Sống trong tâm 'khủng hoảng' nước sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên mạng xã hội, người dân sinh sống ở Đà Nẵng kêu trời vì không có nước cho ăn uống. Khắp các góc quán, tiệm cà phê..., câu chuyện nước sạch được mọi người bàn tán xôn xao. 
 
Xe quân đội cấp nước tận nhà cho người dân và các chung cư. Ảnh: Hoàng Sơn
Trong "cơn khát" lịch sử ở Đà Nẵng, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Nhiều tình huống cười ra nước mắt bên cạnh những câu chuyện ấm áp tình người.
Oái oăm chuyện... vệ sinh cá nhân
Niềm hy vọng thoát khỏi cảnh nhịn tắm, nhịn giặt trong nhiều ngày của hàng trăm ngàn người dân ở vùng tâm “khủng hoảng” nước sạch (thuộc nhiều phường của 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) đã bị dập tắt khi 2 thủy điện lớn ở đầu nguồn sông Cầu Đỏ xả nước liên tục nhưng vẫn không đẩy nổi mặn. Đến chiều 22.8, ngành chức năng TP.Đà Nẵng chính thức thông báo, việc đẩy mặn bất thành buộc họ phải đóng cửa thu nước và... chờ độ mặn giảm xuống để lấy nước thô. Vậy là gần cả tuần qua, nhiều người không còn thấy vòi nước nhà mình tuôn dòng nước mát mà thay vào đó là cảnh chực chờ lấy nước từ các bồn chứa “dã chiến”, hoặc chen chân trong các tiệm tạp hóa, siêu thị để mua nước đóng chai về dùng.
 
Các điểm cấp nước “dã chiến” trong khu dân cư
Không có nước vài giờ đã thấy mệt mỏi, huống chi nhiều khu vực không hứng được một giọt nước nào trong nhiều ngày liền. Trên mạng xã hội, người dân sinh sống ở Đà Nẵng kêu trời vì không có nước cho ăn uống. Khắp các góc quán, tiệm cà phê..., câu chuyện nước sạch được mọi người bàn tán xôn xao. Ở các khu chợ tại P.Nại Hiên Đông (Sơn Trà), có lẽ chưa khi nào tiểu thương bán thùng chứa nước “được mùa được giá” như lúc này. Còn nhiều tiệm tạp hóa, siêu thị mini trong các khu dân cư, nước uống đóng chai cỡ lớn (loại 5 lít trở lên) “cháy” hàng vì nhu cầu tăng đột biến. Bà Nguyễn Thị Châu (65 tuổi, ngụ đường Bùi Huy Ích) than thở: “Mấy ngày nay, nước sạch cúp tiệt. Người không có nước để tắm nên áo quần thay ra cứ thế chất đống, bốc mùi...”.
Khổ sở nhất là các chung cư, nhất là các hộ ở tầng trên cùng bởi vừa xa chỗ cấp nước “dã chiến”, lại ở tầng cao, nước gom góp được chút ít thì cư dân tầng dưới “hút” sạch. Nhiều gia đình có trẻ sơ sinh ứa nước mắt vì đồ thay ra không có nước để giặt nên hôi thối. Trẻ em không có nước tắm sinh ra rôm sảy... “Chưa khi nào chứng kiến cảnh thiếu nước nghiêm trọng như vậy. Tôi canh me cả đêm. Sáng dậy thấy xô nước được vài lít mà ngao ngán”, ông Trần Văn Hải, ngụ chung cư Blue House (P.Nại Hiên Đông) kể.
Nhiều gia đình không cam lòng nhìn con mồ hôi nhễ nhại đã mua bình nước 20 lít về tắm cho con. Bà Hòa cùng ngụ chung cư trên cho biết, để đối phó với thiếu nước, bà mua nước đóng chai về trữ. Còn giặt giũ, tắm gội, bà “di tản” cả nhà sang gia đình bên nội tại Q.Hải Châu vì bên đó có nước...
Câu cửa miệng: “cho tắm nhờ tí!”
Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là địa bàn nằm cuối tuyến ống nước sạch, cách Nhà máy nước Cầu Đỏ hàng chục ki lô mét. Từ đầu mùa khô đến nay, 2 địa phương này đã nhiều lần thiếu nước nhưng đây là lần khốc liệt nhất. Câu hỏi “cửa miệng” của nhiều người những ngày này là “nhà có nước không, cho tắm nhờ tí”. “Chuyện thô nhưng mà thật. Số là, người ở trọ ở Q.Sơn Trà, vì cúp nước nhiều ngày nên không dám đi vệ sinh ở nhà vì không có nước, nên phải xin “đi” nhờ. Có hôm, cũng đang “đi” nhờ thì nhà đó cũng cúp nước (do cấp nước luân phiên - PV). Oái oăm!”, một nam thanh niên kể.
Hy vọng trong ngày hôm nay
Hôm qua (24.8), ông Hồ Minh Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP cấp nước Đà Nẵng, cho biết, hiện độ mặn vẫn biến thiên và nước trên sông Cầu Đỏ đang xuống thấp vì cạn kiệt đầu nguồn. “Hy vọng đến ngày 25.8, nước sạch sẽ được khôi phục ở các điểm cuối tuyến”, ông Nam bày tỏ.
Còn đối với những hộ gia đình xác định việc “khát” nước dài dài, họ nghĩ ra cách lấy nước ngầm... Và, giếng khoan sau một thời gian “vắng bóng” đã quay trở lại.
“Dù biết giếng khoan gây nhiều hệ lụy nhưng đành phải như vậy. Tình hình nhiễm mặn thế này, biết khi nào mới có nước trở lại. Mình tự cứu mình trước đã”, anh Đinh Văn Thạnh (40 tuổi, ngụ đường Khúc Hạo) chia sẻ, “cái khó ló cái khôn” đến ngày thiếu nước thứ 2, anh liền nghĩ tới việc khoan giếng để lấy nước. Anh Thạnh liên hệ thợ khoan giếng nhưng đã kín lịch. Năn nỉ mãi thợ mới tranh thủ khoan xong cái giếng cho anh đến tận khuya. “Giếng sâu 8 m, giá 1 triệu đồng. Khoan xong, nước dùng thoải mái”, anh Thạnh nói: “Giờ khách gọi, ổng không nghe máy đâu. Ổng kẹt nhiều “sô” lắm...”. Quả đúng như vậy!
 
Người dân dắt díu nhau đi lấy nước trong cơn “khủng hoảng” nhiều ngày qua
Hàng xóm anh Thạnh kể, cách đây mấy hôm, thấy anh Thạnh khoan giếng, bà cũng định khoan. Nhưng anh Thạnh bảo có nước thì dùng chung cho khỏi tốn kém. “Chú Thạnh “tài trợ” bơm, điện, còn tôi góp ống dẫn nước về nhà thôi”, bà góp chuyện. Cách đó không xa, “trạm” giếng khoan của ông Trần Thanh Nhàn (52 tuổi, ngụ đường Hồ Sĩ Tân) trở thành điểm đến lấy nước của cả trăm người dân sống trong các chung cư gần đó. Ông Nhàn cho biết, khoảng 5 ngày qua, chiếc máy bơm của ông hoạt động từ sáng sớm đến tối khuya để cấp nước cho người dân. “Nước thì có sẵn rồi chỉ bỏ điện ra để hút lên thôi. Cũng không đáng bao tiền điện. Tôi chỉ lo, máy bơm “ho hen” thì khổ cho cả trăm hộ dân”, ông nói.
Để có nước phục vụ ăn uống cho người dân, ông Nhàn còn sai con đi mua phèn chua về nghiền nhỏ bỏ vào bồn xử lý nước cho người ta lấy về. Cứ có phụ nữ nào mang bình tới lấy nước, vợ ông Nhàn là bà Nguyễn Thị Tơ bảo họ mang áo quần đến “trạm” bơm giặt giũ. “Thương nhất là có 2 gia đình mới đón bé sơ sinh. Không biết bao nhiêu áo quần, tã lót bốc mùi mấy ngày qua. Nghe tôi nói vậy, cả 2 gia đình mang đống đồ xuống giặt”, bà Tơ nói. Cụ bà Bùi Thị Hồng (71 tuổi, ngụ chung cư 4A) vừa hứng xong 10 lít nước, xúc động: “Nếu không có cái giếng khoan của chú Nhàn chắc dân đây chết khát mất thôi. Tình cảm của vợ chồng chú xứng đáng được tri ân lắm”.
Công an, quân đội cứu dân thoát “khát”
Sáng 22.8, ngày thứ 4, Đà Nẵng lâm cơn “khủng hoảng” nước sạch, trên đường Vân Đồn bỗng xuất hiện một chiếc xe bồn cỡ lớn. Đây là lần đầu tiên, xe quân đội được huy động cấp nước cho người dân. Chiếc xe chạy và dừng ở một số địa điểm để người dân ra lấy nước. Tuy không “giải khát” được vì xe bồn ít sử dụng khiến nước có màu vàng nhưng người dân vốn dĩ thiếu nước lâu ngày rất cảm kích vì có thêm ít nước để sinh hoạt. Trong khi đó, mặc dù ở Hải Châu - quận trung tâm TP nhưng do lưu lượng nước yếu nên Bệnh viện Đà Nẵng cũng rơi vào tình cảnh thiếu nước. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết số lượng bệnh nhân, người nhà, cán bộ... khoảng 5.000 người. Với con số này, lượng nước tiêu thụ rất lớn khiến nguồn nước dự trữ thiếu hụt.
Đứng trước tình thế này, bệnh viện đã “cầu viện” lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an TP.Đà Nẵng cấp nước. “Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng phải nhận viện trợ nước từ các họng nước dự trữ PCCC. Bệnh viện cũng thông tin đến các khoa phòng và yêu cầu tiết kiệm nước sinh hoạt, hạn chế giặt giũ để giữ nước dùng cho bệnh nhân”, ông Nhân nói.
Chưa khi nào, hệ thống nước sạch của TP.Đà Nẵng thiếu hụt lượng nước nghiêm trọng và kéo dài như những ngày qua. Người dân quay cuồng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và tổ chức nhiều cuộc họp khẩn với các ngành để tìm giải pháp.
Cả TP gần một tuần qua sống như thời dã chiến, quay quắt vì thiếu nước sạch!
Hoàng Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.