Đây không phải lần đầu Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo riêng về lĩnh vực cải cách hành chính. Là người quyết liệt trong công việc, Thủ tướng không thể chấp nhận một bộ máy công quyền mà những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp lại không được thực hiện; những vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp không được cán bộ, công chức xem xét, giải quyết kịp thời.
Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả xử lý công việc được Chính phủ xem là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình tạo dựng môi trường làm việc văn minh, liêm chính, vì dân, vì doanh nghiệp; là thể hiện tinh thần cầu thị, cống hiến của nền hành chính lấy phục vụ người dân làm mục tiêu sống còn.
Trong bối cảnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa được khắc phục hiệu quả, công điện này là một lời khẳng định tinh thần quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, khi không muốn tiếp tục xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, lãng phí nguồn lực, cơ hội của Nhà nước, xã hội, người dân, doanh nghiệp; không để đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức không chịu làm việc, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của bộ máy công quyền, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị kiến trúc sư của nhà nước cách mạng vô sản luôn đề cao tôn chỉ hoạt động của Chính phủ là lấy việc phục vụ người dân làm động cơ duy nhất. Người nói: “Việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng hết sức làm”, “cán bộ là người đày tớ trung thành của Nhân dân”, “cán bộ không phải là những ông quan cách mạng”…
Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ tốt là yếu tố cơ bản để xây dựng được Chính phủ tốt, Nhà nước tốt. Cán bộ, công chức tốt, biết trọng liêm sỉ, biết giữ gìn hình ảnh tốt đẹp cho mình và cho Chính phủ trong mắt dân. Muốn cán bộ liêm, ngoài nỗ lực rèn luyện đạo đức, phẩm chất của bản thân thì Nhà nước lúc nào cũng cần có cơ chế chính sách đảm bảo đội ngũ này sống được bằng lương, không vì thiếu thốn mà sinh hư hỏng. Bởi, dù không mong muốn thì cũng đã có một bộ phận cán bộ, công chức chưa đủ nhiệt tình, chưa tận tâm trong việc giải quyết công việc cho dân, thậm chí là nhũng nhiễu, tham nhũng vặt… để lại ấn tượng không tốt với dân.
Vì vậy, cùng với việc yêu cầu nâng cao chất lượng công vụ, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội phương án tăng lương để có thể thực hiện từ tháng 7 năm sau. Theo đó, hệ thống thang bảng lương mới được thiết lập theo từng vị trí việc làm. Ai làm nhiều, làm việc quan trọng, làm việc tốt sẽ hưởng mức lương xứng đáng. Ai làm việc làng nhàng, “sáng vác ô đi tối vác về” sẽ từng bước bị thải loại.
Vì thế, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Cao hơn nữa, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các cấp cần quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Một đất nước trên đà phát triển mạnh mẽ trong khu vực như Việt Nam không thể chấp nhận những biểu hiện trì trệ, hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu làm khó người dân. Vì vậy, nâng lương để giữ chân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyên môn giỏi chính là cách để nâng cao đạo đức công vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính vì dân.