Tăng cường giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân khu vực biên giới. Nhờ đó mà nhận thức về pháp luật cũng như trách nhiệm của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần cùng với lực lượng chức năng xây dựng biên giới bình yên và phát triển.
Bám sát nhiệm vụ, đổi mới cách làm
Thượng tá Rơ Mah Tuân-Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh-cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chủ động tham mưu và phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, cảnh giác phòng-chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường thế trận biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn”.
Địa bàn các huyện Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông có diện tích rộng, đường biên giới kéo dài, tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia); khu vực biên giới có 48 thôn làng, thuộc 7 xã, với tổng dân số là 12.024 hộ/49.109 khẩu, có 22 dân tộc anh em sinh sống, trong đó chủ yếu là người dân tộc Jrai (chiếm 58,06% dân số). Để công tác tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 cho người dân đạt hiệu quả cao, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo và giao cho cơ quan Chính trị nghiên cứu, soạn thảo, chuẩn bị nội dung cụ thể, vận dụng vào đúng tình hình của đơn vị, địa phương, nhận thức của bộ đội và người dân.
Cán bộ Biên phòng tỉnh về thôn làng tuyên truyền cho bà con phòng-chống dịch bệnh. Ảnh: Lê Quang
Cán bộ Biên phòng tỉnh về thôn làng tuyên truyền cho bà con phòng-chống dịch bệnh. Ảnh: Lê Quang
Thượng tá Nguyễn Đức Hùng-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi làm tốt công tác bám nắm địa bàn, tổ chức tuyên truyền đến từng hộ, từng người dân địa phương. Đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền từ tổ chức họp dân, thông báo, hướng dẫn… với nội dung ngắn ngọn, có hình ảnh minh họa. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật cho già làng, trưởng thôn, để họ thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con cũng như gương mẫu, tích cực đi đầu trong chấp hành pháp luật”.
Tuyên truyền đúng, hiệu quả cao
Trong 3 năm qua, các đơn vị BĐBP đã chủ động phối hợp cùng chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng, tổ chức tuyên truyền được 9.685 buổi/94.077 lượt người nghe. Trong đó, tuyên truyền tập trung được 902 buổi/56.032 lượt người nghe, tuyên truyền nhỏ lẻ 8.738 lần/38.045 lượt người nghe, tuyên truyền qua hệ thống cụm loa truyền thanh xã 1.090 lần/15.234 phút. Nội dung trọng tâm là vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng-chống dịch bệnh; không xuất cảnh trái phép, không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; tuyên truyền cụ thể nội dung của Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền; quy chế biên giới, vành đai biên giới, đường biên, cột mốc... Từ đó, bà con đã tự giác thực hiện, tích cực tham gia tố giác tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo ông Rơ Châm Tiu-Chủ tịch UBND xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) thì trước đây địa bàn xã là một điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự. Từ ngày được BĐBP phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cùng với tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 01, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”… tình hình an ninh chính trị ở địa phương đã ổn định. Đến nay, đã xây dựng 11 tổ tự quản và gần 1.800 hộ dân ký kết tự quản đoạn đường biên, cột mốc; tham gia hiệu quả các hoạt động tuần tra, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa bàn và khu vực biên giới.
Cùng với đó, lực lượng BĐBP tỉnh đã phát huy “tai mắt nhân dân” trong việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm. Từ năm 2021 đến nay, người dân đã cung cấp cho BĐBP 3.726 nguồn tin có giá trị. Lực lượng BĐBP tỉnh đã xây dựng 32 kế hoạch nghiệp vụ về tội phạm ma túy, buôn lậu… qua đó, đấu tranh bắt giữ, xử lý 515 vụ/820 đối tượng vi phạm pháp luật; tang vật thu giữ 1.078,8606 gram ma túy đá; 3,168 gram heroin; 4 súng tự chế; 416,06 m3 gỗ các loại, 72.129 bao thuốc lá điếu; trên 1.505 kg pháo nổ… Khởi tố hình sự 10 vụ/13 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 238 vụ/601 đối tượng, phạt tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ đồng… Kết quả đó đã minh chứng cho hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết quân-dân, bảo vệ biên giới bình yên, phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh.
LÊ QUANG

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.