Tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng bơi an toàn cho trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là đề nghị của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ tại buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai chiều 9-8 nhằm khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng-chống đuối nước trẻ em trên địa bàn. Làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
 


Nỗ lực trong khó khăn

Tai nạn đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em. Tại Gia Lai, trong số 546 trẻ tử vong do tai nạn thương tích từ năm 2016 đến tháng 6-2022 thì có đến 401 trường hợp do đuối nước.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Trần Anh, những năm qua, các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước. Trong đó, tập trung tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng; phối hợp tổ chức các chương trình dạy bơi và kỹ năng sống cho trẻ; tập huấn, truyền thông phòng-chống, nhận biết tai nạn đuối nước và tổ chức giải bơi truyền thống cho học sinh; nâng cao năng lực về phòng-chống tai nạn thương tích trẻ em cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành về phòng-chống tai nạn thương tích trẻ em; triển khai xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ...

a
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: Mộc Trà


“Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tập huấn, tuyên truyền, vận động thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng-chống tai nạn thương tích cho trẻ em” cho 14.503 hộ dân tại 20 xã, thị trấn với tổng kinh phí 460 triệu đồng. Qua đó, góp phần nâng cao sự hiểu biết của người dân về môi trường sống an toàn, loại bỏ các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ, giảm đến mức thấp các loại thương tích ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng”-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho hay.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Khoa Nghi thông tin thêm: Ngoài xây dựng các chương trình, kế hoạch về phòng-chống tai nạn thương tích và đảm bảo an toàn cho học sinh trong các cơ sở giáo dục, Sở còn ban hành tiêu chí về trường học an toàn, triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em tại 64 điểm bơi. Đến nay, 100% học sinh mầm non, phổ thông đã được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng-chống đuối nước. Dẫu vậy, trong quá trình thực hiện, ngành cũng gặp một số khó khăn như: việc tổ chức dạy bơi chỉ triển khai được vào mùa khô; số lượng bể bơi trong cơ sở giáo dục còn hạn chế (tính đến tháng 6-2022, toàn tỉnh chỉ có 64 bể bơi/761 trường mầm non và phổ thông, chiếm 8,01%); thiếu giáo viên dạy bơi, nhân viên kỹ thuật vận hành hồ bơi; chi phí để vận hành xử lý nước, duy tu bảo dưỡng các công trình, trang-thiết bị, vật tư phục vụ dạy bơi khá cao...

2Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Mộc Trà
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mộc Trà

Ngoài ra, năm 2018, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí 13,5 tỷ đồng để hỗ trợ trang bị bể bơi thông minh tại các trường học trong dự toán giao đầu năm từ nguồn ngân sách tỉnh cho các huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay, toàn tỉnh có 90 bể bơi của Nhà nước và tư nhân. Sở Tài chính cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự toán ngân sách để thực hiện công tác phòng-chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2022 với kinh phí hơn 14,4 tỷ đồng.

Cần giải pháp hữu hiệu hơn

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác và lãnh đạo các sở, ngành đã trao đổi, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, vướng mắc mà tỉnh gặp phải. Bà Vũ Thị Kim Hoa-Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) quan ngại: “Căn cứ số liệu tổng hợp toàn quốc, tôi nhận thấy, tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước ở tỉnh thời gian qua chưa giảm mà còn có nguy cơ tăng; riêng năm 2021 cao nhất cả nước. Đáng chú ý, trong tổng số trẻ tử vong do tai nạn thương tích của tỉnh giai đoạn 2016-2021, nguyên nhân đuối nước chiếm đến 73%, trong khi các tỉnh thành khác chỉ khoảng 50%. Mặt khác, nguồn lực tỉnh dành cho công tác này khá hạn chế. Đây là vấn đề khiến tôi khá trăn trở”.

3Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Kim Hoa trăn trở về tỷ lệ trẻ tử vong do tai nạn đuối nước ở Gia Lai còn khá cao. Ảnh Mộc Trà
Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Kim Hoa trăn trở về tỷ lệ trẻ tử vong do tai nạn đuối nước ở Gia Lai còn khá cao. Ảnh: Mộc Trà


Đồng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa cũng đề nghị: “Trên cơ sở những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhận diện được, tỉnh cần đánh giá, phân tích và đề ra các giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong công tác phòng-chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần phải sâu sát, phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối tượng chịu tác động trực tiếp là trẻ em và phụ huynh”.

Bên cạnh tiếp thu đầy đủ ý kiến của đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề xuất, khi Trung ương ban hành chính sách nên lưu ý đến đặc thù vùng miền để phù hợp với thực tiễn các địa phương. Đối với việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng bể bơi, tỉnh đang rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động cũng như những vướng mắc khi triển khai thực hiện để có giải pháp trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong rằng, Trung ương quan tâm tạo điều kiện cho Gia Lai được tham gia nhiều hơn nữa vào các chương trình, dự án phòng chống-đuối nước trẻ em để trẻ em vùng khó có cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi thông tin về công tác phòng-chống đuối nước trong các cơ sở giáo dục. Ảnh Mộc Trà
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi thông tin về công tác phòng-chống đuối nước trong các cơ sở giáo dục. Ảnh: Mộc Trà


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ đánh giá cao những kết quả mà Gia Lai đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng-chống tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước trẻ em nói riêng; đồng thời ghi nhận, chia sẻ với những khó khăn mà tỉnh đang đối mặt. Với mong muốn giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn thương tích cho trẻ, trong đó có tai nạn đuối nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục đề nghị thời gian tới, Gia Lai cần quan tâm hơn nữa đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước, cứu hộ cứu nạn cho trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về phòng-chống tai nạn đuối nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tạo môi trường sống an toàn cho trẻ từ trong gia đình ra xã hội; có chính sách lồng ghép các nguồn lực và xây dựng cơ chế khuyến khích toàn xã hội tham gia vào công tác phòng-chống tai nạn đuối nước trẻ em.

 

 MỘC TRÀ

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.