Có một phụ nữ đã từ bỏ công việc, lìa xa gia đình và tình yêu để vào Làng trẻ em SOS làm một người mẹ của trẻ em mồ côi.
Những đứa trẻ mồ côi được nuôi dưỡng trong Làng SOS Gò Vấp đang chơi thả diều |
"Nếu tình yêu trai gái là tình yêu có điều kiện thì trong làng này chúng tôi chỉ có tình yêu vô điều kiện. Những người phụ nữ chúng tôi thương lấy nhau, thương lấy những đứa con mà không nghĩ đến quá khứ cũng chẳng ước vọng tương lai"-chị Nguyễn Ngọc Bích |
Câu chuyện của chị đã được dựng thành một vở kịch. Chị được mời thủ vai chính để diễn lại cuộc đời của chính mình trước hàng trăm người xem...
Người mẹ đó là chị Nguyễn Ngọc Bích (56 tuổi), mẹ của 14 đứa con trong căn nhà số 10 mang tên Hoàng Mai tại Làng trẻ em SOS Gò Vấp (TP.HCM).
Người phụ nữ từ bỏ tất cả
Năm 1993, chị Bích đang làm kế toán ở Sở Thương nghiệp TP.HCM, công việc mà nhiều người ao ước với mức lương tương đối cao.
Bỗng một hôm chị viết đơn xin nghỉ việc nộp cho trưởng phòng trong sự ngơ ngác của mọi người. Hỏi chị đi đâu, chị trả lời đi nuôi trẻ em mồ côi. Mọi người nói với nhau: “Chắc con nhỏ này bị khùng”.
Là con gái Sài Gòn chính gốc, có công việc ổn định lại đã hứa hôn nên việc Bích quyết định từ bỏ tất cả như thế quả là điều khó hiểu với những ai quen biết chị. “Người ta nói tôi khùng nhưng tôi không khùng đâu, cái gì cũng có nguyên nhân” - chị nói.
Trước khi xin nghỉ việc để vào làng, Bích phải trải qua một cuộc phẫu thuật, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bác sĩ thông báo ca mổ này có tác động đến khả năng sinh sản của chị.
Khi đó chị đã hứa hôn nhưng khi hay tin, cha mẹ của người yêu chị bắt đầu “đắn đo” dù anh ấy vẫn còn yêu chị.
Tuy nhiên, cảm thấy trái tim mình đã bị tổn thương, cho nên dù đớn đau nhưng chị đành đoạn phải chia tay mối tình để tìm cho mình một lối thoát. “Thời điểm đó tôi tự nhủ sẽ không lập gia đình” - chị nói.
Gần nửa năm trời chị tới lui, tìm hiểu các trại trẻ mồ côi ở Sài Gòn và sau đó quyết định xin vào Làng trẻ em SOS Gò Vấp bởi duy nhất nơi này những bà mẹ đều được yêu cầu phải sống độc thân.
Thế nhưng, để vào làng ở hẳn cũng không dễ bởi chị còn một rào cản lớn là gia đình và cha mẹ. Hiếm có đấng sinh thành nào dễ dàng chấp nhận cho đứa con gái của mình bỏ việc, bỏ gia đình để đi nuôi con cái người dưng nước lã. Chính vì thế mà chị chỉ còn một chọn lựa là trốn cha mẹ để vào làng.
Khi biết được câu chuyện của người mẹ SOS này, chị Đặng Bích An (cử nhân ngành quản lý văn hóa) đã dựng thành vở kịch với tựa đề Mẹ tôi.
Chị Bích được mời đóng vai người mẹ với những dằn vặt đau khổ khi đứa con bỏ gia đình ra đi, nhưng dần dần bà cũng thấu hiểu bởi đứa con gái đã dành tình yêu của mình cho những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa.
“Chính sự hi sinh lớn lao, hi sinh tuổi thanh xuân, tình riêng và gia đình cho trẻ mồ côi của mẹ Bích đã thôi thúc tôi phải dựng một vở kịch để kể lại cuộc đời của mẹ khi vào làng SOS”- chị An nói.
Vở kịch này giành được số điểm tuyệt đối ở một cuộc thi dành cho cộng đồng làm công tác xã hội tại TP.HCM. Khi vở kịch khép lại, tác giả đã cho chị Bích nói câu thoại cuối cùng: “Hạnh phúc là khi mình biết chia sẻ” và đã được hàng trăm khán giả vỗ tay nhiệt liệt.
Cô bé Vàng Thị Thơm lớn lên trong vòng tay người mẹ Làng SOS Điện Biên Lò Thị Thành (34 tuổi) và tình yêu thương của người cha đỡ đầu Ander Ahlstrong bên kia đại dương |
Những tấm lòng bao la
Vừa đi học về, cô bé Vàng Thị Thơm (11 tuổi, người Mông) ở Làng SOS Điện Biên lật đật chạy vào bàn học lấy tờ giấy viết thư với dòng chữ mở đầu nắn nót: “Gửi cha yêu dấu!”. Người cha đó là ông Ander Ahlstrong, sống ở Thụy Điển.
Năm năm nay, hàng chục bức thư tay như thế đã trở thành chiếc cầu nối tình cảm xuyên biên giới giữa hai con người. Từ năm 2012, từ một tấm ảnh cô bé có đôi mắt tinh khôi này, ông Ander đã quyết định trở thành người cha đỡ đầu của Thơm.
Năm 2002, ông Ander đã đến thăm VN và 10 năm sau ông quyết định sẽ làm điều gì đó cho đất nước này bằng việc bảo trợ một đứa con ở Làng SOS Điện Biên.
Những dịp giáng sinh, sinh nhật của con gái đỡ đầu hay tết nguyên đán, ông đều gửi thư hỏi thăm và không quên tặng Thơm những món quà tự tay ông chọn mua.
Sau khi cơn bão lịch sử Xangsane càn quét Đà Nẵng vào năm 2006, Làng SOS Đà Nẵng nhận được một bức thư hỏi thăm về đứa trẻ tên Minh Ngọc. Người gửi bức thư đó là ông Dirk Rothing, đến từ Đức. Ông chính là cha đỡ đầu của cháu Ngọc.
Sau đó, ông đã đến Làng SOS Đà Nẵng thăm con và quyết định đỡ đầu thêm cho 10 đứa trẻ khác trong ngôi nhà tên Hoa Cẩm Chướng.
Cũng tại làng này, suốt 25 năm nay có một gia đình Thụy Điển nhận đỡ đầu tất cả các cháu ở trong ngôi nhà tên Hoa Hướng Dương.
Còn tại Làng trẻ em SOS Đồng Hới không chỉ góp sức xây dựng làng, nhiều nhà khoa học đoạt các giải Nobel trên thế giới còn trở thành những người cha đỡ đầu của các em mồ côi trong ngôi làng này.
Theo bà Nguyễn Hương Lan, giám đốc chương trình đỡ đầu quốc tế, mỗi năm có hơn 20.000 lá thư tay của trẻ em các làng SOS tại Việt Nam gửi đi cho những người đỡ đầu, chủ yếu là châu Âu.
“Có rất nhiều người sau các bức thư tay đó đã sang tận Việt Nam để thăm con của mình, đem đến cho các cháu tình yêu thương thực sự” - bà Lan nói.
Theo Tuoitre
Cần sự giúp đỡ của chính người Việt Bà Đào Hồng Lan, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết hiện nay các làng trẻ em SOS VN đã nhận được nhiều sự ủng hộ và giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần của người VN. Nhiều người đã trở thành những ông bố, bà mẹ đỡ đầu cho trẻ SOS. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn bởi gần 80% chi phí nuôi dưỡng trẻ và hoạt động của 17 làng vẫn trông chờ vào tài trợ của Làng trẻ em SOS quốc tế. Bà Shubha Murthi, giám đốc Làng trẻ em SOS quốc tế phụ trách khu vực châu Á, cho biết hiện nay châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư, nhiều làng trẻ em SOS bây giờ phải mở cửa để đón dòng người tị nạn và người dân châu Âu phải quay sang giúp đỡ trực tiếp người nhập cư. “Hơn bao giờ hết, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của chính người Việt để trẻ em mồ côi tại VN có mái ấm, được bảo vệ và có tương lai tốt đẹp hơn” - bà Shubha Murthi nói. |