và thực hiện tái canh cà phê, góp phần từng bước giúp người dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích.
Đối với các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà phê, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng chỉ ra, trong thời gian tới cần đưa cơ giới vào khâu làm đất, đào hố trồng mới 95%; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; máy và thiết bị sấy 30%; áp dụng dây chuyền chế biến hồ tiêu chất lượng cao 30% và hình thành vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, mỗi huyện tối thiểu 100 ha với kinh phí dự kiến khoảng 300 tỷ đồng (doanh nghiệp đóng góp 60%, Nhà nước 10% và nhân dân 30%); thực hiện tái canh hơn 13.610 ha cà phê, ghép cải tạo 50 ha. Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, cho biết: Cùng với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai dự án sản xuất hồ tiêu bền vững. Theo đó, huyện sẽ tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất kết hợp với áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hồ tiêu.
Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đã định hướng một số chương trình lớn cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như chương trình tái canh cà phê lồng ghép với dự án phát triển cà phê bền vững; triển khai giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt; đề án đảm bảo an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản; phát triển đàn bò thịt chất lượng cao; đầu tư kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp công trình thủy lợi, xây mới các hồ chứa để đưa nước tới các vùng thường xuyên bị hạn; phát triển nuôi trồng thùy sản theo hướng nuôi thâm canh tiêu chuẩn VietGAP; phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới…
Lê Nam