Tôi đã từng ước ao mình đi lạc vào thăm thẳm đại ngàn ấy… và tan biến đi.
Jacques Dournes đã mô tả trong cuốn “Rừng, Đàn bà, Điên loạn”: “Nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo, con đường mòn, do bao nhiêu thế hệ những bàn chân trần đi mãi theo một lối vạch nên, rụt rè đâm vào rừng rậm; con đường của tiều phu, của những người đi săn, có thể nó sẽ dẫn đến một làng nào đấy”.
Miền đất này đã từng là thăm thẳm đại ngàn. Người và cây cộng sinh để làm nên một đời sống vô cùng đậm chất, riêng có, không lẫn lộn với bất cứ vùng miền nào. Nhắc đến Tây Nguyên, người ta nghĩ ngay đến miền rừng thiêng nước độc. Rừng ở đây không chỉ là lãnh địa của thảo mộc và thú dữ, mà còn là nơi cư ngụ của thần linh. Vậy nên, người Tây Nguyên nương tựa vừa đủ vào rừng. Và hàng năm, họ làm lễ cúng rừng, thành tâm và nghiêm cẩn.
Tôi cũng đã từng được sống những tháng năm với tất cả cảm xúc của một người Tây Nguyên nương mình vào với núi rừng. Tôi theo đám trẻ học trò đi lấy măng, lấy nấm. Lũ trẻ dạy tôi cách tìm sản vật của rừng. Chúng đào măng và hái nấm xong, bao giờ cũng làm một việc, đó là lấy lá mục và đất lấp lại chỗ vừa đào bới, để mùa sau còn có thể quay lại “xin” của mang về. Đám trẻ dạy tôi trồng lúa rẫy, trỉa hạt bắp nương và mong ngóng, chờ đợi mùa về. Mùa đi canh rẫy trên những chiếc chòi dựng tạm nơi bìa rừng, vừa hồi hộp, vừa run sợ, vừa thích thú.
Những đêm mưa, trời tối đen, có cảm giác như bẻ ra từng mảng được. Đám trẻ đem tù và rúc lên từng hồi, đó là cách chúng trò chuyện với nhau khi khoảng cách giữa các chòi canh khá xa. Thật khó mà diễn tả hết cái mênh mênh u tịch của tiếng tù và vọng vang trong những đêm mưa rừng ấy.
Đó là chuyện của mấy mươi năm về trước. Khi ấy, rừng còn ở rất gần. Người Tây Nguyên chỉ trồng trọt canh tác được vào mùa mưa, còn mùa khô là dành cho lễ hội. Thời điểm nông nhàn, người ta kéo nhau từ làng này sang làng khác để dự việc của làng. Những đêm lửa đốt lập lòe trên những gương mặt chín đỏ rượu cần, bàn chân xoay tròn điệu xoang trong nhịp chiêng dồn dập. Tiếng chiêng vọng vào vách núi, loang lên những tán rừng ma mị ánh trăng khuya. Cho nên, tôi như mê đắm trong những đêm hội làng, như sống một đời sống khác, ngoài đời sống thực.
Ven những cánh rừng, những ngôi làng ẩn hiện giữa chốn mây ngàn luôn có hấp lực dẫn dụ bước chân tôi. Nhiều chuyến đi như vô định, để cuối cùng, tôi sà vào một gian bếp nhà sàn ấm sực hương gạo mới, như trở lại một chốn rất thân quen.

Giờ muốn vào rừng phải đi xa lắm và phải có người dẫn đường. Chúng tôi đã có những đêm dựng lều trại ngủ lại dưới những tàng xanh.
Đêm ở rừng, nằm nghe tiếng thác reo, tiếng suối chảy, tiếng côn trùng ri rích, cả tiếng lá mục khẽ hoai đi… lòng như quên hẳn phố thị với chật đầy tính toan vội vã. Giấc ngủ ở rừng như được thấy lại mình giữa khu vườn mùa hạ ngập đầy ánh nắng ríu ran nhảy nhót theo chân bầy sẻ nâu; thấy sợi khói mảnh vương lên trong buổi hoàng hôn nhập nhoạng và thấy cả âm thanh của cơn mưa đầu mùa lộp bộp trên tàu lá che đầu… Lúc đó mới hiểu được rằng ký ức khi nào cũng như cây cung kéo căng về phía ngày cũ, chỉ cần nhẹ tay buông là mũi tên sẽ lao vút đi thôi.
Tôi có thể ngồi hàng giờ dưới một tàng xanh, đưa tay khẽ chạm vào lớp rêu xanh mượt ôm cứng lấy thân cây, rồi ngước tầm mắt nhìn nhánh phong lan buông hờ những chùm hoa giữa đám tầm gửi vấn vít. Rừng dạy cho tôi bài học về đời sống cộng sinh, về tấm lòng thảo thơm chở che nương náu, về sự trả vay và vừa vặn ở đời… Đừng lãng phí và tàn phá, rừng sẽ mãi ở đó, an hòa với con người.
Với tôi, rừng luôn chứa đầy bí ẩn. Sự mường tượng về thế giới ắp đầy màu xanh ấy khiến tôi nghĩ đến một kiếp nào đó, mình có thể đã từng là loài rêu, là chiếc lá, là một dây leo hay một lối mòn mất hút giữa thăm thẳm non ngàn. Được làm một thành tố nào đó tạo nên chốn non xanh ấy, rồi tan biến đi, hẳn cũng đã vẹn tròn hạnh phúc.