Sự sống bật lên từ cội rễ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giống quýt ngọt được ông Ăm Neng chiết từ rễ quýt cổ thụ giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện cuộc sống.

Từ thập niên 90 thế kỷ XX trở về trước, thôn Vầng (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là vùng núi đồi hoang vu, đường sá đi lại khó khăn. Những đôi chân chai sạn của đồng bào Vân Kiều ngày ngày luồn qua lau lách, xuyên rừng lên rẫy. 65 năm sống nơi thâm sơn cùng cốc, ông Hồ Văn Ngưm (Ăm Neng, SN 1959), người Vân Kiều, đã tự xoay trở mưu sinh và giúp người dân thôn bản bám vào thiên nhiên cải thiện cuộc sống.

Người vận động mở 5 con đường

Ở thôn Vầng và một số bản lân cận còn rất nhiều phế liệu chiến tranh sót lại. Lúc đầu, ông Ăm Neng theo người dân đi gom phế liệu rồi gùi vác xuống miền xuôi bán nhưng không được bao nhiêu tiền.

Một trong 5 con đường đi vào khu sản xuất mà ông Ăm Neng cùng bà con tự bỏ tiền san ủi
Một trong 5 con đường đi vào khu sản xuất mà ông Ăm Neng cùng bà con tự bỏ tiền san ủi

Để thuận tiện hơn cho việc thu gom và chuyên chở phế liệu bằng xe lớn, ông vận động dân bản cùng mở đường. Bố (lối xưng hô thân mật của người Vân Kiều - NV) đứng ra thu mua, vừa giúp người dân lại có thêm thu nhập cho gia đình. Con đường 8 km từ thôn Vầng tới điểm thu gom phế liệu, qua các khu sản xuất, nối với bản Măng Sông là thay đổi đầu tiên về đường sá ở xã Ba Tầng. Ông Ăm Neng cho hay năm 1993, tận dụng thuận lợi lúc xe ủi làm công trình đường sá trong bản, ông ứng trước một số tiền thuê ủi mở đường, rồi vận động người dân bản đóng góp tiền, ai có lúc nào thì góp lúc nấy. Với gần 50 triệu đồng thu được, mọi người bắt tay vào làm con đường đầu tiên, rồi con đường thứ 2, thứ 3.

Ông Ăm Neng bên gốc cây ăn quả (quýt gieo hạt) cổ thụ có tuổi đời hơn 20 năm
Ông Ăm Neng bên gốc cây ăn quả (quýt gieo hạt) cổ thụ có tuổi đời hơn 20 năm

Tới năm 2024, ông Ăm Neng và đồng bào Vân Kiều thôn Vầng đã mở được 5 con đường với tổng chiều dài gần 20 km, kinh phí hàng trăm triệu đồng. Ông Ăm Neng chia sẻ: "Trước năm 1993, nhà nước làm cho con đường trong bản. Người dân cần chung tay để phát triển bản làng, mở thêm đường mới giải quyết được việc đi lại, hàng hóa mới vận chuyển thuận lợi".

Chiết giống quýt ngọt từ... rễ

Ông Ăm Neng kể năm 1977, khi ra chợ Khe Sanh (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) mua trái quýt ăn thấy ngọt nên mang hạt về gieo. Đến năm 1999, con gái ông đi đám cưới ở Khe Sanh lại mang hạt quýt về, ông lại gieo hạt và mang lên rẫy trồng. Cây ra trái rất ngọt. Với giọng đượm buồn, ông Ăm Neng nhớ con rồi kể rằng những hàng quýt trên rẫy có nguồn gốc và thời gian trồng cũng khác nhau nhưng cây nào trái cũng ngọt. "Con gái của bố rất thông minh và siêng năng, thương là nó bị bệnh mất năm 21 tuổi. Những hàng quýt trên rẫy là cây của bố và con gái" - ông Ăm Neng nghẹn ngào.

Lặng đi một hồi lâu, ông Ăm Neng chia sẻ: "Khi xe ủi đất làm đường, chỗ rễ quýt bị đứt mọc lên cây con, bố lấy trồng. Cả sau này trên rẫy, khi cày đất trồng lúa, trồng sắn, nhiều rễ quýt lên cây non và bố mang đi trồng. Khác với quýt gieo hạt thường hơn 5 - 6 năm mới ra trái, quýt con từ rễ chỉ 1 - 2 năm là cây cao quá đầu người và cho trái. Thấy được ưu điểm này nên bố đã nhân chiết giống quýt từ rễ cây".

Sở hữu hơn 200 gốc quýt cổ thụ được gieo bằng hạt của cây quýt có tuổi đời hơn 20 năm, hằng năm, ông Ăm Neng có nguồn thu từ 50 - 70 triệu đồng suốt 10 năm. Năm 2022, ông Ăm Neng xuống giống thêm 200 gốc cam được chiết từ rễ cây mẹ, bà con Vân Kiều quanh vùng ngạc nhiên đến xem ông chiết cây từ rễ, xin về làm cây giống. Cứ nhát cuốc băm vào rễ, vài tháng sau quay lại mang cây con về trồng. Ban đầu một vài người, rồi đến hàng chục người. Cứ thế, giống quýt ngọt ngon của ông Ăm Neng ở thôn Vầng lan ra khắp vùng, ai cũng trồng được giống quýt ngọt từ cách chiết cành từ rễ của ông.

Trên vùng gò đồi với diện tích hơn 2 ha, ông Ăm Neng trồng quýt dọc hành lang ranh giới; phần diện tích lõi lớn, ông trồng xen canh sắn, mỗi vụ thu trên 50 triệu đồng. Đất feralit đỏ vàng ở vùng núi rất phù hợp với giống cây ăn trái có múi. Ông Ăm Neng chỉ cho chúng tôi nơi chi chít vết cuốc đào xới nói: "Bà con cuốc rễ từ đợt trước, đến đợt này cây con lên nên tới lấy về trồng, hiện tại như hộ Ăm Loan, Ăm Hảo… cũng có vườn quýt lớn cho thu nhập cao". Ông Ăm Đẹp, một hộ dân trồng quýt thôn Vầng, cho biết: "Để dưỡng cây phát triển tốt nhưng vừa có cây giống, Ăm Neng hướng dẫn bà con thôn bản chọn rễ nhỏ nhân giống để ít gây tổn hại cho cây. Sau mỗi mùa chiết giống, bố thấy Ăm Neng lại bù đắp cho cây nguồn dinh dưỡng mới để sinh trưởng và phát triển tốt".

Ông Ăm Neng bộc bạch: "Cái cây hay con người thì gốc rễ là quan trọng lắm. Gốc rễ không chắc thì cây dễ ngã, con người không có đạo đức, không có trình độ thì không làm việc có ích cho mình và mọi người".

Ông Ăm Neng tâm niệm suối có nguồn, người có cội rễ, họ hàng, bản làng. To hơn là đất nước, làm mình thành người tốt thì cộng đồng tốt hơn, đất nước vững mạnh hơn. Đối với đồng bào biên giới thì làm kinh tế tốt thôi chưa đủ, phải biết bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Người có uy tín, điểm tựa bản làng

Với bản làng Vân Kiều, Pa Cô, người có uy tín trong cộng đồng phải là người có cả đức và tài. Ông Ăm Neng đã hội tụ cả 2 yếu tố đó. Hơn 10 năm nay, ông Ăm Neng luôn được người dân thôn bản tin yêu bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Vầng.

Ông Hồ Văn Hôn, Trưởng thôn Vầng, cho hay ông Ăm Neng có 400 gốc quýt các loại, 700 m2 ao cá, 1.440 gốc tiêu, lúa nước, cây ăn trái các loại, lợn đẻ… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Ăm Neng còn là những người am hiểu thực tiễn địa phương và phong tục tập quán, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật và tuyên truyền vận động nhân dân làm theo đã đem lại hiệu quả rất thiết thực.

Theo ông Hồ Văn Băng, Chủ tịch UBND xã Ba Tầng, nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn xã Ba Tầng và một số địa phương lân cận đã chịu khó học hỏi, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư xây dựng trang trại nên đã xóa được đói, giảm được nghèo, không còn nhà tạm bợ. Người có uy tín còn tham gia và vận động nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ vậy, các thôn bản đã huy động một cách có hiệu quả nguồn lực trong nhân dân để xây dựng nhà văn hóa, các tuyến đường liên thôn, liên xã. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi.

Với tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, ông Ăm Neng là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đồng thời còn làm tốt vai trò động viên con cháu, vận động bản làng tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, áp dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Con người rồi cũng già, danh dự thì còn mãi

Những thành tích đạt được, ông Ăm Neng được các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương ghi nhận và khen thưởng. Điển hình như bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh đối với người có uy tín tiêu biểu năm 2023; bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đối với người có uy tín có nhiều thành tích xuất sắc năm 2023; giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc đối với tấm gương điển hình tiên tiến tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa năm 2024... Chỉ vào những bằng khen, giấy khen, ông Ăm Neng nói: "Cây quýt rồi cũng già cỗi, con người cũng già, cũng chết, tiền bạc cũng hết nhưng danh dự thì còn mãi".

Ông Ăm Neng với bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đối với người có uy tín có nhiều thành tích xuất sắc năm 2023
Ông Ăm Neng với bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đối với người có uy tín có nhiều thành tích xuất sắc năm 2023

Theo Bài và ảnh: Hoàng Hải Lâm (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.